Một nhóm nhà khoa học may mắn đã có cơ hội khám phá một thế giới hoàn toàn mới dưới lớp băng Nam Cực, sau khi một phần thềm băng bất ngờ vỡ ra, để lộ đáy biển và một hệ sinh thái chưa từng được nhìn thấy, nằm sâu hàng trăm mét dưới mặt nước.
Nhóm nghiên cứu từ Viện Đại dương Schmidt đã có mặt trên tàu nghiên cứu "R/V Falkor (too)" vào tháng 1/2025 khi một khối băng khổng lồ, rộng bằng thành phố Chicago, tách ra từ thềm băng George VI, cách đó 57 dặm.
“Chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội tiếp cận nhanh như lần này,” Tiến sĩ Jyotika Virmani, Giám đốc điều hành của Viện Đại dương Schmidt, chia sẻ với chương trình CBS Saturday Morning. Viện này là tổ chức từ thiện chuyên tài trợ cho các dự án khám phá và nghiên cứu đại dương. Tiến sĩ Patricia Esquete, trưởng nhóm khoa học trên tàu, cho biết cả đoàn ngay lập tức quyết định lên đường.

“Chúng tôi đã thốt lên: ‘Trời ơi, chuyện này thật sự đang xảy ra sao?’” Esquete nhớ lại. “Ai cũng đồng ý rằng nhất định phải đến đó ngay.”
Chỉ sau một ngày, con tàu đã đến nơi. Họ thả một robot lặn xuống hơn 1.000 mét để quay phim và truyền hình trực tiếp cho các nhà khoa học quan sát. Ngay khi bắt đầu, họ đã thấy những cảnh tượng kỳ diệu chưa từng ai được nhìn thấy. “Thứ đầu tiên hiện ra là một con bọt biển khổng lồ với một con cua bám trên đó,” Esquete kể. “Chỉ vậy thôi đã khiến chúng tôi kinh ngạc, vì câu hỏi lớn nhất trước đó là: ‘Liệu ở dưới đó có sự sống hay không?’”
Bọt biển phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ lớn thêm chưa tới 2 cm. Để đạt được kích thước khổng lồ như vậy, hệ sinh thái này chắc chắn đã tồn tại và phát triển ổn định trong một khoảng thời gian rất dài — có thể hàng thế kỷ.

Trong suốt 8 ngày thám hiểm bằng robot, nhóm nghiên cứu còn phát hiện thêm những rạn san hô lớn, nhiều loài bọt biển và các sinh vật kỳ lạ như cá băng, nhện biển khổng lồ và bạch tuộc.
Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục tìm hiểu xem hệ sinh thái bí ẩn này lấy năng lượng từ đâu để tồn tại. Virmani cho rằng các dòng chảy dưới đáy biển có thể đã mang dinh dưỡng tới vùng này.
Từ đầu năm đến nay, các nhà khoa học đã xác nhận ít nhất 6 loài mới được tìm thấy. Và còn rất nhiều mẫu vật khác vẫn đang được phân tích. Viện Đại dương Schmidt cũng công khai toàn bộ dữ liệu, hình ảnh và video để các nhà khoa học trên thế giới cùng tham khảo và nghiên cứu.
Hành trình khám phá này vẫn chưa kết thúc. Nhóm nghiên cứu dự định quay lại khu vực này vào năm 2028 để tiếp tục tìm hiểu.
“Nam Cực đang thay đổi rất nhanh,” Esquete nói. “Muốn hiểu được điều gì đang xảy ra và sẽ xảy ra trong tương lai, chúng tôi cần quay lại, tiếp tục nghiên cứu và khám phá những bí mật còn ẩn giấu dưới lớp băng kia.”
HKerry Breen là một nhà báo và biên tập viên hiện đang làm việc tại CBS News. Bài viết được đăng trên CBS vào ngày 22/03/2025.
CBS News là một trong những mạng lưới tin tức hàng đầu của Mỹ, trực thuộc tập đoàn truyền thông CBS (Columbia Broadcasting System). Được thành lập từ năm 1927 với tên gọi ban đầu là CBS Radio và chuyển sang truyền hình từ năm 1948, CBS News đã trở thành biểu tượng uy tín trong ngành báo chí Mỹ và quốc tế.
Biên dịch: Thu Hoài