Sai lầm khi ép nhân viên trở lại văn phòng làm việc: Không lợi ích, chỉ thêm phẫn nộ?

Dan Vergano 21:16 03/03/2025
Donald Trump cùng các công ty lớn đã yêu cầu người lao động chấm dứt hình thức làm việc từ xa. Nhưng bằng chứng cho thấy điều đó gây tổn hại cho cả người lao động và công việc.

"Quay lại cái ô làm việc của các anh các chị đi, lũ nhân viên xấc xược kia. Sếp muốn thấy các anh các chị lại vật lộn với tắc đường và uống thứ cà phê văn phòng để lâu. Tốt cho công việc làm ăn mà". Chỉ có điều, sự thật thì không phải vậy, và điều đó làm cho nỗi ám ảnh 'trở lại văn phòng' của một số lãnh đạo doanh nghiệp trở nên thật khó hiểu.

Vào tháng 1, Tổng thống Donald Trump đã tham gia trào lưu Fortune 500 khi yêu cầu người lao động tiếp tục đi làm. Trump đã ra lệnh cho các cơ quan liên bang "chấm dứt các thỏa thuận làm việc từ xa và yêu cầu nhân viên quay lại làm việc trực tiếp" ngay ngày đầu tiên ông trở lại với vị trí Tổng thống.

Mục tiêu của sắc lệnh hành pháp này là thúc đẩy việc từ chức từ lực lượng lao động liên bang, vốn bị chính quyền của ông chỉ trích và tìm cách cắt giảm. Elon Musk, ông chủ của U.S. DOGE Service, trước đó đã tiết lộ lý do trên tờ Wall Street Journal, dự đoán rằng việc yêu cầu nhân viên liên bang làm việc trực tiếp năm ngày một tuần sẽ dẫn đến một làn sóng tự nguyện thôi việc.

Tuy nhiên, đối với một số lãnh đạo doanh nghiệp, những người được cho là luôn quan tâm đến lợi nhuận, thì việc kêu gọi nhân viên quay trở lại văn phòng ở khắp mọi nơi, từ Amazon, IBM đến JP Morgan Chase, lại có phần khó hiểu: Một nghiên cứu điển hình năm 2024 cho thấy, các yêu cầu quay trở lại văn phòng tại Microsoft, SpaceX và Apple đã khiến những nhân viên tài năng nhất của họ ra đi để đến các công ty lớn hơn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, gây tổn hại đến sản lượng, năng suất, sự đổi mới và khả năng cạnh tranh của công ty.

Một nghiên cứu của Đại học Pittsburgh về các công ty thuộc S&P 500 vào năm ngoái cho thấy những yêu cầu này làm giảm sự hài lòng trong công việc của nhân viên mà không làm tăng giá trị hoặc hiệu suất của công ty. Một nghiên cứu của Cornell về các công ty thuộc Russell 3000 cho thấy các chính sách này thậm chí còn không làm tăng giá cổ phiếu, điều mà người ta có thể kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giám đốc điều hành cấp cao quan tâm đến quyền chọn cổ phiếu của họ hơn là điều hành công ty tốt.

Vậy, yêu cầu quay trở lại văn phòng khiến những người tài năng rời đi, làm giảm hiệu suất và không mang lại lợi ích gì cho giá trị của công ty. Tại sao lại làm vậy? Một số công việc thực sự phải làm trực tiếp, chẳng hạn như thợ sửa ống nước hoặc bác sĩ phẫu thuật (phần lớn là vậy). Nhưng, theo các nghiên cứu ban đầu, động lực lớn nhất đằng sau các yêu cầu quay trở lại làm việc là do các CEO cảm thấy cô đơn khi không có cấp dưới.

Một lời giải thích khác là các lệnh của ngành tư nhân có cùng mục tiêu với lệnh liên bang của Trump. Việc này đang khiến nhân viên nghỉ việc hàng loạt. Ví dụ, CEO của Amazon, Andy Jassy, đã viện dẫn mong muốn cắt giảm 15% số lượng quản lý trong chỉ thị quay trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian vào tháng 9. Tuy nhiên, vào tháng 11, ông đã phủ nhận động thái này là một "cuộc sa thải ngầm".

Được thôi. Một giả thuyết khác là do sự thiếu năng lực. Đó là những gì nghiên cứu của Đại học Pittsburgh gợi ý, phát hiện ra rằng các yêu cầu quay trở lại văn phòng xảy ra khi các nhà quản lý "đổ lỗi cho nhân viên như một vật tế thần cho hiệu suất kém của công ty." Nói cách khác, nhân viên bị buộc phải quay lại chỗ ngồi của mình để che đậy cho sự yếu kém của cấp trên, thậm chí phải trả giá bằng việc gây khó chịu cho nhân viên.

