4 "chìa khóa vàng" của nền kinh tế Trung Quốc: Tương lai nào cho các công ty đa quốc gia trong cuộc chơi này? (2)

Mitch Presnick, James B. Estes 13:08 14/03/2025
Hệ thống "chủ nghĩa tư bản nhà nước" lai của Trung Quốc, được thúc đẩy bởi kế hoạch hóa tập trung và cạnh tranh khốc liệt, đã dẫn đến sự thống trị trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng và các thị trường mới nổi. Các tập đoàn đa quốc gia phương Tây được khuyến cáo áp dụng một phương pháp thực tế để tận dụng bốn điểm mạnh chính của nền kinh tế Trung Quốc: hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đầu tư vào các quốc gia ở Nam bán cầu, các thị trường siêu cạnh tranh và cơ sở người tiêu dùng rộng lớn.

Các thị trường siêu cạnh tranh của Trung Quốc

Những công ty có thể trụ được sau những cuộc đấu tranh khốc liệt trong các thị trường Trung Quốc — được ví như "Đấu trường của các chiến binh" — thường vươn lên trở thành những "nhà vô địch toàn cầu". Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua những cái tên như CATL (pin), BYD (pin và xe điện), Tongwei (năng lượng mặt trời), Goldwind (năng lượng gió) hay Huawei (công nghệ thông tin và truyền thông).

Khi Bắc Kinh quyết định phát triển một ngành công nghiệp mới, chính quyền khu vực lập tức đua nhau cung cấp các khoản trợ cấp và chương trình hỗ trợ khác. Hàng trăm công ty nhảy vào thị trường. Điều này đòi hỏi một tư duy "khởi nghiệp tinh gọn" và những vòng cải tiến sản phẩm nhanh chóng, trong đó các công ty tận dụng dữ liệu từ thử nghiệm thực tế để vượt lên trước đối thủ. Mặc dù đây là một quá trình tốn kém, nhưng cũng cực kỳ hiệu quả.

Tesla là một minh chứng rõ ràng. Elon Musk gia nhập cuộc cạnh tranh khốc liệt này khi Tesla bắt đầu bán xe tại Trung Quốc vào năm 2014. Thực tế, Bắc Kinh đã khuyến khích sự xuất hiện của Tesla nhằm kích thích một cuộc cạnh tranh đầy thử thách. Khi Tesla mở rộng sản xuất, các nhà sản xuất trong nước như NIO, Xpeng và BYD nhanh chóng gia nhập cuộc chơi, sản xuất xe điện chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, thách thức vị thế của Tesla.

Sau sáu năm, khoảng 500 công ty xe điện Trung Quốc đã ra đời, nhưng chỉ còn 100 công ty đứng vững vào năm 2023. Trong số này, BYD đã vượt qua Tesla, trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới về tổng số xe bán ra trong năm 2023.

Ban đầu, chiến lược định giá cao của Tesla khiến họ mất thị phần khi người tiêu dùng nhạy cảm với giá chọn những lựa chọn giá rẻ hơn. Để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, Tesla đã tận dụng cơ hội trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc để giảm chi phí các bộ phận xe. Tesla đã giảm giá bốn lần trong năm 2023. Quan trọng hơn, cấu trúc chi phí giảm đã giúp mẫu xe Model Y trở thành chiếc xe bán chạy nhất thế giới trong năm 2023.

Các nhà sản xuất ô tô Đức cũng đang trên hành trình tương tự tại Trung Quốc. Mercedes và các hãng ô tô Đức khác, những người trước đây chia sẻ kiến thức về động cơ đốt trong với các đối tác Trung Quốc, giờ đây đang học hỏi từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, đảo ngược mối quan hệ thầy trò. Vào tháng 10 năm 2023, Audi và FAW, một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, đã công bố một dự án chung xây dựng nhà máy sản xuất xe năng lượng mới trị giá 4,87 tỷ USD tại Changchun, Trung Quốc.

Vào tháng 4 năm 2024, BMW đã đầu tư 2,76 tỷ USD để nâng cấp nhà máy Thẩm Dương nhằm sản xuất dòng xe điện Neue Klasse bắt đầu từ năm 2026. Đáp lại khoản đầu tư khổng lồ của Mercedes vào xe điện tại Trung Quốc, Ola Kaellenius, Chủ tịch hội đồng quản trị của Mercedes, đã phát biểu với Reuters: "Bạn phải có mặt ở đây và bạn phải là một phần của chu kỳ đổi mới đó."

1.4 tỷ người tiêu dùng của Trung Quốc

Dù có nhiều cuộc tranh luận về việc các công ty "giảm rủi ro" và "tách rời" khỏi Trung Quốc, nhưng quốc gia này vẫn mang đến một thị trường có quy mô không đối thủ và một nhóm người tiêu dùng tinh tế, luôn thúc đẩy các công ty cải tiến không ngừng.

