SpaceX là một nhà thầu quốc phòng quan trọng của Pentagon, đảm nhận những công việc nhạy cảm như xây dựng mạng lưới vệ tinh do thám mật cho chính phủ Mỹ. Việc có vốn đầu tư từ Trung Quốc làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về an ninh quốc gia, bởi nó có thể mở đường cho một đối thủ nước ngoài tiếp cận công nghệ quân sự nhạy cảm, thông tin tình báo hoặc các chuỗi cung ứng quan trọng.
Thông tin về cách thức SpaceX tiếp nhận đầu tư này làm nảy sinh thêm nhiều câu hỏi về mối quan hệ cá nhân của chính Elon Musk với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh có tin Pentagon đã thông báo cho Musk về một cuộc chiến tiềm tàng với Trung Quốc. Vị tỷ phú điều hành này, người đang đi đầu trong nỗ lực cắt giảm mạnh chi tiêu liên bang, lại thường xuyên gặp gỡ các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc để thảo luận về lợi ích kinh doanh của mình. Đáng chú ý, siêu nhà máy Gigafactory của Tesla tại Thượng Hải hiện đang sản xuất khoảng một nửa số xe của hãng, và thị trường Trung Quốc cũng chiếm một phần doanh số đáng kể (mặc dù đang có xu hướng giảm) của Tesla.

Chi tiết về việc SpaceX cho phép nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần đã được hé lộ thông qua lời khai của Giám đốc tài chính (CFO) Bret Johnsen và nhà đầu tư lớn Iqbaljit Kahlon trong một vụ tranh chấp doanh nghiệp xảy ra gần đây tại bang Delaware.
Vụ tranh chấp này bắt nguồn từ một thỏa thuận bất thành vào năm 2021, khi một công ty Trung Quốc dự định mua 50 triệu USD cổ phiếu của SpaceX. Khi thông tin về thương vụ bị rò rỉ ra công chúng, ban lãnh đạo SpaceX đã quyết định rút lui để tránh những rắc rối tiềm ẩn với các cơ quan quản lý về an ninh quốc gia.
Trong phiên điều trần vào tháng 12, Kahlon đã khai rằng SpaceX xem việc nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần thông qua các công cụ/phương tiện đầu tư đặt tại nước ngoài (offshore vehicles) là "chấp nhận được". Các công cụ này thường được sử dụng nhằm mục đích che giấu danh tính thật của nhà đầu tư.
Các chuyên gia trao đổi với ProPublica nhận định rằng, cách làm này rất đáng lo ngại vì nó có thể là dấu hiệu cho thấy SpaceX đang chủ động thực hiện các biện pháp nhằm che giấu lợi ích sở hữu của nước ngoài trong công ty. Hiện chưa rõ lý do chính xác tại sao SpaceX lại áp dụng phương thức này; công ty đã không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận về vấn đề.
Mặc dù các khoản đầu tư thụ động, không nắm quyền kiểm soát từ nhà đầu tư nước ngoài thường được chấp nhận, nhưng chính quyền Trump từng cho rằng các đối thủ như Trung Quốc thường lợi dụng các chiến lược đầu tư được che đậy để chiếm đoạt công nghệ, sở hữu trí tuệ (IP) và tạo lợi thế trong các ngành công nghiệp chiến lược. Do đó, thông thường những khoản đầu tư như vậy sẽ phải được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) xem xét kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, không có hồ sơ công khai nào cho thấy SpaceX đã từng trải qua một cuộc đánh giá chính thức từ CFIUS. Trang tin TechCrunch đã liên hệ với cả CFIUS và SpaceX để tìm hiểu thêm thông tin.
Bài báo của ProPublica được công bố sau một cuộc điều tra của tờ Financial Times, trong đó phát hiện ra rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đang sử dụng các công ty có mục đích đặc biệt (SPV - special-purpose vehicles) để lặng lẽ rót hàng triệu USD vào các công ty do Elon Musk kiểm soát, bao gồm SpaceX, xAI và Neuralink.
Rebecca Bellan là biên tập viên của Yahoo!Finance. Bài viết được đăng tải trên Yahoo!Finance vào ngày 27/3/2025.
Yahoo! Finance là một trong những nền tảng thông tin tài chính trực tuyến hàng đầu thế giới, cung cấp dữ liệu thị trường chứng khoán, tin tức kinh doanh, tài chính cá nhân, và các công cụ phân tích đa dạng. Ra đời từ năm 1997, thuộc sở hữu của Yahoo!, trang web này đã trở thành nguồn tham khảo quen thuộc cho hàng triệu nhà đầu tư cá nhân, chuyên gia tài chính, và các tổ chức trên toàn cầu.
Biên dịch: Như Ý