Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện rằng khoảng 5 triệu năm trước, những con sóc bay khổng lồ có kích thước ngang mèo nhà đã lướt qua bầu trời Bắc Mỹ, sau khi xác định được một hóa thạch kỳ lạ bên trong một hố sụt cổ đại.
Hóa thạch này được tìm thấy trong một bộ sưu tập hài cốt động vật khai quật tại Tennessee cách đây 25 năm. Mẫu vật thuộc về một chi sóc bay đã tuyệt chủng có tên Miopetaurista, vốn phổ biến hơn ở châu Á. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu công bố ngày 21/2 trên tạp chí Journal of Mammalian Evolution, đã có hai trường hợp được cho là xuất hiện tại Florida.
Joshua Samuels, đồng tác giả nghiên cứu và phó giáo sư khoa địa chất tại Đại học Bang Đông Tennessee, chia sẻ: "Thật khó tin khi tưởng tượng những con sóc bay khổng lồ này lướt trên những cánh rừng Tennessee, nơi từng có tê giác và voi răng mấu sinh sống cách đây 5 triệu năm."

Nhóm nghiên cứu cho rằng Miopetaurista đã di cư đến Bắc Mỹ khi lục địa này còn nối liền với châu Á qua Cầu đất liền Bering vào đầu kỷ Pliocene (khoảng 5,3 - 2,6 triệu năm trước). Khi ấy, Tennessee có những khu rừng ấm áp, rất giống với môi trường sống của chúng ở châu Á.
Chiếc răng hóa thạch của Miopetaurista được phát hiện tại Khu hóa thạch Gray ở Đông Tennessee. Những hóa thạch khác từ địa điểm này cho thấy đây từng là vùng đất trù phú với nhiều loài động vật kỳ lạ khi sóc bay khổng lồ còn tồn tại.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang khám phá lịch sử tiến hóa của loài sóc bay, vốn có hồ sơ hóa thạch rời rạc. Những dấu vết sớm nhất của sóc bay ở Bắc Mỹ có niên đại khoảng 36 triệu năm trước. Tuy nhiên, chúng dường như biến mất khỏi hồ sơ hóa thạch khoảng 9 triệu năm trước, trước khi xuất hiện trở lại với Miopetaurista ở Florida vào khoảng 4 triệu năm trước.
Phát hiện tại Khu hóa thạch Gray có niên đại lâu hơn hai mẫu vật tìm thấy ở Florida tới một triệu năm, khiến đây có thể là hóa thạch Miopetaurista cổ nhất từng được phát hiện ở Bắc Mỹ.

Hố sụt tại Khu hóa thạch Gray hình thành và tích nước cách đây khoảng 5 triệu năm. Được bao quanh bởi những cánh rừng rậm rạp, hồ nước này trở thành nguồn sinh hoạt quan trọng cho nhiều loài động vật cổ đại. Theo Đại học Bang Đông Tennessee, theo thời gian, trầm tích và bùn đã lấp đầy hồ, vô tình chôn vùi và bảo tồn các sinh vật đã chết tại đây.
Miopetaurista có trọng lượng khoảng 1,5 kg, nặng gấp nhiều lần so với các loài sóc bay ngày nay ở Tennessee. Chẳng hạn, sóc bay phương Bắc (Glaucomys sabrinus) chỉ nặng tối đa khoảng 71 gram, theo Cơ quan Tài nguyên Động vật Hoang dã Tennessee.
Loài sóc bay khổng lồ này từng phát triển mạnh mẽ tại Tennessee cho đến khi khí hậu bắt đầu lạnh đi vào đầu kỷ Pleistocene, khoảng 2,6 triệu năm trước. Những kỷ băng hà kéo theo sự thay đổi lớn về môi trường sống, có thể đã buộc Miopetaurista phải di cư xuống phía nam đến các vùng ấm hơn như Florida.
"Khi khí hậu ngày càng lạnh hơn, các kỷ băng hà Pleistocene đã cô lập loài sóc bay khổng lồ này trong những khu vực ấm áp như Florida, và cuối cùng góp phần dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng," Montserrat Grau-Camats, đồng tác giả nghiên cứu và nhà nghiên cứu tại Viện Cổ sinh vật học Catalan ở Tây Ban Nha, chia sẻ.
Biên dịch: Hà Linh