Trung Quốc tuyên bố UAV tàng hình vượt trội gấp 3 lần Mỹ

Chris Young 09:41 21/03/2025
Một nghiên cứu mới cho thấy các máy bay không người lái tàng hình thế hệ tiếp theo của Trung Quốc tiêu thụ chỉ một nửa năng lượng và có tuổi thọ gấp ba lần Mỹ.

Theo một báo cáo từ tờ South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc hiện đang đi trước Mỹ trong việc phát triển dòng máy bay không người lái (UAV) tàng hình thế hệ mới, sử dụng công nghệ điều khiển tiên tiến chưa từng có.

Cụ thể, một nghiên cứu vừa được công bố khẳng định Bắc Kinh đã đạt bước tiến quan trọng trong việc chế tạo và thử nghiệm loại UAV tàng hình sử dụng hệ thống "điều khiển bằng luồng khí" (fluidic control), hay còn gọi là CRANE (Control of Revolutionary Aircraft with Novel Effectors). Trong khi Trung Quốc đã đưa các nguyên mẫu ra thử nghiệm thực tế, công nghệ tương tự tại Mỹ vẫn chỉ mới dừng lại ở giai đoạn ý tưởng.

Bước tiến táo bạo với công nghệ “động cơ phản lực tổng hợp kép”

Các UAV tàng hình thế hệ mới của Trung Quốc sử dụng công nghệ mang tên "dual synthetic jet" (DSJ) - động cơ phản lực tổng hợp kép, thay thế hoàn toàn các bề mặt điều khiển khí động học truyền thống như cánh tà, cánh đuôi. Giải pháp này giúp giảm tối đa tín hiệu radar và dấu vết nhiệt, vốn là hai yếu tố then chốt trong việc giữ bí mật và khả năng tàng hình.

Điều đáng chú ý là, Trung Quốc đã tiến hành bay thử mẫu UAV sử dụng DSJ ngay từ năm 2021. Trong khi đó, Mỹ mãi đến năm 2023 mới chính thức khởi động chương trình X-65 dưới sự quản lý của DARPA — Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Hoa Kỳ.

NUDT của Trung Quốc được cho là đã vượt qua DARPA

Trong một nghiên cứu được công bố, Giáo sư La Trấn Binh (Luo Zhenbing) từ Đại học Quốc phòng Trung Quốc (NUDT) cho biết công nghệ DSJ của Trung Quốc không chỉ đi trước về tiến độ mà còn được thiết kế với hiệu năng vượt trội. Cụ thể, hệ thống DSJ của họ sử dụng hai buồng khí luân phiên để tạo xung nhịp — một sáng kiến giúp giảm áp suất bên trong, hạn chế hư hỏng và kéo dài tuổi thọ thiết bị. Ngược lại, thiết kế mà DARPA (Mỹ) đang phát triển vẫn chỉ dùng buồng khí đơn, dễ xảy ra trục trặc và bị giới hạn về hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt, theo chia sẻ từ các kỹ sư tại NUDT, thiết kế hai buồng khí không chỉ giúp UAV vận hành ổn định trong không khí mà còn cho phép hoạt động dưới nước. Điều này mở ra một viễn cảnh rất đặc biệt: những chiếc UAV có thể lặn sâu dưới biển, sau đó bất ngờ trồi lên và bay vào không trung — một bước đột phá hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn tư duy tác chiến trong tương lai. Ưu thế rõ rệt về tuổi thọ và năng lượng

Ưu thế rõ rệt về tuổi thọ và năng lượng

Không chỉ đi trước về công nghệ và ứng dụng, phía Trung Quốc còn tuyên bố hệ thống DSJ của họ có tuổi thọ vận hành gấp ba lần so với các nguyên mẫu tương tự đang được phát triển tại Mỹ, trong khi mức tiêu thụ năng lượng chỉ bằng một nửa. Đây là một yếu tố then chốt giúp kéo dài thời gian hoạt động của UAV trong môi trường thực chiến.

Đến năm 2023, Trung Quốc đã tiếp tục thử nghiệm thành công các mẫu UAV cánh bay (flying-wing drones) sử dụng công nghệ này, cho thấy nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện và thương mại hóa công nghệ tàng hình thế hệ mới.

Trong khi đó, Mỹ vẫn đang ở giai đoạn ý tưởng với chương trình X-65. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của mẫu UAV có thiết kế "đuôi lớn" — vốn là nền tảng để kiểm chứng công nghệ điều khiển luồng khí cho chiến đấu cơ thế hệ mới (Next-Generation Air Dominance – NGAD) — được kỳ vọng sẽ diễn ra ngay trong năm nay.

Biên dịch: Thu Hoài

Chris Young là một nhà báo chuyên về công nghệ và khoa học. Bài viết được cập nhật trên trang Interesting Engineering vào ngày 19/03/2025.
Interesting Engineering là một trang tin quốc tế uy tín chuyên cập nhật những thông tin mới nhất về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và sáng tạo. Được thành lập vào năm 2011, trang web nhanh chóng trở thành nguồn tham khảo quen thuộc của những người đam mê công nghệ, kỹ sư, nhà nghiên cứu và cả độc giả phổ thông yêu thích khám phá những phát minh đột phá trên thế giới.