Tại Anh, cứ bốn người trẻ thì có một người đã cân nhắc rời bỏ công việc trong năm qua, với lý do phổ biến nhất là sức khỏe tinh thần.
Dữ liệu mới từ PwC còn tiết lộ thêm rằng 10% tổng số người lao động đã chủ động cân nhắc việc nghỉ việc trong một thời gian dài.
Cuộc khảo sát trên hơn 4.000 nhân viên từ 300 công ty tại Vương quốc Anh cho thấy rằng 20% người lao động ở mọi lứa tuổi đã cân nhắc nghỉ việc trong năm qua.
Người trẻ dưới 35 tuổi có nhiều khả năng nghỉ việc vì lý do sức khỏe tâm thần hơn so với những người lao động lớn tuổi.
Số người không tham gia hoạt động kinh tế (không tìm việc hoặc không thể làm việc) đã chạm mức cao kỷ lục 9,4 triệu người vào năm ngoái, chiếm khoảng 22% lực lượng lao động.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết, số lượng việc làm còn trống tiếp tục giảm, ít hơn 9.000 vị trí so với trước, xuống còn 819.000 trong ba tháng đầu năm (tính đến tháng 1).

Tỷ lệ thất nghiệp ở Anh giữ nguyên ở mức 4,4% trong ba tháng cuối năm 2023 (tính đến tháng 12), dù ONS lưu ý rằng con số này cần được xem xét cẩn trọng do những thay đổi trong cách khảo sát việc làm.
Một khảo sát của PwC cho thấy, cứ 10 nhà tuyển dụng thì có đến 9 người lo ngại về tình trạng người lao động không tham gia thị trường, và hơn một nửa số này nhận thấy ngày càng có nhiều nhân viên nghỉ việc.
Marco Amitrano, đối tác cấp cao tại PwC Anh, nhận định các doanh nghiệp đang "lo ngại một cách dễ hiểu" về tác động của tình trạng người lao động rời bỏ thị trường lên năng suất và kết quả kinh doanh.
Ông nhấn mạnh: "Hiện tại, người ta bàn nhiều về việc làm sao để kéo những người đã rời khỏi thị trường lao động quay lại, nhưng ngăn chặn làn sóng người lao động rời đi ngay từ đầu cũng quan trọng không kém."
"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, con đường từ có việc làm sang thất nghiệp không phải là không thể đảo ngược."
"Với 54% doanh nghiệp đang cân nhắc hỗ trợ thêm để ngăn chặn tình trạng này, việc định hướng hỗ trợ một cách hiệu quả là vô cùng quan trọng. Các biện pháp phòng ngừa tình trạng người lao động rời bỏ thị trường cần phải là một phần trong chiến lược phát triển của Vương quốc Anh."
Hơn một nửa số doanh nghiệp lo lắng về việc tuyển dụng người từng không có việc làm, và hơn ⅓ cho rằng những người này có thể đang "trục lợi" hệ thống.
Trong số những người không có việc làm được khảo sát, 43% muốn quay lại làm việc, dù là toàn thời gian hay bán thời gian, trong khi 31% thì không.
Kể từ năm 2019, số người ở Anh và xứ Wales nhận trợ cấp ốm đau hoặc khuyết tật đã tăng đáng kể, từ 2,8 triệu lên khoảng 4 triệu người.
Chi phí trợ cấp theo đó cũng tăng lên, chạm mức 48 tỷ bảng Anh trong năm tài chính 2023-24.
Con số này được dự đoán sẽ còn tăng mạnh, lên tới 67 tỷ bảng Anh vào năm tài chính 2029-30.
Katie Johnston, lãnh đạo phụ trách chính quyền địa phương và chuyển giao của PwC, nhấn mạnh rằng việc đưa người dân trở lại làm việc đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và chính quyền các cấp.
"Để thực sự giảm tình trạng thiếu hụt lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như mục tiêu của Chính phủ, chúng ta cần hành động đồng bộ, không chỉ giúp người dân có việc làm trở lại mà quan trọng hơn là phải ngăn chặn làn sóng người lao động rời bỏ thị trường," bà nói.
Đáng chú ý, gần 60% số người không tham gia hoạt động kinh tế cho biết các công ty có thể đã làm nhiều hơn để giữ chân họ, trong khi một bộ phận không nhỏ không hề tìm kiếm sự hỗ trợ từ bất kỳ ai.
Jessica Coates là biên tập viên của The Independent. Bài viết được đăng trên The Independent vào ngày 17/3/2025.
The Independent là một trong những nhật báo quốc gia trẻ nhất của Anh. Được thành lập vào năm 1986, The Independent nổi tiếng với những bài báo chuyên sâu, điều tra, phân tích về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, và công nghệ, cả trong nước và quốc tế. The Independent có lượng độc giả lớn và có tầm ảnh hưởng đáng kể trong dư luận Anh và quốc tế.
Biên dịch: Như Ý