Sự nghiệp và cuộc gặp gỡ định mệnh của bà Bành Lệ Viện

CRI Online 07:34 07/03/2025
Ngày 22/3/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên đáp chuyên cơ thăm chính thức Nga. Bà Bành lần đầu tiên xuất hiện trên trường ngoại giao quốc tế với danh nghĩa "đệ nhất phu nhân".

Bà mặc bộ áo khoác dạ dài màu tím than, quàng chiếc khăn tơ màu xanh lơ, chồng bà là Chủ tịch Tập Cận Bình mặc áo khoác dạ dài màu đen, quàng khăn màu tím than, đôi vợ chồng vừa bước ra khỏi khoang máy bay đã để lại cho mọi người ấn tượng rất lãng mạn và ăn ý.

Bành Lệ Viên là nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc, trong các chuyến thăm nước ngoài với khí chất đoan trang, cử chỉ nhã nhặn, dáng hình xuất chúng, bà đã nhận được sự đánh giá cao của truyền thông trong nước và nước ngoài, được đông đảo cư dân mạng Trung Quốc mệnh danh là "đệ nhất phu nhân xinh đẹp nhất".Mỗi bộ trang phục, đồ trang sức, túi xách trên mình bà, đều trở thành thời thượng theo đuổi của phái đẹp trong nước.

Truyền thông Trung Quốc xác nhận rằng, hết thảy những bộ trang phục và trang sức trên mình bà Bành Lệ Viên trong chuyến công hành lần này đều xuất xứ từ một công ty trang phục trang sức Quảng Châu tỉnh Quảng Đông, bộ com lê Chủ tịch Tập Cận Bình mặc cũng do một công ty trang phục thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc may đo. Thứ hai ngày 26/3 năm đó, giá cổ phiếu của hai công ty trang phục nói trên đã tăng cao ngay từ phiên mở cửa.

Nhiều năm qua, bà Bành Lệ Viên đã nổi tiếng trong làng ca nhạc Trung Quốc, chất giọng cao vút ngọt ngào và dáng hình đoan trang xinh đẹp của bà đã làm mê hồn biết bao công chúng Trung Quốc. Xin giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của bà Bành Lệ Viên, phu nhân Chủ tịch Tập Cận Bình và một số ca khúc do bà thể hiện.

Trước hết, mời các bạn nghe bài hát "Phụ lão hương thân" do bà Bành Lệ Viên trình bày.

Lời ca có đoạn:

Tôi sinh ra tại một thôn làng

Ở đó có phụ lão hương thân

Chòm râu bạc chứa bao câu chuyện

Giọng nói tiếng làng cất lên trong nụ cười

Ôi, phụ lão hương thân

Phụ lão hương thân cần cù lương thiện

Cây cao vạn trượng không bao giờ quên gốc rễ

Báo giới cho biết, trong thời gian dài trước năm 2007, mặc dù đã nên vợ nên chồng nhiều năm, nhưng tiếng tăm của bà Bành Lệ Viên còn nổi tiếng hơn chồng Tập Cận Bình.

Có thể nói ngay từ những năm 80 thế kỷ 20, nhiều công chúng Trung Quốc cùng lứa lúc bấy giờ đã là fan của bà Bành Lệ Viên.

Bà Bành Lệ Viên sinh ngày 20 tháng 11 năm 1962 tại huyện Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, 15 tuổi thi đỗ trung cấp Học viện Nghệ thuật Sơn Đông, năm 1980 cô bé Lệ Viên thay mặt Đoàn đại biểu tỉnh Sơn Đông đến Bắc Kinh tham gia hội diễn, với ca khúc "Nghi mông sơn quê hương tôi", giọng hát của Lệ Viên làm rung động giới âm nhạc Kinh thành.

Không bao lâu, Bành Lệ Viên nhập ngũ, trở thành diễn viên Đoàn ca múa nhạc Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, sau đó thi đỗ chuyên ngành thanh nhạc Học viện âm nhạc Trung ương Trung Quốc. Sau khi hoàn thành chương trình chuyên khoa, Lệ Viên lại thi đỗ cử nhân rồi hoàn thành và tốt nghiệp nghiên cứu sinh chuyên ngành thanh nhạc, trở thành thạc sĩ chuyên ngành thanh nhạc dân tộc đầu tiên của Trung Quốc, sau đó bà được phong quân hàm Thiếu tướng, khi đó là thiếu tướng trẻ tuổi nhất Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Trước đây, bà Bành Lệ Viên từng nhiều lần tham gia và nhiều lần đoạt giải nhất, giải thưởng vàng trong các cuộc liên hoan thi thanh nhạc cấp quốc gia, ngoài ra còn đoạt giải "Đĩa hát vàng Trung Quốc" và "Giải lớn âm nhạc quốc gia" khóa đầu tiên.

