Các chương trình giáo dục và trao đổi sinh viên đóng vai trò quan trọng trong sự khác biệt này. Pakistan là một ví dụ điển hình: Ước tính có hơn 28.000 sinh viên Pakistan du học tại Trung Quốc vào năm 2019, biến Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu cho sinh viên của nước này.
Đại sứ Pakistan tại Trung Quốc, Khalil Hashmi, cho biết tại Bắc Kinh rằng Pakistan nằm trong top 3 quốc gia có số lượng sinh viên du học tại Trung Quốc nhiều nhất. Theo số liệu thống kê về sinh viên quốc tế gần đây nhất mà Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố năm 2018, các quốc gia có số lượng sinh viên gửi sang Trung Quốc nhiều nhất là Hàn Quốc (50.600 sinh viên), Thái Lan (28.608 sinh viên), Pakistan (28.032 sinh viên), Ấn Độ (23.198 sinh viên) và Hoa Kỳ (20.996 sinh viên).
Chính phủ Trung Quốc cung cấp học bổng rất hậu hĩnh, nhưng một số gia đình tôi đã trao đổi cho biết họ tự chi trả hoặc hỗ trợ một phần chi phí học tập của con cái tại Trung Quốc, đặc biệt là đối với các ngành y khoa. Dựa trên các cuộc phỏng vấn với 25 sinh viên hoặc phụ huynh sinh viên Pakistan, các chương trình phổ biến khác mà các trường đại học Trung Quốc cung cấp cho sinh viên Pakistan bao gồm tiếng Trung, kỹ thuật và khoa học máy tính. Các công ty tư vấn giáo dục đóng vai trò trung gian giữa sinh viên và các trường đại học Trung Quốc. Một công ty như vậy hiện đang quảng cáo học phí và chỗ ở một năm cho ngành y khoa với giá 3.000 đô la.
Aidah Baloch, sinh viên đến từ tỉnh Balochistan, phía tây nam Pakistan, đã nhận được học bổng của Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC) vào năm 2022. Cô cho biết: “Học bổng của tôi do CSC tài trợ toàn phần, bao gồm trợ cấp hàng tháng 3.500 nhân dân tệ (khoảng 500 đô la Mỹ) cho chương trình Tiến sĩ và tất cả các chi phí khác của tôi.”
Chương trình Học bổng CSC được Bộ Giáo dục Trung Quốc thành lập năm 1996 nhằm khuyến khích sinh viên Trung Quốc đi du học và thu hút các học giả, sinh viên quốc tế đến Trung Quốc học tập. Chương trình này cung cấp nhiều loại học bổng khác nhau. Ông Baloch cho biết: "Các chương trình học bổng CSC tài trợ cho sinh viên đại học, sau đại học, học giả thường trú và cấp cao, có thể là tài trợ một phần hoặc toàn phần".
Một số quan chức Trung Quốc và Pakistan tiết lộ rằng số lượng học bổng dành cho sinh viên Pakistan đã tăng lên, song hành với sự mở rộng của Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Thường được báo chí gọi là dự án trị giá 62 tỷ đô la (trong khi chính phủ Pakistan ước tính là 50 tỷ đô la), CPEC là một mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường - dự án thương mại và cơ sở hạ tầng toàn cầu của Bắc Kinh.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Islamabad, Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan, ông Giang Tại Đông, cho biết chính phủ Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Pakistan trong lĩnh vực giáo dục. Ông cũng nhấn mạnh rằng Đại sứ quán Trung Quốc, chính phủ liên bang Pakistan và các chính quyền tỉnh đều đang cung cấp học bổng cho sinh viên Pakistan du học tại Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng tài trợ các dự án giáo dục tại Pakistan. Nổi bật nhất là các trường thuộc Viện Khổng Tử, nơi giảng dạy tiếng Trung Quốc và văn hóa Trung Hoa. Chúng thường được đặt trong các trường đại học địa phương, và thường trở thành khoa nghiên cứu Trung Quốc của trường đó. Hiện nay có năm Viện Khổng Tử tại Pakistan. Theo Viện Pakistan-Trung Quốc, một tổ chức đặt trụ sở tại Lahore tự nhận mình là "tổ chức tư vấn phi chính phủ, phi phe phái và phi chính trị", gần 30.000 sinh viên Pakistan đã học tiếng Trung thông qua các chương trình này vào năm 2022.
