Gần đây Tổng thống Trump đã một lần nữa khẳng định niềm tin của mình rằng Greenland cuối cùng sẽ trở thành một phần của Hoa Kỳ.
"Tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra," Trump nói khi được một phóng viên hỏi về khả năng Hoa Kỳ sáp nhập hòn đảo Bắc Cực rộng lớn nhưng thưa dân này, trong cuộc họp tại Phòng Bầu Dục với Tổng thư ký NATO Mark Rutte hôm thứ Năm (13/3/2025).
"Chúng ta phải làm điều đó," ông nói thêm. "Chúng ta thực sự cần nó cho an ninh quốc gia". Hiện tại, Greenland thuộc Đan Mạch. Dù từng bị coi là thuộc địa trong hàng trăm năm, từ cuối những năm 1970, người dân Greenland đã có quyền tự quyết về các vấn đề trong lãnh thổ của họ. Quyền tự do này bao gồm việc quyết định họ muốn tiếp tục là một phần của Đan Mạch, gia nhập Hoa Kỳ hay trở thành một quốc gia độc lập.

Trump lần đầu đề cập đến ý tưởng mua Greenland trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, nhưng kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, ông đã quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn. Ông liên tục đưa ra lý do để Greenland trở thành một phần dưới tầm ảnh hưởng của Mỹ, dù chưa rõ ông sẽ sẵn sàng đi xa đến mức nào để đạt được điều đó.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội gần đây, ông đã gửi một thông điệp "gửi đến những con người tuyệt vời của Greenland," khẳng định ông ủng hộ mạnh mẽ "quyền tự quyết định tương lai của các bạn." Tuy nhiên, chỉ khoảng 20 giây sau, ông lại nói rằng ông tin Mỹ sẽ giành được lãnh thổ này "bằng cách này hay cách khác."
Đầu năm nay, ông thậm chí từ chối loại trừ khả năng chiếm Greenland bằng vũ lực. Thủ tướng Greenland, ông Múte Egede, đã thẳng thắn tuyên bố: "Chúng tôi không muốn trở thành người Mỹ." Greenland sắp có lãnh đạo mới, nhưng quan điểm về việc sáp nhập vào Mỹ vẫn không thay đổi. Jens-Frederik Nielsen, người nhiều khả năng sẽ kế nhiệm Egede, đang tìm một hướng đi khác cho đất nước.
"Chúng tôi muốn là người Greenland, và trong tương lai chúng tôi muốn độc lập," ông nói vào thứ Năm.
Greenland có gì mà khiến ông Trump quyết tâm đến vậy?
Thứ nhất, vì kích thước khổng lồ của nó
Dù trên nhiều bản đồ Greenland bị phóng đại kích thước, thực tế nó vẫn rất lớn, diện tích lên đến 836.330 dặm vuông Anh (hơn 2,16 triệu km²), Greenland rộng hơn gấp ba lần bang Texas. Nó được coi là hòn đảo lớn nhất thế giới và nếu là một quốc gia độc lập, Greenland sẽ là nước lớn thứ 12 trên thế giới.
Đây cũng là vùng lãnh thổ có mật độ dân số thấp nhất hành tinh. Hơn 80% trong số 56.000 cư dân của đảo sống ở khoảng một chục thị trấn dọc theo bờ biển; phần nội địa băng giá gần như không có người sinh sống. Nếu Mỹ sở hữu Greenland, họ sẽ vượt qua Canada để trở thành quốc gia lớn thứ hai thế giới, dù vẫn còn cách khá xa so với Nga.