Sau đó, bà Bành Lệ Viên còn thủ vai nữ chính trong các vở ca kịch dân tộc cỡ lớn như "Bạch Mao Nữ", "Bình minh bi thương", "Người con gái của Đảng", "Áng thơ Mộc Lan" ... Bà còn đoạt giải "Hoa mai" lần thứ 3, giải thưởng cao nhất trong làng nghệ thuật truyền thống và đoạt giải "Văn Hoa" lần thứ 3 của Bộ Văn hóa Trung Quốc.

Bài hát "Ai cũng nói quê nhà mình tốt" do bà Bành Lệ Viên trình bày.

Lời ca có đoạn:

Những dãy núi triền miên

Những áng mây trắng bay

Ruộng bậc thang xanh rờn

Làn gió quyện tiếng hát

Ôi, ai cũng nói quê nhà mình tốt.

Là nghệ sĩ nhân dân xuất sắc đoạt danh hiệu "có tài có đức" toàn quốc, kể từ khi dấn thân lên con đường ca hát đến nay, bà Bành Lệ Viên luôn luôn gắn liền cuộc đời nghệ sĩ của mình với đông đảo quần chúng. Hơn 30 năm qua, bà đã xuống cơ sở biểu diễn phục vụ bà con nhân dân hàng trăm lần, từ vùng sâu vùng xa cho đến biên cương hải đảo, từ mỏ dầu cho đến chòi gác xa xôi, từ nơi sa mạc hoang vu cho đến vùng cao núi tuyết...

Năm 1993, Bành Lệ Viên là nghệ sĩ đầu tiên ra khỏi cửa ngõ Trung Quốc đến Singapore tổ chức buổi liên hoan đơn ca, và nhiều lần đi trên khắp hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vở ca kịch "Áng thơ Mộc Lan" do bà thủ vai chính đã hiện diện trên sân khấu Trung tâm nghệ thuật Lincoln New York Mỹ và Nhà hát ca kịch tại thủ đô Viên nước Áo, bà được Ủy ban Trung tâm nghệ thuật Lincoln trao tặng giải "Nghệ sĩ xuất sắc nhất ", Ủy ban Nhà hát Liên bang Áo và Nhà hát quốc gia Viên trao tặng bà giải thưởng "Đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất".

Hiện nay, bà Bành Lệ Viên đã từ một nghệ sĩ xuất sắc trong làng ca nhạc chuyển sang vai trò giáo dục nghệ thuật, bà ra sức bồi dưỡng nhân tài trẻ tuổi ưu tú và hướng dẫn xây dựng những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Ngoài ra, bà còn ra sức tham gia sự nghiệp công ích, bà được Tổ chức Y tế thế giới mời làm Đại sứ Thiện chí về chống bệnh lao và HIV/AIDS, ngoài ra bà còn là "Tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS" Trung Quốc, "Đại sứ hình tượng kiểm soát thuốc lá", "Đại sứ tình thương cho ngày mai" phòng ngừa tội phạm thanh thiếu niên.

Ca khúc "Chô-mô-lung-ma" do bà Bành Lệ Viên trình bày:

Lời ca có đoạn:

Trong lòng các bà con

Người cao lớn chót vót

Người sừng sững dưới bầu trời xanh

Người chăm sóc hoa gơ ban

Bằng ánh nắng tình thương

Người gieo ánh trăng ngần

Xuống núi Hymalaya

Và cả ngọn Chô-mô-lung- ma

Năm xưa ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viên vừa gặp đã yêu. Lẽ ra, hồi bấy giờ Lệ Viên không ưa hình thức làm mối như vậy.

Cuối năm 1986, người bạn thân bảo sẽ giới thiệu cho Lệ Viên một đối tượng. Lúc bấy giờ người bạn chỉ bảo anh ấy đang công tác tại thành phố Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến, thế là Lệ Viên liền băn khoăn ngay: "Ôi, hai người sống hai nơi, làm thế nào được?". Thế là Lệ Viên liền không có ý định gặp người này, nhưng khi nghe bạn nói rằng anh ấy là người đàn ông 'tài ba xuất chúng', thì cô mới thay đổi thái độ và đồng ý hẹn gặp nhau.

