Một phát hiện mới ở Trung Quốc đang đặt ra thách thức đối với những quan niệm lâu nay về tiến hóa loài người ở Đông Á. Các nhà khảo cổ học đã khai quật được những công cụ đá tiên tiến, trước đây chỉ được cho là đặc trưng của người Neanderthal ở châu Âu, lần đầu tiên xuất hiện ở khu vực Đông Á.
Những công cụ này được chế tạo bằng phương pháp Quina – một kỹ thuật mà người Neanderthal từng sử dụng – và được tìm thấy tại một di chỉ khảo cổ ở phía tây nam Trung Quốc. Thời kỳ Đá giữa, kéo dài từ 300.000 đến 30.000 năm trước, được xem là giai đoạn phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và châu Phi, trong khi khu vực Đông Á lại thường được cho là ít phát triển hơn, với những tiến hóa hạn chế trong các cộng đồng tổ tiên loài người tại đây.

Những phát hiện thách thức quan điểm đã tồn tại từ lâu
Giai đoạn này cũng có liên quan đến sự xuất hiện và tiến hóa của loài người hiện đại (Homo sapiens) tại châu Phi, cùng với sự phát triển của các nhóm người cổ đại như Neanderthal và Denisovan.
Các công cụ mới được phát hiện có niên đại từ 50.000 đến 60.000 năm trước. Ben Marwick, đồng tác giả nghiên cứu từ Đại học Washington, cho biết: “Đây là một bước ngoặt lớn trong việc hiểu biết của chúng ta về khu vực này trong thời kỳ đó. Phát hiện này thực sự đặt ra câu hỏi: Liệu còn những điều gì mà con người đã làm trong giai đoạn này mà chúng ta chưa phát hiện ra?”
Trong số các công cụ được phát hiện, có một dao cạo đá Quina, dày và không đối xứng, với một cạnh sắc rộng rõ ràng đã qua sử dụng và mài lại. Các nhà khoa học tin rằng những công cụ này có thể được dùng để cạo và xé xương, sừng hoặc gỗ.
Phát hiện này gây ra sự bối rối cho các nhà nghiên cứu, vì họ không chắc làm thế nào những công cụ vốn được biết đến là của người Neanderthal ở châu Âu lại xuất hiện ở Đông Á. Vẫn chưa rõ liệu công nghệ này có được truyền bá đến khu vực này từ những người đến từ phương Tây hay không, hay liệu nó đã được phát triển độc lập mà không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa các nhóm.

Cần tìm thêm bằng chứng
Tiến sĩ Marwick cho biết: “Chúng ta có thể thử tìm hiểu xem liệu họ có làm những điều tương tự trước đó mà Quina dường như đã phát triển từ đó không. Nếu đúng như vậy, sự phát triển có thể là mang tính địa phương hơn – họ đã thử nghiệm với các hình thức khác nhau trong các thế hệ trước và cuối cùng hoàn thiện nó.”
Tuy nhiên, nếu những công cụ này ở Trung Quốc xuất hiện mà không có sự thử nghiệm tương tự như những công cụ tìm thấy ở châu Âu và châu Phi, điều này có thể gợi ý rằng một nhóm khác đã truyền bá công nghệ này.
Theo Tiến sĩ Marwick, niềm tin rằng không có gì thay đổi trong một thời gian dài ở Đông Á đã được chấp nhận rộng rãi, và nhiều người không nghĩ đến khả năng tìm thấy bằng chứng làm thay đổi quan điểm này. “Bây giờ có thể sẽ có một số học giả bắt đầu đặt câu hỏi về những ý tưởng đó,” ông nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc phát hiện thêm di cốt người cổ đại trong khu vực này có thể giúp giải quyết những câu hỏi chưa có lời giải. “Chưa bao giờ có một người Neanderthal nào được phát hiện ở Đông Á, nhưng liệu chúng ta có thể tìm thấy một người Neanderthal không? Hoặc có thể, chúng ta sẽ tìm thấy Denisovan, một tổ tiên loài người khác?” Tiến sĩ Marwick nói.
“Nếu chúng ta có thể tìm thấy di cốt người liên quan đến thời kỳ này, có thể sẽ có những bất ngờ. Có thể chúng ta sẽ tìm thấy một tổ tiên loài người mới mà chúng ta chưa biết đến.”
Neetika Walter là một nhà báo của Interesting Engineering (IE). Bài viết được đăng trên IE vào ngày 01/04/2025.
Interesting Engineering là trang tin tức công nghệ và khoa học, chuyên cập nhật những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Ra mắt năm 2011, nền tảng này cung cấp nội dung hấp dẫn về AI, năng lượng tái tạo, hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực đột phá khác.Phát hiện tảng đá kỳ dị trên Sao Hỏa
Biên dịch: Thu Hoài