4 "chìa khóa vàng" của nền kinh tế Trung Quốc: Tương lai nào cho các công ty đa quốc gia trong cuộc chơi này? (1)

Mitch Presnick, James B. Estes 14:54 13/03/2025
Hệ thống "chủ nghĩa tư bản nhà nước" của Trung Quốc, với kế hoạch tập trung và cạnh tranh mạnh mẽ, đã giúp nước này dẫn đầu trong các công nghệ quan trọng và thị trường mới nổi. Các công ty đa quốc gia phương Tây cần tận dụng bốn điểm mạnh của nền kinh tế Trung Quốc: hệ sinh thái đổi mới, đầu tư vào Nam bán cầu, thị trường cạnh tranh và cơ sở người tiêu dùng lớn.

Năm 1978, Đặng Tiểu Bình khởi xướng chính sách "Cải cách và Mở cửa" nhằm tận dụng công nghệ và tri thức phương Tây để thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc. Đây là một quyết định mang tính rủi ro về mặt chính trị: những người bảo thủ trong Đảng Cộng sản không đồng tình với giả định về sự lạc hậu kinh tế của Trung Quốc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng như sự vượt trội của phương Tây tư bản. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình nhận ra rằng để hiện đại hóa đất nước, Trung Quốc cần một sự kết hợp giữa thực dụng và khiêm tốn.

Ngày nay, tình thế đã thay đổi. Dù vẫn còn quá sớm để xác định liệu hệ thống "chủ nghĩa tư bản nhà nước" của Trung Quốc có thể vượt qua các mô hình phương Tây hay không, nhưng không thể phủ nhận rằng nó có những ưu điểm rõ rệt. Trung Quốc đang dẫn đầu trong 53/64 lĩnh vực công nghệ quan trọng, theo Viện Chính sách Chiến lược Úc.

Thành công này được xây dựng từ việc kế hoạch hóa và kiểm soát tập trung, nhưng cũng được thúc đẩy bởi một cuộc cạnh tranh tàn khốc, tạo ra những "người chiến thắng toàn cầu" có thể cạnh tranh về giá trị và chất lượng ở cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi. Không quốc gia nào có thể so sánh với quy mô thị trường hay sự đam mê của người tiêu dùng Trung Quốc đối với công nghệ tiên tiến.

Các lãnh đạo công ty đa quốc gia cần học hỏi từ sự thực dụng và khiêm tốn của Đặng Tiểu Bình để đạt được thành công tại Trung Quốc hiện nay. Những ai nắm bắt được cơ hội từ bốn điểm mạnh của nền kinh tế Trung Quốc sẽ chứng kiến sự tăng trưởng lợi nhuận toàn cầu và có lợi thế cạnh tranh tại thị trường nội địa.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Trung Quốc

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Trung Quốc kết hợp một cách độc đáo giữa sự chỉ đạo từ trên xuống của chính phủ và ngành công nghiệp với sự sáng tạo và năng động từ dưới lên của các doanh nhân Trung Quốc. Các công ty khởi nghiệp phù hợp với các ngành công nghiệp trọng điểm mà chính phủ lựa chọn có thể phát triển mạnh mẽ nhờ các chính sách ưu đãi, quy định hỗ trợ và đầu tư tập trung vào nghiên cứu khoa học.

Với phương châm "toàn quốc cùng đổi mới", Trung Quốc huy động nguồn lực vô cùng lớn từ nhà nước. Từ năm 1995 đến 2021, tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc đã tăng vọt từ 18,2 tỷ USD lên 620,1 tỷ USD, tăng 3.299% so với mức tăng 277% của Mỹ, theo Viện Rathenau của Hà Lan.

Trung Quốc giờ đây đã trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về nghiên cứu khoa học tiên tiến. Theo The Economist, các nhà khoa học Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về số lượng các công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn và đóng góp vào các tạp chí khoa học danh tiếng qua các cuộc duyệt xét nghiêm ngặt.

