Thực vật mới được phát hiện sau gần 50 năm khiến giới khoa học Mỹ kinh ngạc

Sarah Kuta 13:41 02/04/2025
Một tình nguyện viên tại Vườn quốc gia Big Bend, Mỹ, đã phát hiện Ovicula biradiata - loài thực vật mới đầu tiên được xác định trong một công viên quốc gia Mỹ sau gần 50 năm

Mùa xuân năm ngoái, Deb Manley đang khám phá một khu vực hẻo lánh của Công viên Quốc gia Big Bend thì phát hiện một điều bất thường trên mặt đất. Những cây nhỏ bé, phủ đầy lông tơ, nở hoa giữa các khe đá vùng sa mạc phía bắc Texas. Cô chưa từng thấy loài thực vật nào giống như vậy trước đây.

Là một tình nguyện viên trong chương trình nghiên cứu thực vật của công viên, Manley đã chụp vài bức ảnh và tải chúng lên nền tảng khoa học cộng đồng iNaturalist để tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc nhận diện loài cây bí ẩn này. Cô cũng thông báo cho nhân viên công viên, nhưng không ai nhận ra loài thực vật có tán lá trắng đầy lông tơ và những bông hoa màu hạt dẻ. Điều đó thôi thúc Manley cùng một nhóm các nhà nghiên cứu bắt tay vào hành trình xác định danh tính của nó.

Sau khi đối chiếu với cơ sở dữ liệu loài, hồ sơ tiêu bản và tài liệu phân loại thực vật, họ nhận ra rằng mình vừa phát hiện một loài cây hoàn toàn mới với giới khoa học.

Các nhà nghiên cứu đã mô tả loài thực vật này trong một bài báo mới được công bố trên tạp chí PhytoKeys vào tuần trước và đặt tên khoa học cho nó là Ovicula biradiata. Không chỉ là một loài mới, loài thực vật này còn độc đáo đến mức được phân loại thành một chi mới hoàn toàn trong họ Cúc (Asteraceae).

Theo Viện Hàn lâm Khoa học California – tổ chức hỗ trợ nghiên cứu này – đây là lần đầu tiên sau gần 50 năm, một chi thực vật mới được phát hiện trong một công viên quốc gia của Mỹ. Lần cuối cùng một chi thực vật mới được tìm thấy trong một công viên quốc gia là vào năm 1976, với loài cây bụi Dedeckera eurekensis (July gold shrub) tại Công viên Quốc gia Thung lũng Chết.

“Bây giờ loài cây đã được xác định và đặt tên, vẫn còn rất nhiều điều chúng ta cần khám phá về nó,” Anjna O’Connor, Giám đốc Công viên Quốc gia Big Bend, cho biết trong thông báo của Cục Công viên Quốc gia Mỹ. “Tôi háo hức muốn biết liệu còn các quần thể khác trong công viên không, vòng đời của loài này diễn ra như thế nào, loài thụ phấn của nó là gì, và liệu nó có xuất hiện trở lại vào mùa xuân này hay không, đặc biệt trong bối cảnh hạn hán kéo dài.”

Tên khoa học của loài cây bắt nguồn từ ngoại hình của nó. “Ovicula” có nghĩa là “cừu nhỏ”, ám chỉ loài cừu sừng lớn sống trong công viên cũng như lớp lông trắng dày như “len” bao phủ lá cây. Phần thứ hai, “biradiata”, đề cập đến hai cánh hoa đặc trưng của nó.

Để dễ nhớ hơn, các nhà nghiên cứu đã đặt cho nó biệt danh “wooly devil” (quỷ len). Cái tên này xuất phát từ hình dáng đôi cánh hoa trông như sừng nhỏ, đồng thời gợi nhắc đến khu vực “Devil’s Den” – nơi nó được tìm thấy. Wooly devil thuộc nhóm “cây bụng sát đất” (belly plant) – những loài thực vật tí hon chỉ có thể quan sát rõ khi cúi sát mặt đất. Cây có đường kính chưa đến 7,5 cm và dễ dàng lẫn vào lớp sỏi đá xung quanh. Nó chỉ nở hoa sau những cơn mưa hiếm hoi trong môi trường khô cằn khắc nghiệt.

“Các loài thực vật sống trong sa mạc thường rất đặc biệt, chúng tiến hóa những cơ chế thích nghi riêng để sống sót trong điều kiện hạn hán và mưa thất thường – từ cấu trúc tích trữ nước đến vòng đời ngắn bùng nổ ngay khi có mưa,” Isaac Lichter Marck, đồng tác giả nghiên cứu và nhà sinh thái học tại Viện Hàn lâm Khoa học California, cho biết.

Wooly devil mọc gần các loài thực vật chịu hạn khác như cây ocotillo, xương rồng hedgehog và cây bụi creosote. Tuy nhiên, đến nay, các nhà nghiên cứu mới chỉ tìm thấy nó ở ba địa điểm hẹp thuộc góc phía bắc của công viên. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể vừa phát hiện ra một loài đang “bên bờ tuyệt chủng” do biến đổi khí hậu khiến sa mạc ngày càng nóng hơn và khô hạn hơn.

Ngoài nguy cơ tuyệt chủng, các nhà khoa học cũng tò mò về khả năng dược liệu của loài cây này. Khi quan sát dưới kính hiển vi, họ phát hiện các tuyến tiết trên cây giống với những loài khác trong họ Cúc, vốn được biết đến với các hợp chất có tiềm năng chống ung thư và chống viêm.


Sarah Kuta là một nhà văn và biên tập viên của Smithsonian Magazine (SM). Bài viết được đăng trên SM vfaof ngày 25/03/2025.
Smithsonian Magazine là tạp chí chính thức của Viện Smithsonian, một trong những tổ chức nghiên cứu và bảo tàng lớn nhất thế giới. Ra mắt vào năm 1970, tạp chí này chuyên cung cấp các bài viết chuyên sâu về khoa học, lịch sử, nghệ thuật, công nghệ, tự nhiên và văn hóa.

Biên dịch: Thu Hoài