Vén màn sự thật: Sói trắng tuyệt chủng 12.500 năm có thực sự được "hồi sinh"?

Sascha Pare 14:13 12/04/2025
Các nhà khoa học gần đây tuyên bố họ đã hồi sinh thành công sói khổng lồ tuyệt chủng từ cuối Kỷ Băng Hà nhờ công nghệ gene hiện đại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cá thể mới tạo ra chỉ mang hình dáng tương đồng, chứ không thực sự là một con sói khổng lồ cổ đại.

Ngày 7/4 vừa qua, công ty công nghệ sinh học Colossal Biosciences (Mỹ) tuyên bố đã 'hồi sinh' sói khổng lồ cổ đại tuyệt chủng từ cuối Kỷ Băng Hà, bằng công nghệ chỉnh sửa gene.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng “hồi sinh” là một cách nói chưa chính xác. “Những con vật này thực chất là sói xám được chỉnh sửa gene, mang một vài đặc điểm tương đồng với sói khổng lồ”, phó giáo sư Nic Rawlence, chuyên gia cổ di truyền học tại Đại học Otago (New Zealand), cho biết.

Để tạo nên những chú sói con này, các nhà khoa học đã chiết xuất DNA từ hai mẫu hóa thạch sói trắng tiền sử bao gồm một chiếc răng 13.000 năm tuổi tìm thấy ở Ohio và một phần xương tai trong 72.000 năm tuổi từ Idaho. Sử dụng các mẫu DNA này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một hệ gene cục bộ của sói khổng lồ, sau đó so sánh với bộ gene của các loài họ hàng còn sống như sói xám, chó rừng và cáo.

Dù sói xám (Canis lupus) không có quan hệ gần gũi về mặt tiến hóa với sói khổng lồ nhưng Colossal vẫn chọn chúng làm “vật chủ” do tính tương thích sinh học. Theo chuyên gia David Mech, sói khổng lồ đã tách ra khỏi tổ tiên chung với sói xám từ khoảng 6 triệu năm trước, thuộc một chi hoàn toàn riêng biệt. Thậm chí, chó rừng châu Phi còn có thể gần gũi với sói khổng lồ hơn cả sói xám.

Dựa trên bộ gene thu thập được, nhóm nghiên cứu xác định 20 biến đổi quan trọng trong 14 gene liên quan đến đặc điểm hình thái đặc trưng của sói khổng lồ. Họ đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR để tái tạo lại các tế bào máu của sói xám, khiến chúng mang các đoạn gene tương đồng với sói khổng lồ.

Quy trình tạo ra phôi tương tự như công nghệ nhân bản cừu Dolly năm 1996, bao gồm nhân bản tế bào đã chỉnh sửa, đưa vào noãn bào sói xám đã loại bỏ nhân, sau đó nuôi trong phòng thí nghiệm rồi cấy vào tử cung của chó nhà (một phân loài của sói xám).

Ba chú sói con – Romulus, Remus và Khaleesi – lần lượt chào đời vào ngày 1/10/2024 và 30/1/2025. Hiện chúng đang được nuôi dưỡng trong một khu bảo tồn có hàng rào cao 3 mét, dưới sự giám sát nghiêm ngặt.

Dù gây chú ý trên toàn cầu nhưng dự án này vẫn vấp phải nhiều tranh cãi trong giới khoa học.

“Những con vật này không thực sự là sói khổng lồ hồi sinh. Colossal đã lấy khoảng 19.000 gene, chỉnh sửa 20 điểm trong số đó, rồi gọi đây là sói khổng lồ. Đó là một cách diễn giải rất rộng rãi của khái niệm ‘hồi sinh loài tuyệt chủng’,” chuyên gia Rawlence nhận định.

Giáo sư Philip Seddon từ Đại học Otago cũng cho rằng nếu Colossal có ý định thả các cá thể này về tự nhiên thì đây sẽ là quyết định cực kỳ rủi ro, cả về sinh thái lẫn pháp lý. “Sói khổng lồ từng chiếm lĩnh một hốc sinh thái đã không còn tồn tại ngày nay. Khó có thể hình dung chúng sẽ phù hợp với hệ sinh thái hiện đại như thế nào.”

Tuy vậy, nhiều nhà khoa học vẫn đánh giá cao các đột phá công nghệ trong quá trình nghiên cứu. Những kỹ thuật này hiện đang được áp dụng để bảo tồn loài sói đỏ (Canis rufus) – loài sói đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Colossal cho biết đã nhân bản thành công hai lứa sói đỏ, góp phần tăng số lượng cá thể nuôi nhốt tại Mỹ và mở ra hy vọng mới cho công tác bảo tồn.

Sascha Pare là biên tập viên của Live Science . Bài viết được đăng trên Live Science vào ngày 9/4/2025
Live Science là một tạp chí điện tử khoa học nổi tiếng của Mỹ, chuyên cung cấp những thông tin cập nhật, dễ hiểu và hấp dẫn về các lĩnh vực như sinh học, môi trường, vũ trụ, y học, khảo cổ học và công nghệ. Được thành lập vào năm 2004, Live Science là một trong những nguồn thông tin đáng tin cậy và phổ biến nhất trong cộng đồng yêu khoa học toàn cầu.

Biên dịch: Thu Hoài