Tiền thực sự có thể mua được hạnh phúc, nếu bạn là tỷ phú

Olivia Hebert 11:36 17/03/2025
Các nhà nghiên cứu đã xác nhận một điều mà nhiều người có lẽ đã nghi ngờ: Mối liên hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc vẫn tồn tại, ngay cả với những người có thu nhập "khủng" lên tới 500.000 đô la (khoảng 12,7 tỷ đồng) một năm, thậm chí là hơn.

Một nghiên cứu mới đã bác bỏ quan niệm phổ biến cho rằng tiền không mua được hạnh phúc. Matthew Killingsworth, một nhà nghiên cứu hàng đầu về hạnh phúc tại Trường Wharton, đã công bố những kết quả cho thấy mối tương quan rõ ràng giữa thu nhập và hạnh phúc, kéo dài đến cả những mức thu nhập rất cao.

Khác với lý thuyết "máy chạy bộ khoái lạc" – quan niệm cho rằng con người sẽ dần quen với sự giàu có và niềm vui vật chất sẽ phai nhạt – nghiên cứu này khẳng định những triệu phú và tỷ phú vẫn hạnh phúc hơn đáng kể so với những người có thu nhập thấp hơn, ngay cả những người đã kiếm được nửa triệu đô la mỗi năm.

Điểm mấu chốt là, dường như không có giới hạn trên cho mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc. Killingsworth thậm chí còn phát hiện ra rằng, đối với các triệu phú và tỷ phú, mức độ hạnh phúc vẫn tiếp tục tăng lên tương ứng với thu nhập của họ. Ông chia sẻ với Bloomberg: "Nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tích cực này vẫn tiếp diễn, ngay cả với những người có mức thu nhập cao ngất ngưởng".

Trước khi công bố phát hiện này, Killingsworth đã hợp tác với một nhóm các nhà khoa học hàng đầu để bác bỏ quan điểm "tiền không mua được hạnh phúc". Ông đã làm việc cùng nhà kinh tế học và tâm lý học đoạt giải Nobel Daniel Kahneman (đã qua đời). Kahneman, cùng với nhà kinh tế học Angus Deaton, từng nổi tiếng với nghiên cứu năm 2010 cho rằng hạnh phúc chỉ tăng theo thu nhập đến ngưỡng 75,000$. Killingsworth, cùng Kahneman và các cộng sự, đã tiến hành nghiên cứu sâu hơn để phản biện lại kết luận này.

Sự hợp tác giữa Kahneman và Killingsworth đã chứng minh được rằng mối liên hệ giữa tiền và hạnh phúc vẫn tồn tại, ít nhất là đến mức thu nhập nửa triệu đô la mỗi năm. Để đi đến kết luận này, họ đã sử dụng ứng dụng "Track Your Happiness" trên điện thoại thông minh để theo dõi mức độ hạnh phúc hàng ngày của người tham gia. Killingsworth giải thích trên Washington Post rằng, việc thu thập dữ liệu ngay lập tức, vào những thời điểm ngẫu nhiên trong ngày, giúp phản ánh chân thực cảm xúc của người tham gia tại thời điểm đó.

Sau khi Kahneman qua đời, Killingsworth tiếp tục công bố các kết quả nghiên cứu, củng cố thêm bằng chứng cho thấy những cá nhân sở hữu khối tài sản hàng triệu, thậm chí hàng tỷ đô la, có mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn mức trung bình của xã hội.

Tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn – bao gồm nghiên cứu trước đây của chính Killingsworth, một nghiên cứu năm 2018 trên 4.000 triệu phú từ 17 quốc gia, và một cuộc khảo sát năm 1985 trên danh sách Forbes 400 – Killingsworth đã xác nhận mối tương quan mạnh mẽ giữa sự giàu có và mức độ hạnh phúc.

Những người có thu nhập từ 500.000 đô la trở lên cho biết mức độ hài lòng với cuộc sống trung bình đạt từ 5,5 đến 6 trên thang điểm 7, trong khi những người kiếm được khoảng 100.000 đô la mỗi năm có mức điểm trung bình khoảng 4,6. Những người có thu nhập từ 15.000 đến 30.000 đô la mỗi năm đạt điểm trung bình chỉ hơn 4 một chút.

Killingsworth nhấn mạnh: “Sự khác biệt về mức độ hạnh phúc giữa nhóm thu nhập thấp và cao là rất lớn”. Ông lưu ý rằng điều này cho thấy sự chênh lệch đáng kể về mức độ hạnh phúc giữa tầng lớp trung lưu và những người giàu có. "Trong phạm vi mà tiền bạc có thể tác động, phần lớn sự khác biệt đó nằm ở nhóm có thu nhập trên mức trung bình."

Mặc dù tiền bạc không phải là tất cả, nghiên cứu của Killingsworth chỉ ra rằng nó có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản – như thực phẩm, nhà ở và sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, ngay cả khi tiền là một yếu tố quan trọng, trong nghiên cứu trước đó của Killingsworth với Kahneman, vẫn có một nhóm nhỏ những người giàu có cảm thấy không hạnh phúc, bất chấp thu nhập cao.

Killingsworth giải thích trên tờ Washington Post rằng, nhìn chung, đa số mọi người sẽ hạnh phúc hơn khi có thu nhập cao. Tuy nhiên, có một ngoại lệ quan trọng: "Nếu bạn giàu có mà vẫn bất hạnh, thì nhiều tiền hơn cũng không giải quyết được vấn đề. Nhưng với những người khác, thu nhập cao hơn có liên quan đến hạnh phúc cao hơn, ở các mức độ khác nhau."

Nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 20% số người tham gia thuộc nhóm "thiểu số bất hạnh" này. Sự bất hạnh của họ có xu hướng giảm dần khi thu nhập tăng, nhưng chỉ đến một ngưỡng nhất định. Những người này thường phải đối mặt với những nỗi đau không liên quan đến tiền bạc, chẳng hạn như thất tình, mất người thân, hoặc trầm cảm. Mức độ đau khổ của họ có giảm khi thu nhập tăng lên khoảng 100.000 đô la, nhưng không có sự cải thiện đáng kể sau đó.

Olivia Hebert là biên tập viên của tờ The Independent. Bài viết này được đăng trên Independent vào ngày 21/07/2024.

The Independent là một trong những nhật báo quốc gia trẻ nhất của Anh. Được thành lập vào năm 1986, The Independent nổi tiếng với những bài báo chuyên sâu, điều tra, phân tích về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, và công nghệ, cả trong nước và quốc tế. The Independent có lượng độc giả lớn và có tầm ảnh hưởng đáng kể trong dư luận Anh và quốc tế.

Biên dịch: Như Ý