Thứ hai, vị trí địa chiến lược
Không chỉ lớn, Greenland còn nằm ở vị trí cực kỳ chiến lược. Các tuyến đường biển quan trọng nối Bắc Âu với Bắc Mỹ chạy dọc theo bờ biển của Greenland, biến nơi đây thành điểm then chốt để kiểm soát vận tải biển quốc tế và sức mạnh quân sự ở Bắc Cực. Hai tuyến đường huyền thoại - Tuyến Tây Bắc (Northwest Passage) chạy qua phía bắc Canada và tuyến Arctic Bridge nối Scandinavia và Nga với bờ đông Bắc Mỹ - đều chạy gần mũi phía nam của Greenland.
Greenland cũng là nơi đặt căn cứ phòng thủ tên lửa của quân đội Mỹ, nằm sâu trong Vòng Bắc Cực - một vị trí lý tưởng để theo dõi hoặc đánh chặn bất kỳ tên lửa nào của Nga bay về phía lãnh thổ Mỹ. Khi biến đổi khí hậu khiến băng tan và các khu vực Bắc Cực dần trở nên dễ tiếp cận hơn, vị trí của Greenland sẽ càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Trong vòng 25 năm tới, các chuyên gia dự đoán đủ băng sẽ tan để mở ra tuyến vận tải biển xuyên Bắc Cực (Transpolar Sea Route), rút ngắn đáng kể hành trình giữa châu Á và Đại Tây Dương.
Hiện tại, Mỹ và các đồng minh đang cạnh tranh gay gắt với Nga và ở mức độ nào đó là cả Trung Quốc trong cuộc đua giành quyền kiểm soát khu vực này. Việc sở hữu Greenland sẽ mang lại cho Mỹ lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh địa chính trị này.

Thứ ba, vì Greenland đang thay đổi
Giống như lớp băng biển quanh nó, lớp băng phủ khắp nội địa rộng lớn của Greenland cũng đang tan dần. Gần 5.000 km² băng đã biến mất khỏi bề mặt đảo trong bốn thập kỷ qua. NASA gọi Greenland là "chim hoàng yến trong mỏ than" đối với biến đổi khí hậu - dấu hiệu báo trước nguy hiểm.
Băng tan tại Greenland là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra hiện tượng mực nước biển toàn cầu dâng cao. Nó cũng làm chậm lại một dòng hải lưu quan trọng được gọi là "băng chuyền đại dương toàn cầu" (great global ocean conveyor belt), có thể gây tác động lớn đến thời tiết trên toàn thế giới.

Nhưng trong khi các nhà khoa học khí hậu lo lắng, thì những người khác lại nhìn thấy cơ hội. Greenland sở hữu trữ lượng lớn - nhưng vẫn chưa được khai thác - các khoáng sản đất hiếm, rất cần thiết cho việc sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghệ cao, từ điện thoại thông minh, máy tính, máy bay chiến đấu cho đến công nghệ năng lượng xanh.
Mỹ từng là nhà sản xuất khoáng sản đất hiếm hàng đầu thế giới, nhưng hiện tại vị trí này thuộc về Trung Quốc. Để đối trọng với sự thống trị của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Mỹ đang tìm cách tăng cường khai thác trong nước đồng thời mở rộng tìm nguồn cung từ nước ngoài. Băng tan tại Greenland có thể khơi mào một "cơn sốt vàng khoáng sản" khi các mỏ khoáng sản giá trị cao lần đầu tiên trở nên tiếp cận được.
Hiện Greenland vẫn áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động khai thác khoáng sản và cấm hoàn toàn việc khai thác dầu khí vì lý do môi trường. Nếu hoàn toàn kiểm soát Greenland, Mỹ có thể dỡ bỏ các hạn chế này, mở rộng diện tích khai thác và thu về lợi nhuận lớn từ nguồn tài nguyên này.
Nhiều người dân Greenland coi việc phát triển ngành khai thác khoáng sản là chìa khóa cho tương lai kinh tế của họ, nhưng ngay cả sự ủng hộ trong nước cũng có thể chưa đủ để biến tham vọng này thành hiện thực.
Trong nhiều thế kỷ, người nước ngoài đã đến Greenland để tìm cách khai thác tài nguyên, nhưng đều bị điều kiện địa hình khắc nghiệt và khí hậu tàn bạo nơi đây đánh bại. Một số chuyên gia cho rằng, ngay cả với công nghệ hiện đại, việc khai thác khoáng sản ở Greenland có thể vẫn quá khó khăn và tốn kém để thực hiện ở quy mô lớn một cách khả thi về mặt kinh tế.
Mike Bebernes là phóng viên và biên tập viên hình ảnh cho Yahoo News. Bài viết được đăng trênYahoo News vào ngày 15/3/2025.
Yahoo News là một dịch vụ tin tức trực tuyến thuộc sở hữu của Yahoo, cung cấp các tin tức cập nhật về nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, xã hội, thể thao, và giải trí. Yahoo News tổng hợp và phát triển các bài viết từ nhiều nguồn tin tức uy tín, đồng thời cũng có các bài báo độc quyền và phân tích chuyên sâu.