Bí ẩn ngôi mộ cổ 2.200 năm: "Công chúa đỏ của Con đường tơ lụa" và chất độc trong răng

Soumya Sagar 07:14 16/03/2025
Các nhà khảo cổ học ở Trung Quốc vừa phát hiện một ngôi mộ đặc biệt của một người phụ nữ, trong đó răng của cô được tô vẽ bằng cinnabar - một chất đỏ độc hại chứa thủy ngân.

Trong một phát hiện đặc biệt chưa từng có, các nhà khảo cổ học ở Trung Quốc đã khai quật ngôi mộ 2.200 năm tuổi của một người phụ nữ, trong đó răng của cô ấy được tô vẽ bằng cinnabar - một chất độc có màu đỏ.

Cinnabar là một khoáng chất đỏ sáng, được hình thành từ thủy ngân và lưu huỳnh. Mặc dù đã được sử dụng từ ít nhất thiên niên kỷ thứ 9 TCN trong các nghi lễ tôn giáo, nghệ thuật, vẽ cơ thể và viết chữ, đây là lần đầu tiên chất này được tìm thấy trên răng người, theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 24 tháng 2 trên tạp chí Archaeological and Anthropological Sciences.

"Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất được biết đến về việc sử dụng cinnabar để nhuộm răng trong lịch sử cổ đại và trên toàn thế giới," giáo sư Qian Wang, tác giả chính của nghiên cứu, một chuyên gia về khoa học sinh học y tế tại Đại học Y khoa Texas A&M, chia sẻ trong một email với Live Science.

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện những di tích đặc biệt khi khai quật một nghĩa trang tại thành phố Turpan, thuộc khu vực Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc. Dựa trên các hiện vật văn hóa tìm thấy trong các ngôi mộ, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người đã khuất là người Gushi, theo nền văn hóa Subeixi. Văn hóa này nổi bật với nghề cưỡi ngựa và chăn nuôi du mục, trong đó phụ nữ cưỡi ngựa sử dụng yên, phát triển mạnh mẽ tại lưu vực Turpan cách đây gần 3.000 năm.

Nghĩa trang nằm trên tuyến đường chính của Con đường tơ lụa, và các nhà khảo cổ đã xác định niên đại của khu di tích từ 2.200 đến 2.050 năm trước thông qua phương pháp xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ. Đây là thời kỳ Con đường tơ lụa hoạt động mạnh mẽ, với giao thương các hàng hóa quý giá, trong đó có cinnabar. Một ngôi mộ trong nghĩa trang chứa di cốt của bốn người, bao gồm cả một trẻ em.

Tuy nhiên, một bộ xương người trưởng thành trong ngôi mộ này lại gây chú ý đặc biệt vì răng của người này có dấu vết của sắc tố đỏ. Phân tích giải phẫu cho thấy người này là nữ và đã qua đời trong độ tuổi từ 20 đến 25. Hứng thú với phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã cạo một mẫu sắc tố đỏ và sử dụng ba phương pháp quang phổ khác nhau để phân tích, giúp họ xác định thành phần hóa học trong mẫu vật.

Phân tích cho thấy sắc tố đỏ trên răng của người phụ nữ là cinnabar, được pha trộn với một loại protein động vật, có thể là lòng đỏ hoặc lòng trắng trứng, giúp vẽ lên răng.

Nhóm nghiên cứu đã đặt biệt danh cho người phụ nữ này là "Công chúa đỏ của Con đường tơ lụa", lấy cảm hứng từ "Nữ hoàng đỏ", một nữ quý tộc Maya từ thế kỷ thứ 7 ở Mexico, nơi thi thể của bà được tìm thấy phủ đầy bột cinnabar trong một quan tài đá vôi.

Răng của "Công chúa đỏ" là một phát hiện hiếm hoi, vì khu vực Tân Cương không phải là nơi có cinnabar tự nhiên. Tuy nhiên, cinnabar đã được khai thác và trao đổi rộng rãi trên Con đường tơ lụa từ thời cổ đại. Theo nghiên cứu, Trung Quốc và Châu Âu, hai điểm đầu và cuối của Con đường tơ lụa, là những khu vực sản xuất cinnabar quan trọng nhất. Vì vậy, có khả năng cinnabar trong ngôi mộ này có nguồn gốc từ Châu Âu, Tây Á hoặc các khu vực khác trong Trung Quốc, chẳng hạn như Tây Nam, nơi cinnabar từng được khai thác.

Mặc dù không rõ lý do vì sao người phụ nữ này lại tô vẽ răng mình bằng cinnabar, Wang cho biết rằng điều này có thể "liên quan đến mục đích làm đẹp, thể hiện địa vị xã hội, hoặc là một phần của nghi lễ tôn giáo". Ông cũng chỉ ra rằng các xác ướp với hình vẽ và hình xăm trên mặt đã được tìm thấy trong khu vực và ngay cả trong nghĩa trang mới khai quật này, cho thấy Công chúa đỏ có thể cũng có các hình vẽ mặt, hình xăm, kiểu tóc và trang phục đặc biệt đi kèm với răng đỏ của bà.

Li Sun, đồng tác giả nghiên cứu và giáo sư địa chất tại Collin College ở Texas, đã nhấn mạnh mối nguy hiểm của việc sử dụng cinnabar. Bà chỉ ra rằng trong suốt quá trình sử dụng, từ việc chuẩn bị sắc tố đỏ đến việc áp dụng vào răng (có thể là nhiều lần), người phụ nữ và những người giúp đỡ có thể đã hít phải các hạt cinnabar mịn hoặc hơi thủy ngân, gây ra những tác động nguy hại đến thần kinh như đau đầu, mất ngủ, run rẩy và rối loạn nhận thức, vận động, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Điều đáng ngạc nhiên là, mặc dù có dấu hiệu rõ ràng rằng cinnabar đã được sử dụng nhiều lần trong suốt cuộc đời người phụ nữ, Wang và nhóm nghiên cứu không tìm thấy dấu vết ngộ độc thủy ngân trong xương của bà. "Không có dấu vết thủy ngân nào được phát hiện trong hàm dưới, xương sườn và xương đùi của bà," Wang chia sẻ. "Có lẽ nó không tồn tại trên răng đủ lâu để chất độc có thể tập trung đến mức có thể phát hiện được."

Soumya Sagar là cộng tác viên của Live Science. Bài đăng trên Live Science ngày 12/03/2025.

Live Science là một trong những trang web khoa học phổ thông hàng đầu và uy tín nhất hiện nay, cung cấp thông tin về những phát hiện mới, nghiên cứu đột phá và những tiến bộ thú vị có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của bạn và thế giới xung quanh.

Biên dịch: Hà Linh