Sao Hỏa có thể ẩn giấu một hồ nước ngầm khổng lồ

Neetika Walter 22:47 08/04/2025
Dữ liệu mới từ MARSIS cho thấy hồ chứa nước ngầm trên Sao Hỏa có thể sâu tới 3,5 km.

Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện chấn động: Một khối nước khổng lồ có thể đang nằm ẩn sâu bên dưới Medusae Fossae Formation (MFF), một khu vực gần xích đạo Sao Hỏa. Nếu được xác nhận, đây sẽ là hồ chứa nước lớn nhất từng được tìm thấy ở khu vực này, với thể tích tương đương Biển Đỏ trên Trái Đất.

Nguồn nước bí ẩn dưới bề mặt Sao Hỏa

Nghiên cứu mới cho thấy lớp băng ẩn dưới MFF có thể sâu tới 3,7 km, vượt xa những ước tính trước đó. Các nhà khoa học tính toán rằng, nếu lượng băng này tan chảy, nó có thể tạo ra một lớp nước sâu 2,7 mét bao phủ toàn bộ hành tinh Đỏ.

"Chúng tôi đã sử dụng dữ liệu mới từ radar MARSIS trên tàu thăm dò Mars Express để phân tích lại khu vực MFF và nhận thấy lớp trầm tích này còn dày hơn so với những gì chúng tôi từng nghĩ," tiến sĩ Thomas Watters, tác giả chính của nghiên cứu từ Viện Smithsonian, cho biết.

Quan trọng hơn, tín hiệu radar thu được rất giống với cấu trúc của các lớp băng phân tầng, tương tự như những chỏm băng ở hai cực Sao Hỏa. Điều này củng cố giả thuyết rằng khu vực MFF có thể đang che giấu một kho băng khổng lồ dưới lớp bụi dày.

Bí ẩn địa chất làm đau đầu giới khoa học

Medusae Fossae Formation từ lâu đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học bởi quy mô rộng lớn và thành phần địa chất bất thường. Khu vực này trải dài hàng trăm km, có nơi cao hơn 1,6 km, nằm ở ranh giới giữa đồng bằng thấp phía bắc và cao nguyên phía nam Sao Hỏa.

Suốt nhiều năm qua, các giả thuyết về nguồn gốc của MFF liên tục được đưa ra. Một số cho rằng nó hình thành từ các lớp bụi bị gió thổi tích tụ qua thời gian. Những ý kiến khác lại nghiêng về khả năng đây là di tích của tro núi lửa hoặc trầm tích cổ đại.

Những quan sát ban đầu từ radar MARSIS cho thấy khu vực này có mật độ rất thấp và gần như trong suốt với sóng radar—một đặc điểm thường thấy ở các cấu trúc chứa băng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa thể loại trừ những nguyên nhân khác, cho đến khi dữ liệu mới nhất củng cố giả thuyết về sự tồn tại của băng nước.

"Phát hiện này đang thách thức những hiểu biết trước đây của chúng ta về Medusae Fossae Formation và mở ra nhiều câu hỏi mới," Colin Wilson, nhà khoa học thuộc dự án Mars ExpressExoMars của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), nhận định.

"Những lớp băng này hình thành từ bao lâu? Chúng có liên quan gì đến khí hậu cổ đại của Sao Hỏa? Nếu thật sự là băng nước, những trầm tích khổng lồ này có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nhìn nhận về lịch sử hành tinh Đỏ."

Ý nghĩa đối với các sứ mệnh thám hiểm Sao Hỏa

Hiện tại, các vùng cực của Sao Hỏa được biết đến là nơi chứa trữ lượng băng khổng lồ. Tuy nhiên, địa hình hiểm trở và điều kiện khắc nghiệt tại đây không phù hợp để con người đặt chân đến.

Vì vậy, việc phát hiện băng nước gần xích đạo có thể mở ra một bước tiến quan trọng cho các sứ mệnh có người lái trong tương lai. Nếu có thể khai thác, nguồn nước này sẽ cung cấp nước uống, oxy và thậm chí có thể sử dụng để sản xuất nhiên liệu, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn tiếp tế từ Trái Đất.

Dù vậy, lớp băng này hiện vẫn nằm sâu dưới lớp bụi dày đặc, khiến việc tiếp cận trở nên vô cùng khó khăn. Nhưng theo Colin Wilson, mỗi phát hiện mới về băng nước trên Sao Hỏa đều giúp con người tiến gần hơn đến việc hiểu rõ lịch sử thủy văn và khí hậu của hành tinh này.

Không chỉ có ý nghĩa đối với các sứ mệnh thám hiểm, phát hiện này còn là một dấu hiệu cho thấy Sao Hỏa từng có một môi trường rất khác so với ngày nay. Nếu băng ở MFF thật sự tồn tại, nó có thể chứa đựng những chứng cứ quan trọng về quá khứ giàu nước của hành tinh Đỏ—một yếu tố then chốt trong việc tìm kiếm dấu vết sự sống ngoài Trái Đất.

Neetika Walter là một nhà báo của Interesting Engineering (IE). Bài viết được đăng trên Interesting Engineering vào ngày 31/3/2025.

Interesting Engineering là trang tin tức công nghệ và khoa học, chuyên cập nhật những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Ra mắt năm 2011, nền tảng này cung cấp nội dung hấp dẫn về AI, năng lượng tái tạo, hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực đột phá khác.Phát hiện tảng đá kỳ dị trên Sao Hỏa

Biên dịch: Thu Hoài