Steve Jobs đã tự xin được việc ở HP khi mới 12 tuổi

Emma Burleigh 15:57 17/03/2025
Năm 12 tuổi, Steve Jobs đã gọi điện trực tiếp cho Bill Hewlett, nhà đồng sáng lập HP, để xin linh kiện chế tạo máy đếm tần số. Cuộc gọi ấy không chỉ mang về cho ông những công cụ cần thiết mà còn mở ra cơ hội làm việc đầu tiên. Tinh thần dám nghĩ dám làm đó đã trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp của Steve Jobs, đặt nền móng cho thành công vang dội của Apple sau này.

Trong khi phần lớn những đứa trẻ 12 tuổi bận tâm đến tình yêu học trò hay những tiết học bài vở gấp rút, Steve Jobs lại có mối quan tâm hoàn toàn khác biệt. Cậu thiếu niên hồi ấy đang trăn trở tìm kiếm linh kiện thay thế để chế tạo một máy đếm tần số. Và rồi, bằng sự táo bạo đáng kinh ngạc, Jobs tìm số điện thoại của Bill Hewlett, nhà đồng sáng lập Hewlett Packard (HP) và gọi điện trực tiếp để xin giúp đỡ.

HP, tên đầy đủ là Hewlett-Packard, là một tập đoàn công nghệ thông tin đa quốc gia của Hoa Kỳ. Được thành lập vào năm 1939 bởi Bill Hewlett và Dave Packard, HP đã trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

"Tôi chưa bao giờ gặp ai từ chối giúp đỡ khi mình ngỏ lời. Điều tôi làm là cứ gọi điện và hỏi thôi," Steve Jobs chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 1994, được lưu trữ bởi Hiệp hội Lịch sử Thung lũng Silicon.

Jobs nhớ lại, Bill Hewlett đã bật cười khi ông giới thiệu mình là một cậu học sinh 12 tuổi cần linh kiện. Nhưng rồi, ông vẫn cung cấp những thứ cậu cần, và còn hơn thế nữa – một cơ hội làm việc. Ấn tượng trước sự chủ động của Jobs, người đồng sáng lập HP đã tạo điều kiện cho Jobs một công việc mùa hè, lắp ráp linh kiện trên dây chuyền sản xuất máy đo tần số.

"Ông ấy đã giúp tôi có được công việc ngay tại nơi họ tạo ra những chiếc máy đó, và tôi cảm thấy như ở trên thiên đường," Jobs nói. "Tôi chưa bao giờ thấy ai nói “không” hay cúp máy khi tôi gọi điện. Đơn giản là tôi cứ hỏi thôi."

Cơ hội đó đã trở thành bệ phóng cho sự nghiệp rực rỡ của Jobs, dẫn đến việc ông trở thành đồng sáng lập Apple cùng Steve Wozniak và Ronald Wayne vào năm 1976. Jobs luôn ghi nhớ trải nghiệm quý giá đó và nỗ lực giúp đỡ những người khác khi họ cần một cơ hội, như một cách để đền đáp ân tình.

Điều khó khăn nhất với nhiều người có lẽ là lấy hết can đảm để hành động. Việc liên hệ với một công ty lớn và hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ lãnh đạo quả thực rất đáng sợ. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1960, khi Steve Jobs liên hệ với Hewlett để xin linh kiện thay thế, mọi chuyện có vẻ dễ dàng hơn nhiều. Ngày nay, việc tìm số điện thoại của các CEO trong danh sách Fortune 500 gần như là không thể. Nhưng Steve Jobs tin rằng các nhà lãnh đạo luôn sẵn lòng giúp đỡ hơn chúng ta tưởng tượng.

"Hầu hết mọi người đều không dám nhấc điện thoại lên gọi, không dám hỏi. Và đó chính là ranh giới giữa người hành động và người chỉ biết mơ ước," Jobs chia sẻ. "Bạn phải hành động, và bạn phải sẵn sàng đối mặt với thất bại."

Những tỷ phú nắm bắt cơ hội và thành công sớm

Jobs không phải là CEO tỷ phú duy nhất bắt đầu sự nghiệp của mình khi còn là thiếu niên để theo đuổi ước mơ thành công.

Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, thường xuyên "trốn nhà" từ năm 13 tuổi để thỏa mãn niềm đam mê lập trình. Ông tìm đến Computer Center Corp., một công ty địa phương, và say mê viết mã thâu đêm suốt sáng. Vào thời kỳ mà máy tính còn là thứ xa xỉ, Gates đã miệt mài thử nghiệm những đoạn mã của riêng mình, đồng thời hỗ trợ sửa lỗi lập trình cho công ty để đổi lấy cơ hội thực hành quý giá.

Gates từng chia sẻ rằng, nếu không có cơ hội tiếp cận máy tính và kinh nghiệm thực tiễn từ thuở thiếu thời, ông khó có thể đạt được những thành tựu rực rỡ và xây dựng nên một đế chế công nghệ trị giá hàng tỷ đô la.

"Chúng tôi chỉ là những đứa trẻ... chẳng ai trong chúng tôi thực sự có kinh nghiệm về máy tính," Gates viết trong cuốn hồi ký "Source Code: My Beginnings". "Nếu không có khoảng thời gian may mắn được sử dụng máy tính ấy – tạm gọi là 500 giờ đầu tiên – thì có lẽ 9.500 giờ tiếp theo đã không bao giờ xảy ra."

Warren Buffett, CEO của Berkshire Hathaway, cũng sớm bộc lộ năng khiếu kinh doanh thiên bẩm. Từ năm 6 tuổi, ông đã bắt đầu tập tành bán kẹo cao su trong khu phố. Đến năm 13 tuổi, ông nhận công việc giao báo và thậm chí còn biết cách khấu trừ chi phí chiếc xe đạp vào thuế. Với mong muốn xây dựng công ty riêng, Buffett khởi nghiệp với trò chơi pinball khi còn là thiếu niên, với số vốn ban đầu chỉ 25 đô la. Chỉ sau một năm, công ty này đã được bán với giá hơn 1.000 đô la. Con số này có thể nhỏ bé so với vốn hóa thị trường nghìn tỷ đô la của Berkshire Hathaway, nhưng đó chính là nền tảng vững chắc giúp ông trở thành một doanh nhân huyền thoại.

Emma Burleigh là biên tập viên của Fortune: Bài viết được đăng trên Fortune vào ngày 16/03/2025.

Fortune là một tạp chí kinh doanh toàn cầu nổi tiếng của Mỹ. Tạp chí này thường xuyên cung cấp các bài phân tích chuyên sâu về kinh doanh, tài chính, công nghệ, và quản lý, cũng như các bài phỏng vấn với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu. Với lịch sử lâu đời (thành lập năm 1929) và đội ngũ phóng viên, biên tập viên giàu kinh nghiệm, Fortune được xem là một trong những nguồn thông tin kinh doanh đáng tin cậy và có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Biên dịch: Như Ý