Bên cạnh đó, còn có các khóa học khác do chính phủ Trung Quốc tài trợ tại các viện đào tạo nghề. Theo một bài báo đăng trên Tạp chí Nhân văn và Khoa học Xã hội Pakistan năm 2023, “94 trung tâm đang hoạt động trên khắp Pakistan để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc học tiếng Trung Quốc ở các vùng sâu vùng xa”. Các trung tâm nghiên cứu Trung Quốc khác cũng được thành lập tại các trường đại học ở Pakistan như một phần của “Hiệp hội Đại học CPEC” được thành lập vào tháng 8 năm 2017 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức giáo dục đại học Trung Quốc và Pakistan. Hiện nay, hiệp hội này gồm 29 trường đại học và viện nghiên cứu của Trung Quốc và 83 trường đại học của Pakistan. Ủy ban Giáo dục Đại học Pakistan và Hiệp hội Giáo dục Đại học Trung Quốc cũng đã thành lập Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học Trung-Pakistan, được điều hành chung bởi Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Islamabad và Đại học Bắc Kinh.
Các quan chức cấp cao Trung Quốc tại Pakistan bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa chương trình học bổng và giao lưu văn hóa giữa hai nước. Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Karachi, thành phố đông dân nhất Pakistan, Dương Vân Đông, cho biết dù Trung Quốc đã cấp rất nhiều học bổng cho sinh viên Pakistan, nhưng “chúng tôi muốn tăng số lượng học bổng cho sinh viên Pakistan trong tương lai”.
Sinh viên Aidah Baloch đến từ Balochistan bày tỏ niềm vui khi được học cao học tại Trung Quốc: “Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tôi nghĩ đến khi mơ ước học tiến sĩ.” Cô giải thích rằng trường đại học cô đang theo học, Đại học Hải dương Trung Quốc ở Thanh Đảo, trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, nổi tiếng về khoa học hải dương học và ngư nghiệp – chuyên ngành cô đang theo đuổi. Giống như Thanh Đảo, quê hương Gwadar của cô cũng là một thành phố ven biển, nên cô cảm thấy rất quen thuộc và thoải mái ở đó.
"Ở Gwadar, bất cứ khi nào tôi đến thăm cảng Gwadar và nhìn thấy người Trung Quốc ở đó, tôi lại nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ ở đó ở đất nước của họ để học tập. Ước mơ của tôi cuối cùng đã trở thành hiện thực, và bây giờ tôi đang ở Trung Quốc, nơi có những con người chăm chỉ, khiêm tốn và đáng kính."

Những không phải ai ở Pakistan cũng mơ về việc học tập tại Trung Quốc.
Sự phẫn nộ của người dân địa phương đối với các dự án phát triển của Trung Quốc ở Pakistan đã dẫn đến sự phẫn nộ và bạo lực. Những cảm xúc này đặc biệt mạnh mẽ ở tỉnh Balochistan nghèo nàn ở phía tây nam, vị trí của cảng Gwadar mà Trung Quốc đã và đang phát triển như một trung tâm hậu cần quan trọng cho CPEC. Vào tháng 4 năm 2022, Quân đội Giải phóng Baloch đã đứng ra nhận trách nhiệm về một vụ đánh bom liều chết gần cổng Viện Khổng Tử tại Đại học Karachi khiến ba giáo viên Trung Quốc và một tài xế Pakistan thiệt mạng. Kẻ tấn công sau đó được xác định là Shaari Baloch, 30 tuổi, một giáo viên khoa học và là mẹ của hai đứa con đang theo học thạc sĩ tại trường đại học mà cô đã đánh bom. Trong một bức thư tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công, phát ngôn viên của Quân đội Giải phóng Baloch, Jeeyand Baloch, nói rằng "nhắm mục tiêu vào giám đốc và các quan chức của Viện Khổng Tử - biểu tượng của chủ nghĩa bành trướng kinh tế, văn hóa và chính trị của Trung Quốc - là để đưa ra một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc rằng sự hiện diện trực tiếp hoặc gián tiếp của họ ở Balochistan sẽ không được dung thứ". Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, Viện Khổng Tử của Đại học Karachi có hơn 30 giáo viên đến từ Trung Quốc và hơn 7.000 sinh viên Pakistan.
Sinh viên Pakistan học tập tại Trung Quốc không phải lúc nào cũng trở về với những kỷ niệm đẹp về đất nước này. Trong các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các học giả giáo dục Huma Akram, Muhammad Kamran và Naseer Ahmad cho một bài báo được xuất bản bởi Tạp chí Khoa học Xã hội Pakistan vào năm 2020, sinh viên Pakistan ở Trung Quốc đã báo cáo "các vấn đề về thực phẩm, vấn đề giao tiếp, thích nghi với thời tiết, các vấn đề về thể chất và học tập". Một bài báo khác, cũng được xuất bản vào năm 2020, dựa trên một cuộc khảo sát với 203 sinh viên cho thấy "sinh viên Pakistan đang chịu áp lực về văn hóa", với gần 70% đề cập đến vấn đề "phân biệt đối xử có nhận thức".
