Sao Hỏa một lần nữa gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học khi tiết lộ sự tồn tại của những tảng đá có hình dạng kỳ lạ, điều mà cho đến nay vẫn chưa thể giải thích rõ ràng.
Trong quá trình khám phá khu vực Broom Point, nằm trên sườn thấp của Witch Hazel Hill của sao Hỏa, tàu thám hiểm Perseverance đã phát hiện một tảng đá có bề mặt sần sùi, giống như một tập hợp các bọt khí đông cứng. Cấu trúc này bao gồm hàng trăm khối cầu nhỏ màu xám đậm, mỗi khối có đường kính khoảng một milimét, được kết dính chặt chẽ với nhau.
Các nhà khoa học đã đặt tên cho tảng đá này là St. Pauls Bay và xem đây là một phát hiện hết sức "gây sốc'. Điều đáng chú ý là không có tảng đá nào tương tự trong khu vực xung quanh, khiến cho thành phần, cơ chế hình thành và nguồn gốc của nó vẫn còn là một bí ẩn lớn.

Trên Trái Đất, các cấu trúc khoáng vật kết tinh có dạng cụm cầu như thế này được gọi là hình thái botryoidal, thường xuất hiện trong nhiều loại khoáng chất với cơ chế hình thành rõ ràng. Tuy nhiên, St. Pauls Bay có nhiều điểm khác biệt so với các mẫu botryoidal điển hình trên Trái Đất như thạch anh nho (grape agate) hay hematite. Điều này đặt ra câu hỏi liệu cơ chế hình thành của nó trên Sao Hỏa có diễn ra theo cách hoàn toàn khác.
Một giả thuyết khác cho rằng các khối cầu nhỏ trong St. Pauls Bay có thể được hình thành từ đá nóng chảy nguội đi nhanh chóng – một quá trình có thể xảy ra trong các vụ va chạm thiên thạch hoặc hoạt động núi lửa.
Khi thiên thạch lao xuống bề mặt hành tinh, nhiệt độ cực cao từ vụ va chạm có thể làm nóng chảy vật chất, tạo thành những giọt nhỏ rồi văng ra xung quanh, đông đặc lại thành các khối cầu. Quá trình tương tự cũng có thể xảy ra khi núi lửa phun trào, tạo ra các khối cầu dung nham nguội lạnh nhanh chóng.

Trước đây, trên Sao Hỏa cũng đã phát hiện nhiều dạng đá cầu tương tự. Những viên "quả việt quất" (blueberries) giàu khoáng chất hematite được cho là hình thành trong môi trường nước.
Các tảng đá có bề mặt lỗ chỗ như bỏng ngô, được tìm thấy tại miệng hố Jezero, cũng có thể liên quan đến sự hiện diện của nước. Ngoài ra, tàu Curiosity từng phát hiện những khối cầu nhỏ trong miệng hố Gale, được cho là kết quả của quá trình kết tủa khoáng chất dưới tác động của nước.
Tuy nhiên, hiện tại, các nhà khoa học chưa thể xác định chính xác quá trình hình thành của St. Pauls Bay. Lý do là vì đây là một tảng đá trôi nổi – tức là nó không nằm nguyên tại vị trí ban đầu mà đã bị di chuyển đến khu vực hiện tại bởi một tác động nào đó.
Vì chưa xác định được nơi xuất phát của St. Pauls Bay, các nhà nghiên cứu không thể hiểu rõ điều kiện môi trường đã tạo nên cấu trúc kỳ lạ này – một yếu tố quan trọng để xác định liệu nhiệt độ cao từ núi lửa hoặc thiên thạch hay quá trình thủy sinh đã góp phần tạo nên nó.
Dù vậy, dữ liệu thu thập từ quỹ đạo đã phát hiện một lớp đá tối gần đó, có thể là nơi khởi nguồn của St. Pauls Bay. Giờ đây, điều mà giới khoa học chờ đợi là tàu Perseverance sẽ tiến lại gần hơn để quan sát tảng đá này một cách chi tiết hơn, mở ra cơ hội giải mã thêm một bí ẩn của hành tinh Đỏ.
Michelle Starr là một nhà báo khoa học tại ScienceAlert. Bài viết được đăng trên ScienceAlert vào ngày 31/03/2025.
ScienceAlert là trang tin tức khoa học uy tín, chuyên cập nhật các phát hiện mới về vũ trụ, công nghệ, sức khỏe và môi trường. Thành lập năm 2006 tại Úc, ScienceAlert nổi bật với cách trình bày dễ hiểu, trích dẫn nguồn từ các tạp chí khoa học hàng đầu, giúp độc giả tiếp cận tri thức một cách chính xác và hấp dẫn.
Biên dịch: Thu Hoài