Không có gì ngạc nhiên khi họ khó chịu. Việc bắt buộc quay trở lại làm việc là một sự cắt giảm lương và lãng phí thời gian. Trung bình, người Mỹ đi làm bằng ô tô phải trả 2.043 đô la một năm cho xăng, bảo hiểm và bảo dưỡng. Thời gian đi lại trung bình mất gần 28 phút cả đi lẫn về mỗi ngày. Đối với 32% người lao động Mỹ làm việc 5 ngày một tuần, điều đó tương đương với khoảng 10 ngày thời gian cống hiến cho sếp của bạn mỗi năm. Không có gì ngạc nhiên khi những người làm việc từ xa cho biết họ hài lòng với công việc hơn.

Tuy nhiên, cảm giác lờ mờ trong tâm trí bạn rằng nhân viên phải "cống hiến" thời gian và tiền bạc này cho sếp, lại hé lộ lý do thực sự đằng sau các yêu cầu quay trở lại văn phòng. Rất nhiều việc mà nhân viên phải làm, như di chuyển đến công ty, họp hành hàng tuần, chấm công vào ra, đã lộ rõ là không cần thiết trong thời kỳ COVID. Một số người muốn giả vờ như điều đó chưa từng xảy ra.

"Nếu nhân viên liên bang không muốn đi làm, người đóng thuế ở Mỹ không nên trả tiền cho họ vì cái 'đặc quyền' được ở nhà thời COVID," Elon Musk và nhà quản lý quỹ đầu cơ Vivek Ramaswamy đã viết vào tháng 11, liên quan đến một lệnh quay trở lại làm việc của liên bang. "Đặc quyền" ở đây chính là việc không phải chết vì một căn bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được.

Trong thời kỳ COVID đó, vào tháng 6 năm 2020, tác giả đã phỏng vấn nhà nhân chủng học David Graeber, người viết cuốn sách Bullshit Jobs: A Theory (tạm dịch: Những Công Việc Vô Nghĩa: Một Lý Thuyết), vài tháng trước khi ông qua đời đột ngột. Cuốn sách của ông cho rằng nhiều công việc hiện đại là những công việc "vẽ vời", được tạo ra từ "chế độ phong kiến quản lý," nơi các ông chủ cần có tay chân xung quanh để cảm thấy quan trọng và thể hiện tầm quan trọng của mình với những ông chủ khác.

Graeber cảm thấy được minh oan bởi cuộc cách mạng trong đời sống công việc do COVID gây ra, vốn đã phơi bày một số công việc là "thiết yếu" – trong khi những công việc khác thì không. Ông kết luận, những người lao động không thiết yếu đó lẽ ra không bao giờ cần phải chen chúc trên đường cao tốc, hay ngồi trong các cuộc họp mà từng người một sẽ báo cáo với sếp trong khi những người khác nhìn đăm đăm vào khoảng không, suy ngẫm về những việc họ muốn làm hơn trong quãng thời gian ngắn ngủi được hít thở trên đời, hay còn gọi là cuộc sống văn phòng.

"Chế độ phong kiến quản lý" có lẽ rất phù hợp để mô tả phát hiện rằng "giá thuê văn phòng tại thành phố đặt trụ sở chính của công ty quyết định chính sách RTO (quay trở lại văn phòng)," được đưa ra trong một nghiên cứu năm 2024 do Sean Flynn thuộc Trường Kinh doanh SC Johnson, Đại học Cornell dẫn đầu. Nghiên cứu cho thấy, nếu giá thuê văn phòng rẻ, khả năng công ty đó chấm dứt làm việc từ xa sẽ cao hơn. Nói cách khác, quyết định này hoàn toàn là để lấp đầy bàn làm việc, thay vì tăng năng suất.

Tháng 9 năm ngoái, Jassy của Amazon đã thao thao về việc "được trang bị tốt hơn để sáng tạo, cộng tác và kết nối đủ với nhau và với văn hóa của chúng ta," khi ra lệnh quay trở lại văn phòng làm việc 5 ngày/tuần tại công ty. Theo Mark (Shuai) Ma thuộc Đại học Pittsburgh, những lời lẽ như vậy không có gì lạ từ các nhà quản lý, nhưng nghiên cứu của ông cho thấy mong muốn kiểm soát nhân viên tốt hơn là lời giải thích hợp lý hơn cho các yêu cầu này. Trong các cuộc khảo sát, một số nhà quản lý thậm chí còn thừa nhận động cơ thúc đẩy họ ra lệnh quay trở lại văn phòng là muốn được tận mắt giám sát nhân viên làm việc.

Bất chấp các yêu cầu từ các công ty lớn – và lệnh hành pháp của Trump – làm việc tại nhà ít nhất một phần thời gian đã trở thành một chuẩn mực mới trong đời sống Mỹ, với 25% người lao động làm việc hoàn toàn linh hoạt và 43% làm việc theo mô hình hybrid (kết hợp). Bằng cách nào đó, người lao động đã tìm ra điều gì là tốt nhất cho bản thân. Nhiều CEO có lẽ cũng đã nhận ra điều này, với chỉ 4% trong một cuộc khảo sát năm 2024 cho biết họ ưu tiên đưa nhân viên trở lại bàn làm việc 5 ngày một tuần.

Biên dịch: Như Ý