Nhai kẹo cao su có thể giải phóng hàng trăm hạt vi nhựa vào miệng

Andrew Paul 21:00 02/04/2025
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một nguồn vi nhựa tiềm ẩn khác đang xâm nhập vào cơ thể con người, đó chính là kẹo cao su.

Theo một nghiên cứu thí điểm được trình bày tại hội nghị mùa xuân của Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS), một chiếc kẹo cao su có thể giải phóng hàng trăm hạt polyme vào khoang miệng. Một phần trong số đó sẽ bị người nhai nuốt vào cơ thể, trong khi việc vứt bừa bãi kẹo cao su còn góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm vi nhựa trong môi trường.

Trước đây, các chuyên gia ước tính con người tiêu thụ hàng chục nghìn hạt vi nhựa mỗi năm, với kích thước dao động từ 1 micromet đến 5 milimet. Phần lớn lượng vi nhựa này đến từ bao bì nhựa, lớp phủ trên thực phẩm và các polyme siêu nhỏ từ đồ dùng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và đồ uống.

Nhưng một thanh kẹo cao su, dù nhỏ bé, cũng không hề vô hại. Trung bình, một người nhai khoảng 160 – 180 thanh kẹo cao su mỗi năm. Điều này đã khiến nhóm nghiên cứu do giáo sư kỹ thuật Sanjay Mohanty tại Đại học California, Los Angeles (UCLA) dẫn đầu, đặt ra câu hỏi: Thói quen này thực sự giải phóng bao nhiêu vi nhựa vào cơ thể chúng ta?

Thí nghiệm kiểm tra vi nhựa từ kẹo cao su

Để có cái nhìn ban đầu về vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu một tình nguyện viên thử nghiệm 10 thương hiệu kẹo cao su khác nhau—gồm 5 loại có chứa chất phụ gia tổng hợp và 5 loại làm từ thành phần tự nhiên. Việc chỉ sử dụng một tình nguyện viên giúp kiểm soát các biến số như kiểu nhai và thành phần nước bọt.

Quá trình thử nghiệm diễn ra khá tỉ mỉ. Người tham gia lần lượt nhai bảy viên kẹo của từng thương hiệu, mỗi viên trong bốn phút. Cứ 30 giây, nhóm nghiên cứu thu thập một mẫu nước bọt, đồng thời lấy thêm mẫu sau khi tình nguyện viên súc miệng bằng nước sạch. Tất cả các mẫu này được gộp lại để phân tích.

Trong một thí nghiệm khác, tình nguyện viên tiếp tục nhai kẹo trong vòng 20 phút, với các mẫu nước bọt được thu thập ở các mốc thời gian khác nhau nhằm đánh giá lượng vi nhựa trong một chiếc kẹo cao su đơn lẻ. Các hạt vi nhựa sau đó được nhuộm đỏ để đếm số lượng, đồng thời phân tích thành phần bằng phương pháp quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR).

Kẹo cao su tự nhiên không hẳn là lựa chọn tốt hơn

Ban đầu, nhóm nghiên cứu giả định rằng kẹo cao su tổng hợp sẽ thải ra nhiều vi nhựa hơn do thành phần nền của chúng vốn là một dạng nhựa.

Tuy nhiên, kết quả lại gây bất ngờ.

“Cả kẹo cao su tổng hợp lẫn tự nhiên đều giải phóng lượng vi nhựa tương đương nhau khi nhai,” Lisa Lowe, đồng tác giả nghiên cứu và là nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm của Mohanty, cho biết.

Phần lớn vi nhựa được giải phóng trong vài phút đầu tiên khi nhai. Trong đó, nước bọt giữ lại một phần, nhưng chính lực ma sát từ răng mới là yếu tố chính làm bong tróc các hạt vi nhựa. Khoảng 94% lượng vi nhựa bị loại ra khỏi kẹo cao su sau tám phút nhai.

Từ kết quả này, Lowe khuyến nghị rằng nếu bạn muốn giảm thiểu lượng vi nhựa tiêu thụ, hãy nhai một viên kẹo cao su càng lâu càng tốt trước khi đổi sang viên mới.

Bao nhiêu vi nhựa được giải phóng khi nhai kẹo cao su?

Theo tính toán, trung bình một gram kẹo cao su có thể giải phóng ít nhất 100 hạt vi nhựa, và con số này có thể lên đến 600 hạt. Như vậy, một viên kẹo cao su nặng 2–6 gram có thể chứa tới 3.000 hạt vi nhựa. Nếu nhân lên với lượng kẹo cao su trung bình mỗi người nhai hằng năm, con số này có thể lên tới 30.000 hạt vi nhựa.

Khi kết hợp với lượng vi nhựa từ thực phẩm và đồ uống, những người thường xuyên nhai kẹo cao su có thể đang nạp vào cơ thể một lượng polyme đáng kể từ thói quen này.

Đáng chú ý, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Do hạn chế về thiết bị, nhóm nghiên cứu chỉ có thể đếm các hạt vi nhựa có kích thước từ 20 micromet trở lên, trong khi nhiều vi nhựa có kích thước nhỏ hơn ngưỡng này.

Lời nhắc nhở về môi trường

Mặc dù nghiên cứu không nhằm mục đích gây hoang mang, giáo sư Mohanty nhấn mạnh rằng vi nhựa đã trở thành một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày, và nhóm nghiên cứu chỉ đang cố gắng làm sáng tỏ một khía cạnh mới của vấn đề này.

“Nếu bạn vẫn tiếp tục nhai kẹo cao su, hãy nhớ vứt bỏ nó đúng cách,” Mohanty nhắc nhở. “Lượng nhựa giải phóng vào nước bọt chỉ là một phần rất nhỏ so với tổng lượng nhựa có trong kẹo cao su. Vì vậy, hãy có ý thức bảo vệ môi trường, đừng vứt bừa bãi hoặc dán lên tường kẹo cao su.”

Andrew Paul là nhà báo chuyên về khoa học và công nghệ của Popular Science (PopSci). Bài viết được đăng trên PopSci vào ngày 27/03/2025.

Popular Science là tạp chí khoa học nổi tiếng của Mỹ, được xuất bản từ năm 1872. Tạp chí cung cấp thông tin về các phát minh, nghiên cứu và tiến bộ trong các lĩnh vực như công nghệ, sinh học, vũ trụ học và môi trường, với cách tiếp cận dễ hiểu, giúp người đọc phổ thông tiếp cận kiến thức khoa học một cách sinh động và hấp dẫn.

Biên dịch: Thu Hoài