Lực hấp dẫn trên Sao Hải Vương gần giống Trái Đất
Dù Sao Mộc là hành tinh lớn nhất, Sao Hải Vương cũng không kém cạnh với khối lượng gấp 17 lần Trái Đất. Tuy nhiên, lực hấp dẫn ở “bề mặt” của Sao Hải Vương chỉ lớn hơn Trái Đất khoảng 10%. Nghĩa là nếu bạn nặng 50kg trên Trái Đất, thì trên Sao Hải Vương sẽ là khoảng 55kg.
Tuy nhiên, vì Sao Hải Vương là hành tinh khí khổng lồ và không có bề mặt rắn như Trái Đất, nên các nhà khoa học xác định “bề mặt” của nó bằng điểm mà áp suất khí quyển bằng với áp suất khí quyển tiêu chuẩn của Trái Đất (khoảng 1 atm).

Từ trường của Sao Hải Vương bị lệch mạnh
Trên Trái Đất, từ trường và trục quay gần như trùng nhau. Đó là lý do chúng ta có thể dùng la bàn để xác định phương hướng.
Nhưng trên Sao Hải Vương, từ trường lại lệch tới 47 độ so với trục quay. Điều này tạo ra nhiều hiện tượng thú vị, đặc biệt là cực quang. Do từ trường bị lệch, các dải cực quang không xuất hiện ở hai cực như Trái Đất mà lại xảy ra gần vùng xích đạo của hành tinh này.
Một nghiên cứu trên tạp chí Nature cũng cho thấy: kể từ khi tàu Voyager 2 ghé thăm vào năm 1989, tầng khí quyển phía trên của Sao Hải Vương đã giảm nhiệt từ khoảng 475°C xuống còn 177°C.

Sao Hải Vương từng hình thành gần Mặt Trời hơn
Ngày nay, Sao Hải Vương là hành tinh xa nhất trong Hệ Mặt Trời, cách Mặt Trời khoảng 4,3 tỷ km và mất đến 165 năm Trái Đất để quay một vòng.
Tuy nhiên, theo mô hình Nice (được đặt tên theo thành phố Nice, Pháp), Sao Hải Vương có thể đã hình thành gần Mặt Trời hơn — có thể ngay sau Sao Thổ, thậm chí nằm giữa Sao Mộc và Sao Thổ. Sau đó, nó dần di chuyển ra xa, do các tương tác hấp dẫn trong hệ.
Mô hình này cũng giải thích vì sao các hành tinh bên trong như Sao Thủy, Kim, Trái Đất và Sao Hỏa từng bị "oanh tạc" bởi thiên thạch khoảng 4 tỷ năm trước.
Sao Hải Vương cũng có vành đai
Ai cũng biết vành đai đặc trưng của Sao Thổ, nhưng thực ra, Sao Mộc, Thiên Vương và Sao Hải Vương cũng có vành đai — dù mờ hơn nhiều.
Vành đai của Sao Hải Vương rất mờ, đến mức mãi đến năm 1989 tàu Voyager 2 bay qua mới xác nhận được sự tồn tại của chúng. Gần đây, Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) đã chụp được ảnh các vành đai này trong ánh sáng hồng ngoại, giúp hiểu rõ hơn về thành phần và cấu trúc của chúng. Vành đai này chủ yếu là bụi và không đặc như của Sao Thổ.

Sao Hải Vương có thể không thực sự xanh đậm như ta tưởng
Khi Voyager 2 gửi về hình ảnh đầu tiên của Sao Hải Vương vào năm 1989, thế giới ngỡ ngàng trước màu xanh lam thẫm tuyệt đẹp. Nhưng theo nghiên cứu đăng trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society năm 2024, màu đó có thể không đúng như thực tế.
Hình ảnh khoa học thường phải qua xử lý để làm nổi bật các chi tiết khó thấy. Đội ngũ NASA đã tăng độ tương phản hình ảnh nhằm phân tích rõ hơn các lớp khí trong bầu khí quyển, khiến hành tinh trông sẫm màu hơn bình thường.

Thực tế, màu sắc thật của Sao Hải Vương có thể chỉ đậm hơn một chút so với Sao Thiên Vương, chứ không phải màu xanh lam đậm như ta vẫn thấy. Đáng tiếc là hành tinh này ở quá xa nên bạn không thể quan sát chi tiết bằng kính thiên văn thường — chỉ là một chấm xanh mờ nhạt trong đêm.
Nick Lewis là biên tập viên tại How-To Geek. Bài viết được đăng trên How-To Geek vào ngày 14/04/2025.
How-To Geek là một trang web công nghệ nổi tiếng, được thành lập vào năm 2007. Với hàng triệu lượt truy cập mỗi tháng, How-To Geek đã trở thành một trong những nguồn thông tin công nghệ đáng tin cậy hàng đầu dành cho người dùng trên toàn thế giới.
Biên dịch: Thu Hoài