Tách Instagram thành công ty độc lập. Mua lại Snapchat. Xóa sạch danh sách bạn bè của người dùng Facebook. Tạo bảng tin chỉ toàn quảng cáo. Đây không phải là những viễn cảnh giả tưởng, mà là các ý tưởng từng được Mark Zuckerberg – CEO Meta nghiêm túc cân nhắc trong quá trình định hình đế chế mạng xã hội hàng đầu thế giới.
Những chia sẻ này được đưa ra trong phiên điều trần kéo dài tại tòa án liên bang ở Washington, DC trong tuần qua, nơi mà Meta đang đối mặt với Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) trong một vụ kiện chống độc quyền lịch sử. Nếu thất bại, Meta có thể buộc phải bán lại hai trong số các nền tảng lớn nhất của mình: Instagram và WhatsApp.

FTC muốn gì từ Meta?
FTC cáo buộc Meta từng có hành vi thâu tóm các đối thủ tiềm năng để triệt tiêu cạnh tranh và củng cố vị thế độc quyền trên thị trường mạng xã hội. Cụ thể, cơ quan này cho rằng Meta đã chủ động mua lại Instagram và WhatsApp từ những năm 2010 khi nhận thấy hai nền tảng này có thể trở thành mối đe dọa thực sự.
FTC định nghĩa phạm vi mà Meta đang chi phối là "dịch vụ mạng xã hội cá nhân" – tức là những nền tảng tập trung vào việc kết nối bạn bè, gia đình như Facebook, Snapchat hay MeWe, nhưng không bao gồm những dịch vụ chuyên nghiệp như LinkedIn hay các nền tảng giải trí như TikTok.
Tuy nhiên, Meta không đồng ý với cách định nghĩa đó. Họ cho rằng đây chỉ là một cách tự ý đặt ra định nghĩa để phục vụ cho việc kiện cáo họ. Trong phiên điều trần, Zuckerberg nhiều lần thể hiện quan điểm rằng thị trường mạng xã hội hiện nay rất rộng và linh hoạt, với các đối thủ cạnh tranh chính là TikTok, YouTube và cả iMessage – những nền tảng không bị FTC đưa vào phạm vi xem xét.

Tiết lộ những ý tưởng gây sốc
Phiên tòa cũng trở thành nơi hé lộ nhiều chiến lược từng được Zuckerberg và các lãnh đạo cấp cao tại Meta thảo luận, bao gồm cả những ý tưởng chưa từng được công bố ra bên ngoài.
Chẳng hạn, vào cuối năm 2013, Meta từng đề nghị mua lại Snapchat với giá 6 tỷ USD – một thương vụ cuối cùng bị từ chối bởi CEO Evan Spiegel. Zuckerberg cho rằng, nếu thành công, Snapchat có thể đã phát triển mạnh mẽ hơn nhiều dưới sự điều hành của Meta.
Điều đáng nói là vào năm 2022, trong một nỗ lực nhằm "làm mới" trải nghiệm người dùng, Zuckerberg từng đưa ra một ý tưởng táo bạo: xóa toàn bộ danh sách bạn bè trên Facebook. Mục đích là để người dùng có lại cảm giác thú vị như những ngày đầu tham gia mạng xã hội. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông thậm chí còn cân nhắc đến việc chủ động tách Instagram thành một công ty độc lập – một động thái mà hiện tại ông đang cố gắng hết sức để tránh bị buộc phải thực hiện.
FTC còn đưa ra lập luận rằng Meta có thể tự do tăng số lượng quảng cáo hiển thị vì người dùng không có lựa chọn thay thế đáng kể. Đáp lại, Zuckerberg cho biết công ty từng cân nhắc tạo ra một bảng tin chỉ toàn quảng cáo – bởi dữ liệu nội bộ cho thấy người dùng không cảm thấy khó chịu mà ngược lại, họ thậm chí còn hứng thú với những nội dung quảng cáo hấp dẫn.

Tài liệu nội bộ hé lộ chiến lược dài hạn
Phiên điều trần cũng công bố nhiều đoạn tin nhắn nội bộ và ghi chú chiến lược giữa Zuckerberg với các lãnh đạo cấp cao tại Meta. Các tài liệu cho thấy Zuckerberg từng bày tỏ lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng của Instagram đang vượt Facebook, và rằng WhatsApp, dù ban đầu chỉ là một nền tảng nhắn tin - cũng có tiềm năng trở thành mạng xã hội và đe dọa vị thế của Meta.
Tuy nhiên, tại tòa, Zuckerberg bảo vệ các thương vụ mua lại này, khẳng định rằng nếu không có Meta, cả Instagram và WhatsApp có thể đã không đạt được quy mô và sức ảnh hưởng như hiện tại.
Hiện Zuckerberg đã dành tổng cộng khoảng 9 tiếng để làm chứng, và dự kiến sẽ tiếp tục điều trần vào thứ Tư. Sau đó, bà Sheryl Sandberg – cựu Giám đốc vận hành của Meta cũng sẽ ra tòa.
Vụ kiện được xem là bước đi quyết liệt nhất từ trước đến nay của FTC nhằm kiểm soát sức mạnh của các "ông lớn công nghệ", và kết quả của nó có thể tạo tiền lệ quan trọng cho các vụ kiện chống độc quyền trong tương lai.
Lauren Feiner la phóng viên cấp cao tại The Verge. Bài viết được đăng trên The Verge vào ngày 16/04/2025.
The Verge là một trang tin tức điện tử của Mỹ, chuyên đưa tin về công nghệ, khoa học, văn hóa số, thiết bị điện tử tiêu dùng và các xu hướng tương lai. Được thành lập vào năm 2011 bởi một nhóm phóng viên công nghệ kỳ cựu, The Verge hiện thuộc sở hữu của Vox Media.
Biên dịch: Thu Hoài