6 tập tục mai táng độc đáo và bí ẩn ở Tây Tạng

Thu Hoài 12:47 16/03/2025
Tây Tạng là vùng đất linh thiêng gắn liền với văn hóa Phật giáo Mật tông, nơi con người coi cái chết không phải là sự kết thúc mà là cánh cửa mở ra một hành trình mới. Chính vì thế, các nghi lễ mai táng tại đây mang đậm dấu ấn tôn giáo, triết lý nhân sinh và những quan niệm tâm linh huyền bí.

Tháp táng

Tháp táng là nghi thức tang lễ linh thiêng và cao quý nhất tại Tây Tạng, chỉ dành riêng cho các Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma và những bậc Phật Sống. Khi một vị Lạt Ma viên tịch, thi thể của họ sẽ trải qua quá trình xử lý đặc biệt: rút nước, ướp với các loại thảo dược quý hiếm, đồng thời rắc vàng lá và nghệ tây để bảo quản. Sau đó, thi thể được an trí trong bảo tháp – một công trình mang tính tôn giáo cao, làm từ vàng, bạc, đồng, gỗ hoặc đất, tùy theo cấp bậc của người quá cố. Những bảo tháp này trở thành nơi thờ cúng, biểu tượng của sự giác ngộ và lưu giữ tinh thần của các bậc chân tu.

Hỏa táng

Hỏa táng được xem là nghi thức mai táng trang trọng, nhưng không sánh bằng tháp táng, thường dành cho các nhà sư có chức vị cao hoặc giới quý tộc. Thi thể sẽ được đặt lên giàn thiêu làm từ gỗ và rơm, sau đó hỏa táng. Tro cốt của nhà sư sẽ được lưu giữ trong các hộp gỗ hoặc bình đất nung, sau đó an táng trên đồi cao, nơi linh thiêng hoặc rải xuống dòng sông để hòa vào thiên nhiên. Đối với những bậc chân tu như Đức Phật Sống hay Lạt Ma, tro cốt thường được bảo quản trong các bảo tháp nhỏ bằng vàng hoặc bạc, đặt cùng với kinh Phật và những báu vật tôn giáo.

Thiên táng (điểu táng)

Thiên táng là tập tục mai táng phổ biến nhất ở Tây Tạng, thể hiện triết lý về vòng luân hồi và sự cống hiến cuối cùng của con người cho tự nhiên. Trong nghi lễ này, thi thể sẽ được đưa lên đỉnh núi để làm mồi cho đàn kền kền. Người Tây Tạng tin rằng khi chim ăn hết xác, linh hồn sẽ siêu thoát, bay lên trời và bước vào một kiếp sống mới. Với người giàu có, thi thể còn được tắm rửa, bọc trong vải trắng và thực hiện nghi lễ cầu siêu do các Lạt Ma chủ trì trước khi tiến hành thiên táng.

Đoàn người hộ tống sẽ đưa thi thể lên núi, sau đó các nghi lễ cắt thi thể thành từng phần được thực hiện để giúp kền kền dễ dàng ăn thịt. Nếu chim ăn hết sạch, điều này đồng nghĩa với việc người quá cố đã hoàn toàn rũ bỏ trần tục, linh hồn thanh thản rời khỏi cõi nhân gian.

Thủy táng

Trong thủy táng, thi thể sẽ được bọc trong vải trắng và thả trôi theo dòng nước. Tập tục này có hai cách nhìn nhận khác nhau. Tại những khu vực phổ biến thiên táng, thủy táng bị coi là một hình thức mai táng thấp kém, thường dành cho người ăn xin hoặc tầng lớp có địa vị thấp trong xã hội. Tuy nhiên, ở những nơi không thể thực hiện thiên táng, thủy táng lại được xem là một nghi thức trang nghiêm, với các quy trình thực hiện đầy tôn kính và thiêng liêng.

Vách táng

Vách táng là một tập tục hiếm gặp, phổ biến tại khu vực miền nam Tây Tạng. Trong nghi thức này, thi thể sẽ được đặt trong một hộp gỗ và đưa lên vách núi cao từ 50 đến 300 mét so với mặt đất. Các nhà sư sẽ quyết định liệu người đã khuất có phù hợp với hình thức mai táng này hay không, dựa trên yếu tố tâm linh và tín ngưỡng của từng cá nhân.

Địa táng

Khác với nhiều nền văn hóa khác trên thế giới, địa táng tại Tây Tạng được xem là hình thức mai táng thấp kém nhất, chỉ áp dụng cho những người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc phạm tội nghiêm trọng. Việc chôn cất những thi thể này không chỉ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan mà còn mang ý nghĩa trừng phạt, không cho linh hồn họ có cơ hội siêu thoát.