Pha trà có thể giúp loại bỏ chì và kim loại nặng trong nước

Ben Turner 19:43 13/03/2025
Một nghiên cứu mới đã phát hiện rằng việc pha trà có thể giúp loại bỏ các kim loại nặng độc hại, bao gồm cả chì, khỏi nước uống.

Trà từ lâu đã được biết đến với nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng hầu hết các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào các hợp chất có trong lá trà. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí ACS Food and Science Technology cho thấy trà không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có khả năng hấp thụ các ion kim loại nặng trong nước, khiến chúng bám vào lá trà thay vì tồn tại trong nước uống.

"Mục tiêu của chúng tôi không phải khuyến khích mọi người dùng trà để lọc nước, mà là đo lường khả năng hấp thụ kim loại nặng của trà. Kết quả nghiên cứu này cho thấy trà có thể đóng vai trò giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với kim loại nặng trong cuộc sống hàng ngày," giáo sư Vinayak Dravid từ Đại học Northwestern cho biết.

Thử nghiệm với nhiều loại trà khác nhau

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều loại trà phổ biến như trà đen, trà xanh, trà hoa cúc, trà ô long, trà bạch mao và trà rooibos. Họ pha trà theo cách thông thường và so sánh khả năng hấp thụ ion kim loại nặng giữa nước có trà và nước không có trà.

Kết quả cho thấy một cốc trà tiêu chuẩn (một túi trà ngâm trong nước nóng từ 3 đến 5 phút) có thể loại bỏ khoảng 15% chì trong nước có nồng độ chì lên đến 10 phần triệu. Ngoài chì, trà cũng giúp giảm bớt nồng độ các kim loại khác như crom và cadmium.

Hiện nay, trà là thức uống phổ biến thứ hai trên thế giới sau nước lọc, với hơn 5 tỷ cốc được tiêu thụ mỗi ngày. Trước đây, trà đã được chứng minh có lợi ích trong việc giảm nguy cơ ung thư, đột quỵ và bệnh tim mạch. Giờ đây, nghiên cứu này tiếp tục mở ra một góc nhìn mới về tác dụng tiềm năng của trà trong việc lọc sạch nước uống.

Những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ kim loại nặng của trà

Các nhà khoa học cũng phát hiện một số yếu tố quyết định hiệu quả loại bỏ kim loại nặng của trà:

Loại túi trà: Túi trà làm từ cellulose có khả năng hấp thụ kim loại tốt nhất, trong khi túi trà bằng cotton hoặc nylon gần như không có tác dụng.

Loại trà và độ mịn của lá trà: Trà đen xay nhuyễn có khả năng hấp thụ kim loại cao nhất, tiếp theo là trà xanh và trà trắng. Trong khi đó, trà ô long, rooibos và hoa cúc có hiệu quả thấp hơn.

Thời gian hãm trà: Đây là yếu tố quan trọng nhất. Trà càng được ngâm lâu, khả năng hấp thụ kim loại càng cao. "Nếu chỉ hãm trà trong vài giây, lượng kim loại được loại bỏ rất ít. Nhưng nếu pha lâu hơn hoặc để qua đêm như cách làm trà lạnh, thì có thể loại bỏ gần như toàn bộ kim loại nặng trong nước," Benjamin Shindel, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Liệu trà có thể thay thế các phương pháp lọc nước?

Dù kết quả nghiên cứu rất hứa hẹn, các chuyên gia nhấn mạnh rằng trà không thể thay thế các hệ thống lọc nước hiện có. Ở những nơi có nguồn nước sạch, nồng độ kim loại nặng thường không đủ cao để trà tạo ra tác động đáng kể. Ngược lại, trong các khu vực xảy ra ô nhiễm nước nghiêm trọng, trà cũng không phải là giải pháp tối ưu.

Tuy nhiên, việc uống trà thường xuyên có thể mang lại lợi ích tích cực về lâu dài. "Nếu mọi người uống thêm một cốc trà mỗi ngày, có thể theo thời gian, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến tiếp xúc với kim loại nặng như bệnh tim mạch và đột quỵ sẽ giảm xuống," Shindel nhận định.

Dù trà không phải là "thần dược" để làm sạch nước, nhưng nghiên cứu này một lần nữa khẳng định những lợi ích thú vị mà một tách trà có thể mang lại cho sức khỏe con người.

Biên dịch: Thu Hoài