Châu Phi có thể bị tách đôi bởi năng lượng sâu trong lòng đất

Darren Orf 23:16 05/06/2025
Một nghiên cứu mới cho thấy một khối đá siêu nóng từ ranh giới giữa lõi và lớp phủ đang đẩy tách mảng kiến tạo tại Đông Phi, mở ra khả năng châu Phi sẽ bị chia tách trong tương lai.

Một nghiên cứu mới công bố trên Geophysical Research Letters cho thấy một luồng vật chất nóng khổng lồ có nguồn gốc từ ranh giới giữa lõi và lớp phủ Trái Đất đang hoạt động mạnh bên dưới Đông Phi. Đây được xem là động lực chính gây ra quá trình tách giãn tại Hệ thống Rãnh Đông Phi (East African Rift System - EARS), kéo dài hơn 6.400 km từ Ethiopia đến Malawi.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Glasgow (Anh) đã thu thập và phân tích khí neon tại mỏ địa nhiệt Menengai ở Kenya – khu vực có hoạt động địa nhiệt mạnh mẽ. Nhờ kỹ thuật phân tích khối phổ chính xác cao, họ xác định khí neon này bắt nguồn từ sâu trong lớp phủ Trái Đất, rất có thể gần ranh giới lõi - lớp phủ.

Điều đáng chú ý là những đặc điểm khí neon tương tự cũng được tìm thấy ở nhiều vị trí khác nhau trên toàn tuyến rãnh, từ các bazan của vùng Afar (Ethiopia) đến thung lũng rãnh phía tây giữa Uganda và CHDC Congo. Điều này củng cố giả thuyết rằng EARS không phải do nhiều dòng magma nhỏ gây ra, mà là kết quả của một “siêu cột” đá nóng duy nhất bên dưới toàn bộ hệ thống.

"Chúng tôi từ lâu muốn hiểu cách mà vật chất sâu trong lòng đất trồi lên bề mặt, và tác động của nó đến địa hình toàn cầu. Nghiên cứu này cho thấy một khối đá nóng khổng lồ từ ranh giới lõi-lớp phủ đang tồn tại bên dưới Đông Phi, góp phần nâng cao cả lục địa này hàng trăm mét và đẩy các mảng kiến tạo tách rời nhau", giáo sư Fin Stuart, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ trong thông cáo báo chí.

Các nhà khoa học tìm thấy một năng lượng tiềm ẩn bên dưới lục địa Châu Phi

Năng lượng địa nhiệt và dữ liệu quý giá

Vùng Đông Phi không chỉ nổi tiếng với các núi lửa như Kilimanjaro mà còn là điểm nóng về năng lượng địa nhiệt. Kenya, chẳng hạn, sản xuất hơn 90% điện từ nguồn năng lượng tái tạo, trong đó phần lớn đến từ địa nhiệt. Việc khai thác nguồn năng lượng này cũng tạo điều kiện cho các nhà khoa học tiếp cận với dữ liệu khoan sâu quý giá, giúp nghiên cứu cấu trúc địa chất dưới lòng đất.

Một nghiên cứu khác từ Đại học Virginia Tech năm 2023 từng đặt ra câu hỏi về các biến dạng địa chất song song theo rãnh – điều hiếm gặp trong các hệ thống tách giãn. Giờ đây, phát hiện về luồng magma lớn di chuyển theo phương bắc đã giải thích hiện tượng này, đồng thời khẳng định thêm sự tồn tại của “siêu cột nóng” bên dưới EARS.

Lục địa châu Phi có thể bị chia đôi?

Theo các nhà khoa học, quá trình tách giãn tại EARS hiện đang diễn ra với tốc độ rất chậm – vài mm mỗi năm, nhưng về mặt địa chất, đây là dấu hiệu rõ ràng của một châu lục đang rạn nứt. Trong hàng chục triệu năm tới, nếu quá trình này tiếp diễn, một đại dương mới có thể hình thành giữa hai phần tách rời của châu Phi.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý rằng không phải mọi hệ thống rãnh nứt đều dẫn đến sự hình thành đại dương. Diễn biến tiếp theo của quá trình này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố địa chất khác.


Darren Orf là một nhà báo và biên tập viên tự do người Mỹ, hiện đang cộng tác với Popular Mechanics (PM). Bài viết được đăng trên PM vào ngày 20/05/2025.

Popular Mechanics
là một tạp chí lâu đời của Mỹ, được thành lập vào năm 1902 bởi Henry Haven Windsor. Tạp chí tập trung vào việc phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và những phát minh mới theo cách dễ hiểu, hướng đến đông đảo độc giả yêu thích khám phá, sáng tạo và các giải pháp ứng dụng thực tiễn.

Biên dịch: Thu Hoài