Không có lĩnh vực nào phản ánh rõ nét sức mạnh công nghệ của Trung Quốc hơn ngành công nghệ sạch. Trung Quốc hiện chiếm hơn 80% công suất sản xuất toàn cầu trong 11 công nghệ chủ chốt, bao gồm tấm pin năng lượng mặt trời và các thành phần của pin lithium-ion. Hơn nữa, Trung Quốc chiếm ưu thế vượt trội trong chuỗi cung ứng đất hiếm, với 70% khai thác quặng đất hiếm toàn cầu và 90% chế biến quặng đất hiếm.

Cũng giống như các công ty Trung Quốc từng hưởng lợi từ hàng thập kỷ đầu tư của phương Tây vào các ngành công nghiệp truyền thống như ô tô và hóa chất, các công ty Mỹ và châu Âu hiện nay có cơ hội tận dụng những khoản chi tiêu khổng lồ của Trung Quốc vào công nghệ sạch.

Trong ngành năng lượng mặt trời, các công ty phương Tây gần như không có cơ hội cạnh tranh. Đầu tư của Trung Quốc vào sản xuất tấm pin mặt trời quy mô lớn trong hai thập kỷ qua đã giúp giảm giá 85% từ năm 2010 đến 2020, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ và mang lại lợi ích rõ rệt cho khí hậu.

Invenergy, nhà phát triển năng lượng tái tạo độc lập lớn nhất của Mỹ, đã nhanh chóng tận dụng cơ hội từ đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng mặt trời. Năm nay, công ty đã mở nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất tại Mỹ thông qua công ty con mới thành lập, Illuminate USA, với sự hợp tác 51/49 với LONGi Green Energy Technology, công ty năng lượng mặt trời hàng đầu của Trung Quốc.

Theo thỏa thuận, Invenergy đã tiếp nhận công nghệ năng lượng mặt trời tiên tiến của LONGi. Nhà máy tại Ohio dự kiến sẽ sản xuất 5 GW tấm pin mặt trời mỗi năm và tạo ra hơn 1.000 việc làm mới. Tính đến cuối năm 2022, Mỹ chỉ có 8 GW công suất sản xuất tấm pin mỗi năm, trong khi cần lắp đặt hơn 60 GW mỗi năm vào giữa thập kỷ để đạt được mục tiêu khí hậu của mình.

Sự hợp tác với LONGi giúp Invenergy tận dụng quy mô, công nghệ tiên tiến và lợi thế chuỗi cung ứng của LONGi, góp phần đạt mục tiêu này và duy trì tính cạnh tranh bền vững tại thị trường Mỹ.

Ford, một công ty Mỹ khác, cũng nhận ra rằng công nghệ của Trung Quốc là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược xanh của mình. Để chuyển từ những chiếc SUV và xe tải tiêu tốn nhiên liệu sang xe điện (EV), "gã khổng lồ" Detroit đã hợp tác với CATL, nhà sản xuất pin EV hàng đầu của Trung Quốc. Ford đang đầu tư 3,5 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất pin EV tại Michigan, sử dụng công nghệ được cấp phép từ CATL để sản xuất pin lithium-ion hiệu quả cho các xe tải F-150 Lightning và các mẫu EV khác của Ford.

Đầu tư của Trung Quốc vào Nam bán cầu

Sức mạnh của Trung Quốc tại các thị trường mới nổi đang tái cấu trúc mạnh mẽ động lực kinh doanh toàn cầu. Trước đây, các công ty đa quốc gia phương Tây chủ yếu tập trung vào các thị trường đã phát triên, cung cấp những sản phẩm tinh vi với mức giá cao, trong khi Trung Quốc lại nhanh chóng chiếm lĩnh các thị trường đang phát triển.