Lúc bấy giờ Bành Lệ Viên đã nổi tiếng trong làng ca nhạc Trung Quốc, đồng thời lại còn là diễn viên cấp một Quốc gia của Đoàn ca múa nhạc Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Hôm gặp nhau, Bành Lệ Viên cố tình mặc một chiếc quần quân đội rộng thùng thình, có ý thăm dò xem "đối phương" có phải là người chỉ chú trọng vẻ bề ngoài hay không. Vừa gặp, Lệ Viên đã thất vọng, Tập Cận Bình còn ăn vận giản dị hơn, Lệ Viên nghĩ sao người đàn ông này trông quê mùa đến thế lại còn có vẻ già già nữa. Nhưng Tập Cận Bình vừa cất tiếng đã thu hút ngay sự chú ý của Lệ Viên. Ông không hỏi "Bây giờ thịnh hành ca khúc nào", "một lần biểu diễn thù lao bao nhiêu", mà hỏi:

"Thanh nhạc chia làm mấy kiểu hát?".

Thế là Bành Lệ Viên cảm thấy có gì đó rất gần gũi. Tập Cận Bình lại hỏi:

"Xin lỗi, tôi ít xem TV, cô từng hát những ca khúc gì nhỉ?"

Lệ Viên trả lời:

"Từng hát bài 'Trên mảnh ruộng hy vọng'" .

Cận Bình nói:

"À, tôi nghe qua ca khúc này, rất hay".

Có lẽ chính câu nói này của Tập Cận Bình đã trúng ngay tiếng lòng của Lệ Viên, đến nỗi người bạn từ dưới nhà gọi lên bảo đi về, nhưng Lệ Viên vẫn không vội về. Lệ Viên không những chuyện trò với Tập Cận Bình rất lâu, hai người lại còn hẹn nhau lần sau nhất định phải gặp lại.

Bành Lệ Viện và con gái Tập Minh Trạch.

Bành Lệ Viên nói:

"Lúc bấy giờ trong lòng tôi không khỏi rung động, rằng đây không phải là anh ấy trong lòng mình hay sao? Vừa chất phác vừa có tư tưởng, về sau anh ấy nói với tôi rằng:

"Vừa gặp em không đầy 40 phút là anh đã nhận định rằng, em sẽ là vợ của anh".

Ngày 1 tháng 9 năm 1987, Bành Lệ Viên và Tập Cận Bình đã tổ chức lễ cưới đơn giản. Cưới nhau mới có mấy hôm là hai người mỗi đường mỗi phương, đôi vợ chồng trẻ đều có sự nghiệp riêng của mình, rất ít khi được ở bên nhau, nhưng hai người rất cảm thông và ủng hộ lẫn nhau. Hai vợ chồng cố gắng hết sức mình để quan tâm chăm sóc nhau.

Là nghệ sĩ quân đội nổi tiếng, bà Bành Lệ Viên thường phải gánh vác nhiệm vụ đi xuống các cơ sở biểu diễn, thậm chí thường phải đi các vùng sâu vùng xa rất gian khổ, nhiều khi phải đi những hai ba tháng mới về, do vậy mà Tập Cận Bình thường xuyên lo lắng cho người vợ trẻ của mình. Hễ điều kiện cho phép, cho dù khuya đến mấy, ngày nào Tập Cận Bình ít nhất cũng phải gọi một cuộc điện thoại cho vợ, hai người cùng hỏi han nhau mới yên tâm đi nghỉ, mấy chục năm qua cũng đều là như vậy.

Bà Bành Lệ Viên và ông Tập Cận Bình có một cô con gái rượu duy nhất, có tên mụ là Mộc Tử, còn tên chính thức là Tập Minh Trạch. Bành Lệ Viện nói, tên của con gái mình Tập Minh Trạch là do ông nội Tập Trọng Huân đặt cho với ý nguyện: "Chỉ mong cháu nó sau này làm một người trong trắng, làm một người có ích cho xã hội". Do cha mẹ đều là người kín đáo, Tập Minh Trạch rất ít khi xuất hiện trước đông đảo công chúng, Minh Trạch sinh hoạt và học tập như muôn vàn con cái của các gia đình bình thường khác.

Bà Bành Lệ Viên rất coi trọng sinh hoạt gia đình, bà từng nói thẳng rằng:

"Nếu bảo tôi vì sự nghiệp mà buông bỏ gia đình, không sinh con, thì tôi sẽ hết sức khó hiểu. Gia đình chính là ngọn núi để nương tựa, là bến bờ phẳng lặng của người phụ nữ. Gia đình nhà tôi cũng như muôn vàn các gia đình bình dân khác, là một gia đình rất bình thường, là một gia đình hạnh phúc".