Cha của một sinh viên đang theo học tại Trung Quốc (giấu tên) cho biết rằng ông cảm thấy hối hận khi đã gửi con tới đây, và đáng lẽ ra ông nên đăng ký cho con học đại học tại Pakistan.
"Chúng tôi hát câu thần chú về tình hữu nghị giữa hai nước, nói rằng Trung Quốc và Pakistan là 'anh em sắt đá', và tình hữu nghị của chúng tôi 'sâu hơn đại dương'. Nhưng con trai tôi nói rằng trên thực tế, người Trung Quốc lại biết rất ít về Pakistan"
Một số sinh viên và phụ huynh còn đề cập đến thực trạng đàn áp người Hồi giáo. Cha của sinh viên này nhắc đến việc "người Hồi giáo bị từ chối quyền của họ ở Tân Cương và các nơi khác ở Trung Quốc". Ông kể rằng khi người Hồi giáo ở phương Tây "bị đối xử vô nhân đạo hoặc bị từ chối các quyền lợi xứng đáng của họ, chúng tôi ra đường biểu tình." "Nhưng đã không có một cuộc biểu tình nào đối với người Hồi giáo ở Tân Cương vì hai nước có quan hệ hữu nghị thân thiện."
Một sinh viên giấu tên nói rằng không hề có tin tức nào về việc lạm dụng người Hồi giáo ở Trung Quốc trên báo chí Trung Quốc, và người Trung Quốc đã nói với anh ta rằng những tin tức như vậy trên các phương tiện truyền thông phương Tây là "không đúng sự thật". Chính phủ Pakistan phần lớn đã chấp nhận lời giải thích của Bắc Kinh về cách họ đối xử với người Uyghur và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác: Islamabad đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào đề cập đến các báo cáo được ghi chép đầy đủ về vi phạm nhân quyền, nhưng đã tuyên bố rằng họ "tin tưởng vào các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc bao gồm tôn trọng độc lập chính trị, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia" và "hỗ trợ các nỗ lực của Trung Quốc để phát triển kinh tế xã hội, hòa hợp và hòa bình và ổn định ở Tân Cương."
Muhammad, cha của một sinh viên Pakistan khác, nói với tôi: "Chúng tôi, với tư cách là một quốc gia Pakistan, không muốn thốt ra một lời nào để thể hiện tình đoàn kết với những người Hồi giáo bị đàn áp ở Tân Cương, bởi vì chúng tôi sợ hãi và không đủ khả năng để hứng chịu cơn thịnh nộ của Trung Quốc". Mặt khác, ông lại mỉa mai rằng tình hữu nghị Trung Quốc-Pakistan "cao hơn dãy Himalaya, sâu hơn đại dương và ngọt hơn mật ong". Ông nói thêm "Đây là lý do chúng tôi im lặng trước sự bất công của đồng bào Hồi giáo ở Trung Quốc vì nó (tình hữu nghị của chúng tôi) có thể sụp đổ chỉ sau một đêm như một cồn cát."
Ngay cả các đảng phái chính trị Hồi giáo và các nhóm khác ở Pakistan cũng im lặng về việc đối xử với người Uyghur. Không giống như nhiều người ở phương Tây, họ đã không lên án sự lạm dụng của Trung Quốc đối với người Hồi giáo ở Tân Cương. Một trong những lý do là vì họ không muốn chọc giận cơ sở quân sự hùng mạnh của đất nước họ, vốn có mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc.
Nhiều sinh viên Pakistan dường như vui vẻ chấp nhận Trung Quốc hiện tại, hoặc không lo lắng về điều đó. Muhammad Habib đã dành hơn ba năm học tập tại Trung Quốc, và hiện đang giảng dạy địa chất tại Đại học Balochistan. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nhấm nháp trà xanh mà ông mang từ Trung Quốc và nói rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa "bây giờ là một trong những quốc gia yêu thích của tôi". Ông nói thêm: "Tôi đã gặp gỡ nhiều người bạn mới ở đó... Tôi được yêu quý tôn trọng khi học ở Trung Quốc."
Aidah Baloch nói, "Văn hóa Trung Quốc rất quý giá và khác biệt, và quan trọng nhất, họ rất chăm chỉ. Điều tôi thích nhất là tinh thần chăm chỉ của họ."
Abdul Zahir Mengal của Đại học Balochistan tin rằng các nỗ lực về văn hóa và quyền lực mềm của Trung Quốc đang thành công ở Pakistan. Đối với "sinh viên đến từ các nước thế giới thứ ba thiếu các tiện nghi cơ bản, nếu họ được cấp học bổng và học tập, họ sẽ bắt đầu thể hiện các giá trị của các quốc gia nơi họ đã học."
Biên dịch: Trung Tú