Trong những năm gần đây, các thiết bị chăm sóc da công nghệ cao tại nhà như mặt nạ LED hay máy điện vi dòng (microcurrent) ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào trên thị trường cũng nhận được những đánh giá tích cực.
Gần đây, một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc đã bất ngờ gây xôn xao vì lý do không mấy tốt đẹp. Sản phẩm Medicube Booster Pro - một thiết bị kết hợp giữa công nghệ microcurrent và EMS (kích thích cơ bằng xung điện), vốn được nhiều người ưa chuộng và từng được các ngôi sao như Hailey Bieber và Khloe Kardashian khen ngợi.
Thế nhưng, một video lan truyền trên mạng đã ghi lại lời tố cáo từ một khách hàng cho rằng cô bị liệt Bell (Bell’s Palsy) sau hai lần sử dụng sản phẩm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Điều này làm dấy lên câu hỏi: liệu những thiết bị làm săn chắc và kích thích cơ mặt này có thể gây sụp mí hoặc thậm chí là liệt cơ mặt?
Mặc dù Medicube nhanh chóng bác bỏ cáo buộc trên trang TikTok chính thức của họ, nhưng sự việc vẫn thu hút sự quan tâm lớn. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia để làm rõ những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng các thiết bị này trong thời gian dài.

Cơ chế hoạt động của thiết bị EMS và microcurrent
Hiện nay, cả EMS và microcurrent đều được ứng dụng rộng rãi trong các thiết bị làm đẹp tại nhà. Một số sản phẩm microcurrent nổi bật có thể kể đến như NuFace Trinity, Ziip Halo, TheraFace Pro hay Foreo Bear, vốn là sản phẩm tích hợp cả EMS và microcurrent như Medicube.
EMS giúp săn chắc cơ mặt thông qua các cơn co giật nhẹ. Microcurrent kích thích sản sinh collagen và elastin, từ đó giảm nếp nhăn.
Thông thường, các thiết bị chăm sóc da tại nhà chỉ cung cấp dòng điện trong khoảng 200-400 microamp, trong khi các liệu trình chuyên sâu tại spa có thể lên đến 800 microamp và phải được thực hiện bởi chuyên gia để tránh tình trạng kích thích quá mức. Khi cơ bị kích thích quá mạnh, có thể gây ra tình trạng co giật, sụp mí và các vấn đề khác.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thiết bị tại nhà không thể mang lại hiệu quả tương đương với phương pháp điều trị chuyên nghiệp, nhưng lại là giải pháp tiện lợi và tiết kiệm chi phí hơn.
Bác sĩ Azza Halim, chuyên gia đa chuyên khoa, cho biết: "Các thiết bị tại nhà có thể hỗ trợ, nhưng không mang lại thay đổi rõ rệt, đặc biệt là sau tuổi 30. Tuy nhiên, nếu được sử dụng đúng cách từ độ tuổi 20-30, chúng có thể giúp duy trì độ đàn hồi của da và cải thiện tuần hoàn máu."

Thiết bị làm đẹp có thể gây liệt mặt hoặc sụp mí không?
Theo các chuyên gia, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa thiết bị microcurrent/EMS với tổn thương dây thần kinh mặt. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, khi kết hợp với tập luyện, microcurrent có thể giúp phục hồi và tái tạo cơ. Một nghiên cứu năm 2021 cũng ghi nhận không có tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng microcurrent để điều trị đau cơ xương khớp.
Riêng với liệt Bell, đây là chứng bệnh không rõ nguyên nhân, thường liên quan đến nhiễm virus herpes hoặc sự tái kích hoạt virus trong cơ thể, gây ra tình trạng yếu hoặc liệt cơ mặt. Dù chủ yếu bắt nguồn từ virus, một nghiên cứu năm 2021 chỉ ra rằng một số chấn thương nhỏ (như bị tát vào mặt) cũng có thể liên quan đến liệt Bell, nhưng không đề cập đến thiết bị làm đẹp nào.
Bác sĩ Bradley Glodny, chuyên gia da liễu tại Park Avenue Dermatology, giải thích: "Rủi ro rất thấp, nhưng nếu sử dụng sai cách (kích thích quá mức hoặc đặt thiết bị sai vị trí), có thể gây kích ứng dây thần kinh mặt tạm thời, dẫn đến các triệu chứng tương tự liệt Bell. Để tránh điều này, hãy sử dụng thiết bị đúng kỹ thuật, tránh tác động quá mạnh lên cơ mặt."