Trung Quốc đặc biệt giỏi trong việc phát triển các giải pháp sáng tạo, giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng địa phương. Chẳng hạn, các công ty smartphone Trung Quốc như Transsion Holdings, Xiaomi và Huawei đã chiếm đến 76% thị trường smartphone ở Ấn Độ và hơn 60% thị trường châu Phi vào năm 2021. Tương tự, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc thống trị thị trường Mỹ Latinh, chiếm đến 86% thị phần. Hơn nữa, Huawei đã cung cấp tới 70% cơ sở hạ tầng mạng 4G cho châu Phi.

Sự thống trị của Trung Quốc tại Nam bán cầu được củng cố bởi sáng kiến "Vành đai và Con đường (BRI)", một chiến lược hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD đã thu hút hơn 150 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế tham gia. Nhu cầu lớn từ BRI mang lại lợi thế khổng lồ cho các công ty Trung Quốc, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho các tập đoàn đa quốc gia phương Tây sẵn sàng hợp tác.

Cummins Inc, nhà cung cấp giải pháp năng lượng toàn cầu hàng đầu, là một trong những công ty nhận ra giá trị của việc hợp tác này từ sớm. Trong khi nhiều công ty Mỹ do dự đầu tư vào Trung Quốc do yêu cầu hợp tác 50-50 với các doanh nghiệp Trung Quốc, Cummins lại nhìn thấy cơ hội và thành lập sáu liên doanh với các nhà sản xuất xe tải và máy móc xây dựng lớn của Trung Quốc như DongFeng, Foton và LiuGong từ năm 1995 đến 2018.

Cummins mang đến công nghệ động cơ và kiến thức sản xuất, trong khi các đối tác Trung Quốc chia sẻ rủi ro đầu tư và mua một phần lớn sản phẩm. “Chúng tôi là chuyên gia về động cơ. Họ là chuyên gia về xe tải,” Steve Chapman, khi đó là phó chủ tịch Cummins phụ trách khu vực Đông Á và Đông Nam Á, chia sẻ.

Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất của Cummins, và các mối quan hệ đối tác tại đây đóng vai trò quyết định trong thành công của công ty. “Kinh tế quy mô mà chúng tôi phát triển thông qua các hợp tác đã giúp Cummins xây dựng chuỗi cung ứng nội địa hóa và phát triển năng lực kỹ thuật tại Trung Quốc. Điều này đã giúp chúng tôi tạo ra các giải pháp ‘phù hợp với thị trường’ mạnh mẽ và sáng tạo, cần thiết để cạnh tranh và chiến thắng tại Trung Quốc,” Nathan Stoner, phó chủ tịch Cummins và chủ tịch Cummins China, chia sẻ.

Quan trọng hơn, các đổi mới công nghệ được tiên phong tại Trung Quốc đã giúp Cummins mở rộng ra các thị trường phát triển khác như Ấn Độ, Nam Mỹ và Đông Nam Á, nơi yêu cầu về hiệu suất, chất lượng và chi phí gần gũi hơn với sản phẩm Trung Quốc thay vì các sản phẩm thiết kế ở Mỹ hoặc châu Âu. Sự hợp tác này đã góp phần vào việc các nhà sản xuất xe tải Trung Quốc xuất khẩu hơn 300.000 xe tải hạng nặng và trung bình trong năm 2023, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng trong nước, tương đương với toàn bộ thị trường xe tải hạng nặng tại Bắc Mỹ.

Mitch Presnick và James B. EstesHarvard là biên tập của Harvard Business Review. Bài viết được đăng tải tại Harvard Bussiness Review ngày 26/08/2024.

Harvard Business Review là tạp chí hàng tháng dành cho các chuyên gia và những người hành nghề trong lĩnh vực kinh doanh. Nội dung của tạp chí được xây dựng từ những nghiên cứu sâu sắc của các chuyên gia và học giả nổi bật như Clayton M. Christensen, Peter F. Drucker và nhiều tên tuổi khác trong ngành.

Biên dịch: Hà Linh