Theo Reuters, từ tháng 3/2025 đến nay, Apple đã vận chuyển khoảng 600 tấn iPhone, tương đương gần 1,5 triệu chiếc từ các nhà máy tại Ấn Độ sang Mỹ, sau khi đẩy mạnh sản xuất tại quốc gia này.
Động thái của Apple diễn ra trong bối cảnh ông Trump đe dọa áp mức thuế lên đến 145% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nơi Apple đang sản xuất phần lớn thiết bị của mình. Ngược lại, mức thuế với hàng nhập từ Ấn Độ hiện chỉ là 10%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, dù vẫn nằm trong diện chịu ảnh hưởng bởi chính sách mới.

Theo nguồn tin nội bộ, Apple đang muốn đi trước một bước để tránh bị ảnh hưởng khi thuế suất cao có hiệu lực. Hiện tại, chính quyền Trump đã tạm hoãn áp dụng mức thuế 26% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ trong 90 ngày, nhưng nguy cơ thuế tăng vẫn còn treo lơ lửng.
iPhone có thể tăng giá đến gần 2.000 USD
Các nhà phân tích cảnh báo rằng, nếu Apple buộc phải chịu toàn bộ chi phí thuế quan từ Trung Quốc, giá iPhone tại Mỹ có thể tăng mạnh. Cụ thể, ngân hàng đầu tư UBS ước tính, mẫu iPhone 16 Pro Max 256GB có thể tăng giá từ 1.199 USD lên gần 2.000 USD, nếu hãng này chuyển phần lớn chi phí thuế sang người tiêu dùng.

Ấn Độ trở thành “cứu cánh” sản xuất của Apple
Reuters cho biết Apple đang đặt mục tiêu tăng 20% sản lượng iPhone tại các nhà máy ở Ấn Độ. Để đạt được điều này, công ty đã tăng cường tuyển dụng và mở rộng thời gian hoạt động, trong đó có nhà máy lớn nhất tại Chennai do Foxconn điều hành, hiện đang sản xuất cả iPhone 15 và 16.
Năm ngoái, nhà máy này đã xuất xưởng khoảng 20 triệu chiếc iPhone. Hiện Apple có ba nhà máy chính ở Ấn Độ, được điều hành bởi Foxconn và Tata.
Tờ Wall Street Journal cũng đưa tin rằng Apple coi việc vận chuyển iPhone từ Ấn Độ sang Mỹ chỉ là giải pháp tạm thời, trong lúc họ tiếp tục nỗ lực để được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Bank of America, nếu Apple chuyển toàn bộ số iPhone sản xuất tại Ấn Độ sang bán ở Mỹ, họ có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của thị trường Mỹ trong năm nay.
Sản xuất iPhone tại Mỹ: Bài toán không khả thi
Dù một số ý kiến cho rằng Apple nên cân nhắc đưa dây chuyền sản xuất về Mỹ, song nhiều chuyên gia cho rằng chi phí sản xuất trong nước là quá cao. Theo ước tính của công ty tài chính Wedbush Securities (Mỹ), một chiếc iPhone sản xuất tại Mỹ hoàn toàn có thể đội giá lên tới 3.500 USD, chủ yếu do chi phí nhân công cho hàng trăm nghìn lao động.
"Nếu người dùng chấp nhận trả 3.500 USD cho một chiếc iPhone, thì lúc đó mới nên sản xuất chúng ở New Jersey, Texas hoặc một bang nào đó của Mỹ," nhà phân tích Dan Ives từ công ty Wedbush nhận định trong một báo cáo gửi nhà đầu tư vào tuần vừa qua.
Dan Milmo là biên tập viên của The Guardian. Bài viết được đăng trên The Guardian vào ngày 10/4/2025.
The Guardian là một tờ báo uy tín có trụ sở tại Anh, được thành lập năm 1821 với tên gọi ban đầu là The Manchester Guardian. Hiện thuộc sở hữu của Scott Trust, tổ chức phi lợi nhuận đảm bảo tính độc lập về tài chính và nội dung. Tờ báo nổi tiếng với lập trường trung tả, ưu tiên các vấn đề xã hội, môi trường và nhân quyền
Biên dịch: Thu Hoài