Một số người bị đột quỵ trước đó có thể đã trải qua cơn thiếu máu não tạm thời (TIA) hay còn gọi là đột quỵ nhỏ trong vòng 90 ngày trước đó. Các triệu chứng của TIA có thể là mất thăng bằng hoặc thay đổi sự tỉnh táo.
Nguy cơ bị đột quỵ tăng lên khi bạn già đi, giống như với nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ gần như gấp đôi sau mỗi 10 năm kể từ tuổi 55. Tuy nhiên, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đã gia tăng từ năm 1990.
Việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ là rất quan trọng, bất kể độ tuổi. Hãy tiếp tục đọc để khám phá những dấu hiệu cảnh báo sớm của cơn đột quỵ và cách phòng tránh chúng.

Có thể có dấu hiệu cảnh báo một tháng trước khi bị đột quỵ không?
TIA, hay còn gọi là đột quỵ nhỏ, xảy ra khi dòng máu đến não bị ngừng tạm thời trong một khoảng thời gian ngắn. Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo rằng một cơn đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai: Khoảng 20% những người trải qua TIA sẽ bị đột quỵ trong vòng 90 ngày.
Các triệu chứng của TIA giống với đột quỵ, có thể bao gồm những dấu hiệu như thay đổi trong mức độ tỉnh táo, cảm giác, vấn đề về cơ bắp hoặc mất thăng bằng.
Ngoài ra, những dấu hiệu sớm của đột quỵ cần chú ý là:
- Bối rối hoặc khó khăn khi hiểu lời nói
- Khó khăn trong việc đi lại
- Cảm giác chóng mặt hoặc mất khả năng phối hợp
- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân
- Vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt
- Yếu hoặc tê ở chân, đặc biệt là nếu chỉ ở một bên
Hành động F.A.S.T.
Để nhớ các triệu chứng cần chú ý và biết khi nào cần gọi 911, bạn có thể sử dụng từ viết tắt F.A.S.T.:
- Face (Khuôn mặt): Kiểm tra xem có dấu hiệu mặt bị xệ hoặc tê không.
- Arm (Cánh tay): Kiểm tra xem có yếu hoặc tê ở cánh tay không.
- Speech (Lời nói): Lắng nghe xem lời nói có bị líu lại không.
- Time (Thời gian): Gọi 911 ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào.

Cách chuẩn bị
Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ai. Biết được các dấu hiệu của đột quỵ sẽ giúp bạn nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời. Để chuẩn bị tốt hơn, hãy ghi nhớ các bệnh viện gần nhất có cơ sở điều trị đột quỵ 24/7, cùng các loại thuốc bạn đang sử dụng hoặc thuốc đã từng gây phản ứng dị ứng.
Hãy lưu ý các yếu tố nguy cơ đột quỵ, bao gồm:
- Tuổi tác
- Tiểu đường
- Tiền sử gia đình
- Bệnh tim
- Huyết áp cao hoặc cholesterol cao
- Lối sống không lành mạnh như thiếu vận động, hút thuốc lá, uống rượu quá mức
- Béo phì
- Tiền sử đột quỵ hoặc TIA
- Giới tính
- Bệnh hồng cầu hình liềm
Cần làm gì nếu bạn nghi ngờ mình đang bị đột quỵ
Ngay lập tức tìm kiếm sự chăm sóc y tế khi bạn nghĩ mình có dấu hiệu đột quỵ. Hãy gọi xe cứu thương thay vì tự lái xe hoặc nhờ người khác đưa bạn đến bệnh viện. Xe cứu thương giúp nhân viên y tế bắt đầu chăm sóc ngay trong khi đang di chuyển đến phòng cấp cứu. Khi gọi 911, hãy thông báo rằng bạn nghi ngờ mình đang bị đột quỵ để họ có thể đưa bạn đến một trung tâm đột quỵ chuyên biệt.
Nếu bác sĩ cấp cứu chẩn đoán bạn bị một tình trạng khác, đừng vội từ bỏ. Đột quỵ và TIA có thể gây ra các triệu chứng giống với các bệnh lý khác như nhiễm trùng tai trong hoặc đau nửa đầu. Vì vậy, không phải lúc nào đột quỵ cũng dễ dàng được phát hiện, đặc biệt là đột quỵ ở động mạch não sau.
Hãy hỏi bác sĩ câu này: "Tại sao bạn nghĩ đây không phải là đột quỵ?" Nếu câu trả lời không thuyết phục, hãy yêu cầu một ý kiến thứ hai.
Biên dịch: Hà Linh