Hình ảnh ba chiều (hologram) vốn chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng như Iron Man nay đã chính thức bước ra đời thực. Một nhóm nghiên cứu quốc tế vừa công bố đột phá công nghệ hiển thị mới, cho phép người dùng chạm, nắm và điều khiển các vật thể 3D giữa không trung bằng tay trần – hoàn toàn không cần đến thiết bị hỗ trợ như kính thực tế ảo.
Nghiên cứu này được công bố ngày 6/3 trên kho lưu trữ mở HAL và sẽ được trình bày tại Hội nghị quốc tế về Nhân tố con người trong Hệ thống máy tính (CHI 2025) diễn ra tại Nhật Bản từ ngày 26/4 đến 1/5.

Hologram nay đã có thể “sờ” được
Để tạo ra hiệu ứng tương tác vật lý với hologram, các nhà khoa học đã phát triển một loại màn hình thể tích linh hoạt (volumetric display), sử dụng vật liệu đàn hồi đặc biệt để hiển thị hình ảnh ba chiều. Đây là bước tiến lớn so với các công nghệ hiện nay – vốn chỉ cho phép người dùng nhìn thấy hình ảnh 3D chứ không thể tương tác trực tiếp.
Thông thường, màn hình thể tích dùng một tấm khuếch tán dao động cực nhanh để tổng hợp hàng nghìn khung hình và tạo thành hình ảnh ba chiều nổi trong không gian. Tuy nhiên, vì vật liệu khuếch tán thường cứng và dễ vỡ khi va chạm, việc tương tác vật lý gần như bất khả thi.
Giải pháp mới là thay thế vật liệu cứng bằng một loại màng linh hoạt, có độ đàn hồi cao, vừa có khả năng chịu được tiếp xúc vật lý, vừa không làm méo hình ảnh khi hiển thị. Để xử lý hiện tượng biến dạng khi chạm vào, nhóm nghiên cứu đã tích hợp hệ thống hiệu chỉnh hình ảnh theo thời gian thực, đảm bảo hologram luôn giữ được hình dáng chính xác dù người dùng tương tác.

Tiến gần hơn với tương lai công nghệ
“Con người vốn quen với việc chạm vào màn hình – như nhấn nút hay kéo thả tài liệu trên điện thoại – đó là cách tương tác rất tự nhiên,” Giáo sư Asier Marzo, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Công lập Navarra (Tây Ban Nha), chia sẻ. “Chúng tôi muốn mang sự tương tác trực quan đó đến với thế giới 3D, giúp con người tận dụng tối đa khả năng quan sát và thao tác không gian.”
Hiện tại, công nghệ vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng tiềm năng ứng dụng là rất lớn. Nhóm nghiên cứu tin rằng, nếu được thương mại hóa, hologram tương tác vật lý có thể mở ra nhiều ứng dụng đột phá trong giáo dục, bảo tàng, trưng bày sản phẩm, thiết kế kỹ thuật, y học hay giải trí.
“Bạn có thể tưởng tượng một lớp học mà học sinh có thể ‘lắp ráp’ động cơ ngay giữa không trung bằng tay, hay một bảo tàng nơi du khách chạm tay vào cổ vật ảo để tìm hiểu cấu trúc bên trong – tất cả mà không cần đến thiết bị hỗ trợ phức tạp,” nhóm nghiên cứu chia sẻ thêm.
Roland Moore-Colyer là cây viết tự do cộng tác với Live Science. Bài viết được đăng trên Live Science vào ngày 10/04/2025.
Live Science là trang tin khoa học uy tín của Mỹ, cung cấp thông tin mới nhất và dễ hiểu về các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, công nghệ, sức khỏe và vũ trụ. Được thành lập năm 2004, Live Science mang đến kiến thức khoa học chính xác và hấp dẫn cho độc giả trên toàn cầu.
Biên dịch: Thu Hoài