Chip não mới giúp chỉnh sửa video và đăng YouTube chỉ bằng suy nghĩ

Sarah Jackson 22:45 17/05/2025
Một bệnh nhân không còn khả năng nói do ALS đã đăng tải video YouTube được chỉnh sửa và thuyết minh hoàn toàn bằng tín hiệu não, nhờ chip cấy ghép của Neuralink.

Theo Business Insider – Brad Smith, bệnh nhân mắc xơ cứng teo cơ một bên (ALS), vừa trở thành người đầu tiên trên thế giới sử dụng tín hiệu não để chỉnh sửa và thuyết minh video trên YouTube, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong ứng dụng công nghệ thần kinh hỗ trợ người khuyết tật.

Smith, người thứ ba trên thế giới được cấy ghép chip não của Neuralink, đồng thời là bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh ALS trải qua thủ thuật này. Căn bệnh ALS, hay còn gọi là bệnh thoái hóa thần kinh vận động tiến triển, gây ra sự suy giảm khả năng kiểm soát các chức năng vận động thiết yếu như nói, ăn, di chuyển và hô hấp.

Gần đây, Smith đã chia sẻ video đầu tiên hoàn toàn được chỉnh sửa bằng tín hiệu não thông qua thiết bị Neuralink. Anh điều khiển con trỏ chuột trên MacBook Pro chỉ bằng cách tưởng tượng hành động di chuyển, sau đó sử dụng nó để biên tập video.

Chip cấy ghép trong não của Smith được đặt tại vùng vỏ não vận động, nơi điều khiển các cử động tự chủ, và chứa hơn 1.000 điện cực siêu nhỏ. Thiết bị này giải mã tín hiệu thần kinh liên quan đến ý định vận động, thay vì đọc suy nghĩ hoàn toàn.

Ban đầu, Smith thử tưởng tượng việc di chuyển tay để điều khiển chuột, nhưng anh nhận thấy việc tưởng tượng chuyển động của lưỡi hoặc nghiến hàm giúp anh kiểm soát con trỏ và thực hiện thao tác nhấp chuột dễ dàng hơn.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Ashlee Vance của tờ Bloomberg Businessweek Smith xúc động chia sẻ: “Tôi đã mất nhiều năm để đạt được điều này. Nhiều lúc tôi vẫn bật khóc vì xúc động. Thật tuyệt khi tôi có thể sống vì một điều gì đó lớn hơn chính mình. Tôi hy vọng có thể giúp ích cho người khác trong tương lai.”

Vì mất khả năng nói, Smith không thể thuyết minh video bằng giọng thật. Để khắc phục, đội ngũ Neuralink sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tổng hợp giọng nói của anh từ các đoạn ghi âm trước đây. Kết quả là video được thuyết minh bằng giọng nói tổng hợp giống hệt giọng thật của Smith, mang lại một cảm giác chân thật và đầy nhân văn.

Những thử nghiệm đầu tiên của Smith và Noland Arbaugh, người bị liệt tứ chi và là bệnh nhân đầu tiên cấy chip Neuralink, cho thấy công nghệ giao diện não – máy tính có thể mở ra một tương lai mới cho người khuyết tật. Dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, công nghệ này hứa hẹn sẽ mang lại những cải tiến vượt bậc trong việc hỗ trợ cuộc sống và tăng cường kết nối xã hội cho người khuyết tật.

Sarah Jackson là một phóng viên cáp cao tại Business Insider (BI). Bài viết được đăng trên BI vào ngày 06/05/2025.

Business Insider là một tờ báo điện tử nổi tiếng, chuyên cung cấp các tin tức về doanh nghiệp, người nổi tiếng, và các vấn đề tài chính và kinh doanh tại Mỹ và quốc tế. Được thành lập vào năm 2007 bởi Henry Blodget, tờ báo này đã nhanh chóng trở thành một trong những nguồn thông tin đáng tin cậy nhất về các xu hướng kinh doanh, sự nghiệp, và tài chính.

Biên dịch: Thu Hoài