Theo The Wall Street Journal, Apple đang hoàn thiện một bộ tiêu chuẩn dành cho thiết bị cấy ghép não, giúp người dùng có thể điều khiển các sản phẩm công nghệ như iPhone, iPad hay Apple Vision Pro mà không cần sử dụng tay. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong hành trình mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ cho cộng đồng người khuyết tật.
Để thực hiện điều này, Apple đã hợp tác với Synchron, một công ty y sinh đang nghiên cứu công nghệ giao tiếp giữa não bộ và máy tính. Synchron hiện phát triển một thiết bị có tên Stentrode – được cấy vào tĩnh mạch nằm trên vỏ não vận động. Thiết bị này có khả năng ghi nhận tín hiệu thần kinh từ não và chuyển thành thao tác điều khiển thiết bị.

Một trong những thử nghiệm nổi bật của Synchron là trường hợp của một bệnh nhân mắc bệnh ALS (xơ cứng teo cơ). Người này đã sử dụng Stentrode để điều hướng menu trên Vision Pro và trải nghiệm không gian ảo dãy Alps Thụy Sĩ, dù không thể cử động tay chân. Công nghệ hứa hẹn mở ra cánh cửa mới cho người bị liệt hoặc mất khả năng vận động tiếp cận công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, Synchron còn đang thử nghiệm khả năng kết nối giao diện não bộ với AI như ChatGPT, tạo nên tiềm năng giao tiếp linh hoạt và thông minh hơn cho người dùng.
Công nghệ mới, thách thức cũ Dù Apple dự kiến phát hành tiêu chuẩn cho các nhà phát triển trong năm nay, giới chuyên gia cho rằng việc phổ cập công nghệ này đến nhóm người dùng thực sự cần – như người bị liệt hoặc khuyết tật nghiêm trọng, sẽ phải cần thêm thời gian.
Bob Farrell, Phó Chủ tịch phụ trách giải pháp và khả năng tiếp cận tại công ty công nghệ Applause, nhận định: "Những bước tiến y học hiện nay rất đáng kinh ngạc, nhưng quá trình đưa chúng vào cuộc sống của người khuyết tật sẽ cần thêm nhiều năm. Trong lúc đó, ngành công nghệ vẫn cần ưu tiên phát triển các sản phẩm dễ tiếp cận hơn ngay từ bây giờ."
Ông cho rằng Apple là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy xu hướng phát triển sản phẩm toàn diện, không chỉ vì yếu tố xã hội mà còn vì lợi ích kinh doanh rõ rệt. "Chúng tôi cũng thấy ngày càng nhiều ngành công nghiệp khác, đặc biệt là lĩnh vực game, bắt đầu chú trọng đến tính toàn diện và khả năng tiếp cận," ông nói.
Tuy nhiên, Farrell nhấn mạnh rằng không phải công ty nào cũng thực sự đầu tư đúng mức vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho người khuyết tật. "Để sản phẩm trở nên toàn diện, doanh nghiệp cần lắng nghe và hợp tác với cộng đồng người khuyết tật ngay từ giai đoạn nghiên cứu đến thử nghiệm thực tế."
Omar Gallaga là một nhà báo tự do, cộng tác viên của Computer Network (CNET). Bài viết được đăng trên CNET vào ngày 13/05/2025.
CNET là một trong những trang web công nghệ hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp thông tin, đánh giá và tin tức mới nhất về các sản phẩm công nghệ tiêu dùng. CNET tập trung vào các mảng như điện thoại thông minh, máy tính, thiết bị gia dụng thông minh, phần mềm, ứng dụng, mạng xã hội, ô tô công nghệ cao và các xu hướng công nghệ tương lai.
Biên dịch: Thu Hoài