Nỗi lo về những hạn chế tiềm tàng trong việc chuyển tiền ra nước ngoài khiến các gia đình Dân chủ siêu giàu ồ ạt chuyển những khoản tiền khổng lồ ra khỏi đất nước như một dạng bảo hiểm trước chính quyền Cộng hòa.
Robert Paul, đồng trưởng bộ phận khách hàng cá nhân tại công ty quản lý tài sản London and Capital, cho biết: "Đây là những khoản tiền rất lớn. Chúng tôi đã có 5 trường hợp trong 3-4 tuần qua, với số tiền lần lượt là 40 triệu đô la [31 triệu bảng Anh], 30 triệu đô la, 30 triệu đô la, 100 triệu đô la và 50 triệu đô la."
Ông Paul cho biết, những khách hàng này đang rút tiền khỏi các tài khoản môi giới tại Mỹ và mở tài khoản ở Thụy Sĩ, Jersey và Guernsey để gửi tiền mặt hoặc đưa vào các quỹ tín thác ở nước ngoài.
Ông nói thêm: "Họ muốn có một phần tiền không nằm trong phạm vi nước Mỹ."
"Đã có những lo ngại xung quanh việc kiểm soát vốn và dòng tiền. Lý do những lo ngại này gia tăng trong 4 tuần qua là vì những lời lẽ (chính trị) đang thay đổi khá nhanh chóng."
"Phần lớn những điều này xuất phát từ các cuộc thảo luận trong những bữa tiệc tối của giới siêu giàu. Mọi người nói rằng tôi lo lắng về điều này và có lẽ bạn cũng nên lo lắng về điều đó."

Mặc dù ông Trump chưa từng trực tiếp đề cập đến việc áp đặt kiểm soát vốn, nhưng các nhà đầu tư vẫn lo sợ trước những chính sách thất thường của tổng thống.
David Lubin, thuộc Viện Chatham House chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế, cho rằng chính quyền Trump có thể xem xét việc áp đặt kiểm soát vốn đối với dòng tiền vào nước này như một phần trong kế hoạch làm suy yếu đồng đô la và giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ.
Judi Galst, giám đốc điều hành phụ trách khách hàng cá nhân tại Henley & Partners ở New York, cho biết ít nhất 1/4 khách hàng của bà đang tìm hiểu về việc chuyển tiền ra khỏi Mỹ vì lo ngại về chính quyền mới.
Bà Galst cho biết, một số người đang xem xét các chiến lược di cư đầu tư, chẳng hạn như chương trình thị thực đầu tư của New Zealand, nhưng những người khác "thực sự chỉ muốn mở tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ".
"Tôi nghe nói rất nhiều về Thụy Sĩ và Liechtenstein. Tôi đã nói chuyện với một người ở một ngân hàng Thụy Sĩ, họ cho biết đã mở 12 tài khoản như vậy cho người Mỹ trong 2 tuần qua", bà nói thêm.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể sẽ là "gót chân Asin" của ông Trump.
Sau khi ông tranh cử với chương trình nghị sự cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định, thị trường đã cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ có lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chương trình nghị sự chính sách của ông kể từ khi nhậm chức đã khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên, sau khi ông đưa ra một loạt các biện pháp bảo hộ, bao gồm thuế quan 25% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu thép và nhôm từ khắp nơi trên thế giới.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang, theo sau Goldman Sachs và Fitch Ratings, đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay từ 2,1% trước khi ông Trump nhậm chức xuống còn 1,7%.
Bà Galst nói: "Họ lo ngại rằng việc giữ tất cả tài sản của mình ở Hoa Kỳ không phải là lợi ích tốt nhất của họ. Họ muốn đa dạng hóa rủi ro và điều đó có thể dẫn đến việc họ chuyển một phần danh mục đầu tư của mình sang các quốc gia khác."
Ollie Marshall, giám đốc công ty môi giới bất động sản Prime Purchase, cho biết: "Tôi nghĩ chủ yếu là những người ủng hộ Đảng Dân chủ lo lắng về một số hình thức trả đũa tài chính."
"Tất nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy chính quyền đang chủ động nhắm mục tiêu vào họ, nhưng các chính sách của chính phủ quá cực đoan nên có thể họ có lý do để lo ngại."
James Knightley, nhà kinh tế quốc tế trưởng tại ngân hàng ING, cho biết các nhà đầu tư giàu có có động lực lớn để đa dạng hóa khỏi tài sản của Mỹ, xem xét tác động tiêu cực có thể xảy ra của các chính sách thương mại và cắt giảm liên bang của ông Trump đối với tăng trưởng, lợi nhuận doanh nghiệp và giá tài sản.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng rất khó có khả năng ông Trump sẽ đi xa đến mức áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn đối với dòng tiền rời khỏi đất nước, vì điều đó sẽ không phù hợp với chương trình nghị sự kinh tế của ông.
Melissa Lawford là phóng viên phụ trách mảng kinh tế của The Telegraph. Bài viết được đăng tải trên The Telegraph vào ngày 24/3/2025.
The Telegraph (tên đầy đủ: The Daily Telegraph) là một nhật báo khổ rộng uy tín của Anh, được thành lập vào năm 1855. Tờ báo này có lượng phát hành lớn và được đánh giá cao về chất lượng tin tức, bình luận và phân tích chuyên sâu, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh và tài chính.
Biên dịch: Như Ý