Bom hạt nhân mạnh nhất Mỹ sẵn sàng trang bị cho máy bay ném bom siêu hạng

Kapil Kajal 22:54 24/05/2025
Mỹ chính thức hoàn thành bom hạt nhân B61-13 với sức công phá lên đến 360 kiloton, tăng cường năng lực răn đe chiến lược. Sản phẩm hiện đại này được phát triển nhanh chóng, trang bị cho máy bay ném bom chiến lược, thể hiện sự sẵn sàng và uy lực của kho vũ khí hạt nhân Mỹ.

Ngày 19/5, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright xác nhận Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (DOE/NNSA) đã hoàn tất sản xuất quả bom hạt nhân trọng lực B61-13 đầu tiên, đánh dấu bước tiến lớn trong hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Quả bom được phát triển phối hợp cùng Không quân Mỹ và lắp ráp tại Nhà máy Pantex, Texas. Đơn vị đầu tiên đã hoàn thành sớm gần một năm so với kế hoạch, chỉ chưa đầy hai năm sau khi chương trình được công khai – tốc độ phát triển hiếm thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Bộ trưởng Wright nhấn mạnh: “Tốc độ này thể hiện sự sáng tạo và tính cấp bách của thời đại. Việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân là nền tảng trong chiến lược ‘hòa bình qua sức mạnh’ của Mỹ.” Ông cũng cho biết B61-13 là tín hiệu rõ ràng về sự sẵn sàng đối với đồng minh và đối thủ.

Bom B61-13 của Mỹ

Bom B61 là trụ cột của lực lượng không quân trong bộ ba hạt nhân của Mỹ từ những năm 1960, với thiết kế linh hoạt để sử dụng trên nhiều loại máy bay. Tuy nhiên, B61-13 sẽ chỉ được trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược như B-2 Spirit và tương lai có thể là B-21 Raider, xuất phát từ căn cứ trên đất Mỹ. Quyết định này nhằm đáp ứng vai trò công suất cao, có khả năng xuyên phá các mục tiêu quân sự diện rộng và kiên cố.

B61-13 là phiên bản mới nhất trong bảy chương trình hiện đại hóa đầu đạn đang được NNSA quản lý. Nó kế thừa các nâng cấp về an toàn, bảo mật và dẫn đường chính xác từ phiên bản B61-12 nhưng có công suất lớn hơn, ước tính lên đến 360 kiloton – gần bằng B61-7. Quả bom được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt các mục tiêu ngầm sâu và cơ sở chỉ huy đối phương.

Tốc độ phát triển của B61-13 được lý giải nhờ việc tận dụng dữ liệu thiết kế từ các phiên bản trước, đồng thời bỏ qua một số bước kiểm tra thiết kế thông thường để rút ngắn thời gian thử nghiệm. Đây là bước đi chưa từng có trong khuôn khổ hiện đại hóa hạt nhân sau Chiến tranh Lạnh.

David Hoagland, Phó Quản trị viên Điều hành chương trình Quốc phòng, đánh giá: “Việc đưa B61-13 vào sử dụng nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến các dự án hiện đại hóa khác cho thấy sự kỷ luật chương trình và tinh thần đổi mới, là mô hình cho các dự án tương lai.”

So với các phiên bản trước, B61-13 kết hợp công nghệ dẫn đường tiên tiến với sức công phá cao, nhằm tối ưu hóa nhiệm vụ răn đe chiến lược và khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu kiên cố. Đây được xem là bước điều chỉnh chiến lược quan trọng, giúp Mỹ duy trì vị thế răn đe hạt nhân trong thế kỷ 21.

Kapil Kajal là biên tập viên Quốc tế tại tạp chí Interesting Engineering (IE). Bài viết được đăng trên IE vào ngày 20/025/2025.

Interesting Engineering là trang tin tức công nghệ và khoa học, chuyên cập nhật những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Ra mắt năm 2011, nền tảng này cung cấp nội dung hấp dẫn về AI, năng lượng tái tạo, hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực đột phá khác.

Biên dịch: Thu Hoài