Hơn 2.000 năm trước, một phụ nữ trẻ đã sống và qua đời ở Trung Quốc, để lại bộ hài cốt với những đặc điểm chưa từng thấy trước đây.
Trên răng của cô, các nhà khảo cổ phát hiện dấu vết chu sa – một khoáng chất màu đỏ rực chứa thủy ngân. Vì có độc tính cao, chu sa chưa từng được tìm thấy trên răng người trong bất kỳ phát hiện khảo cổ nào trước đó. Điều đáng chú ý là, dù chu sa và các sắc tố đỏ khác thường được sử dụng trong nghi lễ tang lễ và shaman, nhóm nghiên cứu do Sen You (Đại học Cát Lâm, Trung Quốc) dẫn đầu tin rằng trong trường hợp này, chu sa được sử dụng khi cô gái còn sống.

Các nhà khoa học gọi cô là "Công chúa Đỏ của Con đường Tơ lụa". Họ cho rằng chu sa được trộn với chất kết dính để nhuộm răng cô khi còn sống. Tuy nhiên, lý do cô làm vậy vẫn là một bí ẩn. Trong văn hóa Trung Quốc, màu đỏ từ lâu được coi là màu may mắn và có thể việc nhuộm răng mang ý nghĩa tâm linh. Chu sa từng được dùng trong thực hành shaman và y học cổ truyền, thậm chí có thể gây ảo giác.
Một giả thuyết khác cho rằng đây có thể là một phong tục làm đẹp, tương tự như tập tục nhuộm răng đen từng phổ biến ở Đông Nam Á và châu Đại Dương. Hàm răng đỏ cũng có thể là dấu hiệu của địa vị xã hội, đặc biệt là khi xét đến vị trí chôn cất của cô trong nghĩa trang.
Điều càng làm phát hiện này đặc biệt là chu sa không có sẵn tại khu vực cô được chôn cất. Nguồn chu sa gần nhất nằm ở Trung Quốc trung tâm, Cận Đông và châu Âu, nghĩa là nó phải được giao thương từ xa. Các nhà nghiên cứu nhận định: "Việc tiếp cận một nguyên liệu quý hiếm như vậy có thể phản ánh thân phận đặc biệt của cô gái này."

Bộ hài cốt của "Công chúa Đỏ" được tìm thấy tại nghĩa trang Shengjindian ở Tân Cương, một điểm quan trọng trên Con đường Tơ lụa cổ đại. Nghĩa trang này được khai quật vào năm 2007-2008, hé lộ 31 ngôi mộ cùng nhiều hiện vật quý như lụa, đồ gốm, trang sức bằng vàng, đồng, thủy tinh và mã não.
Dù không có bằng chứng khẳng định cô là thành viên hoàng gia, "Công chúa Đỏ" được chôn cất cùng ba người khác, bao gồm một đứa trẻ. Cô qua đời khi chỉ mới 20-25 tuổi, vào khoảng 2.200 - 2.050 năm trước. Điều khiến các nhà khảo cổ chú ý chính là màu đỏ trên răng cô.

Để xác định chất nhuộm, họ đã sử dụng quang phổ Raman và quang phổ huỳnh quang tia X, kết luận rằng sắc đỏ này là chu sa, chứ không phải các khoáng chất khác như hematit hay đất son. Phân tích quang phổ hồng ngoại (FTIR) còn phát hiện dấu vết của một chất kết dính protein giúp gắn màu lên răng. Dù chưa xác định được chính xác, nhưng các chất kết dính phổ biến trong lịch sử Trung Quốc cổ đại thường có nguồn gốc từ động vật, như collagen, lòng trắng trứng hoặc sữa.
"Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về việc cố ý nhuộm răng đỏ bằng chu sa – một chất có độc tính cao. Dù chỉ là một trường hợp đơn lẻ, phát hiện này không chỉ quan trọng trong bối cảnh lịch sử và địa phương, mà còn mở ra góc nhìn mới về văn hóa nhân loại."
Michelle Starr là phóng viên chủ chốt của ScienceAlert. Bài viết được đăng trên ScienceAlert vào ngày 24/03/2025.
ScienceAlert là một trang tin khoa học nổi tiếng có trụ sở tại Úc, chuyên cung cấp những tin tức, khám phá và nghiên cứu khoa học mới nhất trên thế giới. Được thành lập vào năm 2006, ScienceAlert tập trung vào các lĩnh vực như vũ trụ, công nghệ, môi trường, sức khỏe và vật lý, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận những tiến bộ khoa học phức tạp thông qua ngôn ngữ dễ hiểu và hấp dẫn.
Biên dịch: Thu Hoài