Phát hiện ngôi mộ khổng lồ của một pharaoh bí ẩn tại Ai Cập

Andrew Paul 18:27 04/04/2025
Một nhóm các nhà khảo cổ quốc tế đã phát hiện một ngôi mộ khổng lồ thuộc về một pharaoh bí ẩn trong lịch sử Ai Cập cổ đại. 

Tuy nhiên, danh tính của vị vua này vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải, cùng với nhiều chi tiết về triều đại đã bị lãng quên của ông.

Sự tồn tại của triều đại Abydos lần đầu tiên được xác nhận vào năm 2014 sau khi các nhà khảo cổ tìm ra ngôi mộ của Vua Seneb-Kay. Ngôi mộ vừa được phát hiện vào tháng 1 gần đây ước tính được xây dựng trong Thời kỳ Trung Gian thứ hai (1640-1540 TCN), một giai đoạn đầy biến động với sự chia cắt tạm thời của Ai Cập thành các vương quốc đối kháng.

Phòng mai táng của pharaoh bí ẩn này được phát hiện dưới chân một vách đá sa mạc, cách Abydos gần 7 mét, một trong những thành phố cổ nhất của Ai Cập, nằm cách Cairo khoảng 480 km về phía nam và cách sông Nile khoảng 10 km. Trong thần thoại Ai Cập, Abydos được coi là nơi an táng Osiris, vị thần cai quản thế giới ngầm. Rất nhiều pharaoh đầu tiên cũng đã chọn nơi này làm chốn an nghỉ, trong một nghĩa trang hoàng gia rộng lớn gần Núi Anubis.

Nhóm các nhà nghiên cứu từ Bảo tàng Penn ở Philadelphia, hợp tác với các nhà khảo cổ từ Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, đã sử dụng những công cụ hiện đại như từ kế, chụp ảnh và cảm biến từ xa để vẽ bản đồ cho khu vực mộ đồ sộ này. Công tác khai quật tiếp theo đã tiết lộ những nét tương đồng về kiến trúc và trang trí với ngôi mộ của Seneb-Kay, khiến các chuyên gia suy đoán rằng đây có thể là ngôi mộ của một vị tiền nhiệm. Tuy nhiên, tên và các thông tin khác về vị vua này vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Theo lời Josef Wegner, người quản lý bộ phận Ai Cập tại Bảo tàng Penn và là giáo sư khảo cổ học Ai Cập tại Đại học Pennsylvania, tên của vị vua ban đầu đã được ghi lại trong các cảnh vẽ trên những bức tường gạch trát vữa, trang trí lối vào của phòng mai táng bằng đá vôi. Những cảnh vẽ này mô tả nữ thần Isis và chị gái Nephthys, cùng các văn bản chữ tượng hình trên các dải màu vàng.

Tuy nhiên, Wegner cho biết có vẻ như các kẻ trộm mộ cổ đã làm hỏng các văn bản này trong quá trình xâm nhập vào ngôi mộ. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều ứng cử viên tiềm năng cho chủ nhân của ngôi mộ, đặc biệt là hai vị vua Senaiib và Paentjeni, người đã dựng các công trình tưởng niệm ở những khu vực khác trong Abydos, nhưng mộ của họ vẫn chưa được tìm thấy. Những thông tin thu được từ ngôi mộ này cũng giúp xác nhận sự tồn tại của các vị vua Ai Cập khác trong khu vực xung quanh.

Công tác khai quật sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt năm 2025, tập trung chủ yếu vào khu vực trọng tâm mới tại Núi Anubis, trải rộng hơn 9.000 mét vuông. Abydos đánh dấu phát hiện thứ hai về ngôi mộ của một vị vua Ai Cập trong năm nay. Trước đó, vào tháng 2, các nhà khảo cổ cũng đã xác nhận vị trí ngôi mộ của Vua Thutmose II, đánh dấu một trong những phát hiện quan trọng nhất về Ai Cập cổ đại kể từ khi phát hiện mộ Vua Tutankhamun vào năm 1922.

Andrew Paul là biên tập viên tại Popular Science. Bài viết được đăng trên Popular Science ngày 28/03/2025.

​Popular Science, thường được gọi là PopSci, là một trang web khoa học phổ thông của Mỹ, tập trung vào các chủ đề khoa học và công nghệ dành cho độc giả đại chúng. Trang web này trực thuộc Recurrent Ventures và có trụ sở chính tại New York, Hoa Kỳ.

Biên dịch: Hà Linh