Với gần 17% GDP toàn cầu — tương đương với sản lượng kinh tế của Liên minh Châu Âu — sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng đến thương mại toàn cầu. Nếu GDP của Trung Quốc tiếp tục đạt mục tiêu tăng trưởng 5% — một mức mà Trung Quốc đã đạt được trong năm 2023 — thì sự tăng trưởng này trong thập kỷ này sẽ tương đương với tổng GDP năm 2021 của ba quốc gia: Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản. Hơn nữa, Trung Quốc đã chiếm từ 25% đến 40% doanh thu toàn cầu trong các ngành công nghiệp then chốt như ô tô, hàng xa xỉ và thiết bị công nghiệp.

Với một cơ sở người tiêu dùng rộng lớn và am hiểu công nghệ, được hỗ trợ bởi tầng lớp trung lưu đang phát triển và thu nhập khả dụng ngày càng tăng, Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, từ các xe điện trang bị công nghệ cao đến những món hàng xa xỉ mới nhất. Một báo cáo từ Bain chỉ ra rằng Trung Quốc có thể chiếm tới 40% tổng chi tiêu toàn cầu cho hàng xa xỉ vào năm 2030.

Vào năm 2022, thị trường thương mại điện tử hàng xa xỉ của Trung Quốc đã đạt giá trị khoảng 74 tỷ USD. Trước đại dịch Covid-19, khi việc du lịch quốc tế và chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc bị hạn chế, du khách từ Trung Quốc đã chiếm 40% tổng chi tiêu trong thị trường hàng xa xỉ trị giá 89 tỷ euro của châu Âu vào năm 2019.

Những rủi ro khi không có mặt tại Trung Quốc

Amazon gia nhập thị trường Trung Quốc vào năm 2004 bằng việc mua lại Joyo.com, một nhà bán lẻ trực tuyến, với giá 75 triệu USD. Đến năm 2011, Amazon đã chiếm được 15% thị phần trong ngành thương mại điện tử của Trung Quốc.

Trong khi đó, hai đối thủ lớn nhất của Amazon tại Trung Quốc lúc bấy giờ, Alibaba và JD.com, đã nhanh chóng phát triển các mạng lưới vận chuyển rộng khắp, cho phép giao hàng gần như ngay lập tức và xây dựng quan hệ trực tiếp với các nhà cung cấp địa phương để cung cấp mức giá thấp nhất có thể, thì Amazon lại có những bước điều chỉnh khá chậm. Đến năm 2019, với thị phần chưa đầy 1%, Amazon buộc phải đóng cửa hoạt động thương mại điện tử tại Trung Quốc.

Trong khi đó, thị trường thương mại điện tử Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ và đầy biến động. Pinduoduo (PDD) với chiến lược "hàng siêu rẻ trực tiếp từ cổng nhà máy" đã trở thành một lực lượng đột phá, thách thức cả Alibaba và JD. Sau khi xây dựng được quy mô và chiến lược vững chắc tại Trung Quốc, PDD đã mạnh mẽ mở rộng mô hình thương mại điện tử sáng tạo Temu vào thị trường Mỹ.

Temu gia nhập Mỹ vào tháng 9 năm 2022 và chỉ trong chưa đầy 12 tháng đã đạt được hơn 90 triệu lượt truy cập hàng tháng, vượt qua con số 221 triệu lượt truy cập hàng tháng mà Amazon phải mất gần ba thập kỷ mới đạt được. Đến tháng 10 năm 2023, ứng dụng Temu đã có gần 235 triệu lượt tải, vượt qua cả ứng dụng Amazon Shopping. Việc Amazon rút lui khỏi Trung Quốc đã khiến công ty này dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa cạnh tranh, cả ở thị trường quốc tế lẫn nội địa.

Đây là thời điểm các công ty đa quốc gia cần thay đổi cách nghĩ. Các công ty như Tesla, Cummins, Invenergy và Ford đã sớm nhận ra rằng Trung Quốc, dù phải đối mặt với những thách thức kinh tế vĩ mô, vẫn sở hữu những điểm mạnh không thể bỏ qua. Họ đã điều chỉnh chiến lược để tận dụng các cơ hội mà thị trường Trung Quốc mang lại. Những công ty đa quốc gia không chịu hiểu và không đi theo con đường này sẽ có nguy cơ để mất doanh thu toàn cầu và cơ hội chiến lược vào tay các đối thủ Trung Quốc.

Mitch Presnick và James B. EstesHarvard là các biên tập viên tại Harvard Business Review. Bài viết được đăng tải trên Harvard Business Review ngày 26/08/2024.

Harvard Business Review là tạp chí hàng tháng dành cho các chuyên gia và những người hành nghề trong lĩnh vực kinh doanh. Nội dung của tạp chí được xây dựng từ những nghiên cứu sâu sắc của các chuyên gia và học giả nổi bật như Clayton M. Christensen, Peter F. Drucker và nhiều tên tuổi khác trong ngành.

Biên dịch: Hà Linh