Những rủi ro thực sự của thiết bị làm đẹp công nghệ cao
Bác sĩ Azza Halim nhấn mạnh: "Microcurrent và EMS không trực tiếp gây liệt mặt, nhưng nếu dây thần kinh mặt bị kích thích quá mức, có thể có rủi ro, nhất là với những người đã có tiền sử tổn thương thần kinh."
Những ai thuộc nhóm có nguy cơ cao nên cân nhắc trước khi sử dụng thiết bị này:
+ Người từng bị tổn thương thần kinh hoặc có tiền sử cơ mặt yếu.
+ Người bị sụp mí hoặc mắc các bệnh lý cơ bắp (nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng).
+ Người mang thai hoặc cho con bú (do chưa có đủ nghiên cứu về độ an toàn).
+ Người có máy tạo nhịp tim hoặc thiết bị y tế cấy ghép (tránh tác động lên khu vực có thiết bị).
+ Người mắc các bệnh da liễu như mụn viêm, chàm, vảy nến (tránh làm tổn thương vùng da đang bị viêm nhiễm).
Ngoài ra, một số khu vực trên khuôn mặt cần sử dụng mức điện thấp hơn để tránh ảnh hưởng đến các mạch máu mỏng manh, như vùng quanh mắt, khu vực tuyến giáp (cổ) và vùng gần tai.
Bác sĩ Glodny cũng cảnh báo các tác dụng phụ có thể gặp phải, bao gồm sưng, đau nhức, kích ứng da, mỏi cơ, co giật nhẹ và kích thích dây thần kinh quá mức.
Tuy các tác dụng phụ này thường không kéo dài, nhưng vẫn có thể gây khó chịu và khiến người dùng không hài lòng với sản phẩm.

FDA có quan trọng không?
Dù không bắt buộc, chứng nhận FDA giúp người dùng yên tâm hơn về độ an toàn và hiệu quả của sản phẩm. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm các chứng nhận như CE (châu Âu) hoặc KFDA (Hàn Quốc). Một số thiết bị đã được FDA cấp phép gồm NuFACE Trinity, Foreo Bear, Ziip Halo, TheraFace Pro.
Trước khi mua, hãy nghiên cứu kỹ lưỡng
Nếu bạn đang cân nhắc mua một thiết bị chăm sóc da công nghệ cao, hãy kiểm tra sản phẩm có phù hợp với tình trạng da và sức khỏe của bạn hay không, đọc đánh giá khách hàng và các nghiên cứu lâm sàng, tránh những nghiên cứu do chính hãng sản xuất tài trợ.
Cuối cùng, hãy bắt đầu với mức điện thấp nhất, thử trên vùng da nhỏ trước khi sử dụng toàn mặt, và khi có thắc mắc, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia da liễu.
Fani Mari là nhà báo tự do người Hy Lạp sống tại London, đã từng viết cho Dazed, British Glamour, Byrdie, Eco-Age. Bài viết được đăng trên HuffPost vào ngày 24/03/2025.
HuffPost (trước đây gọi là The Huffington Post) là một trang web tin tức, blog và mạng xã hội nổi tiếng toàn cầu, được thành lập vào năm 2005 bởi Arianna Huffington, Kenneth Lerer, Jonah Peretti và Josh L. Pritzker. HuffPost đã nhanh chóng trở thành một trong những nền tảng tin tức hàng đầu, cung cấp thông tin đa dạng về chính trị, văn hóa, giải trí, sức khỏe, công nghệ, và các vấn đề xã hội.
Biên dịch: Thu Hoài