Hơn một nửa các tuyên bố trong 100 video TikTok có lượt xem cao nhất về rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) đều không chính xác, các nhà nghiên cứu báo cáo trong tạp chí PLOS One.
Đáng chú ý, sinh viên đại học có xu hướng đánh giá các video chứa thông tin sai lệch là chính xác và thường xuyên khuyến nghị chúng cho người khác, kết quả nghiên cứu chỉ ra.
"TikTok có thể là một công cụ tuyệt vời để nâng cao nhận thức và giảm kỳ thị, nhưng nó cũng có mặt trái," Vasileia Karasavva, nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học lâm sàng tại Đại học British Columbia, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết trong thông cáo báo chí.
"Các câu chuyện cá nhân và những kinh nghiệm của người khác rất mạnh mẽ, nhưng khi thiếu bối cảnh, chúng có thể dẫn đến hiểu lầm về ADHD và sức khỏe tâm thần nói chung," Karasavva nói thêm.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã chọn ra 100 video TikTok phổ biến nhất có hashtag #ADHD và nhờ hai chuyên gia tâm lý học lâm sàng, những người có chuyên môn về ADHD, đánh giá các tuyên bố trong các video này.
“Các người sáng tạo của 100 video hàng đầu về #ADHD thường xuyên đăng tải nội dung như vậy, gần 80% trong số họ đã đăng nhiều video bàn về ADHD,” các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo của họ.
Các nhà tâm lý học đánh giá chỉ khoảng 49% các tuyên bố trong các video TikTok là chính xác, dựa trên các hướng dẫn chẩn đoán ADHD, nghiên cứu cho biết.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã khảo sát gần 850 sinh viên đại học về thói quen xem video #ADHD trên TikTok của họ. Gần 200 sinh viên đã được chẩn đoán chính thức mắc ADHD, và hơn 400 người tự chẩn đoán rối loạn này.
Những sinh viên đã được chẩn đoán hoặc tự chẩn đoán mắc ADHD xem các video TikTok về chủ đề này thường xuyên hơn những sinh viên không mắc ADHD, các nhà nghiên cứu phát hiện.
Hơn nữa, những người xem nhiều video về ADHD trên TikTok càng có xu hướng đánh giá quá cao tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ADHD trong cộng đồng.
“Nội dung mang tính chất kể chuyện trên TikTok có thể khiến người xem nhầm lẫn những hành vi bình thường hoặc những hành vi có thể được giải thích tốt hơn bởi các tình trạng khác thành dấu hiệu của ADHD, làm phức tạp quá trình chẩn đoán và điều trị vốn đã đầy thử thách,” các nhà nghiên cứu viết.
Nhóm nghiên cứu đã cho sinh viên xem 5 video chính xác nhất và 5 video ít chính xác nhất, theo đánh giá của các nhà tâm lý học, và hỏi họ xem sẽ khuyến nghị video nào cho người khác.

Các sinh viên xem TikTok #ADHD thường xuyên có xu hướng nói rằng họ sẽ khuyến nghị cả 5 video chính xác và 5 video ít chính xác cho người khác, kết quả cho thấy:
Các nhà tâm lý học đánh giá các video về ADHD chính xác cao với điểm trung bình là 3.6 trên 5, trong khi sinh viên đại học cho điểm là 2.8.
Các nhà tâm lý học đánh giá các video kém chính xác nhất chỉ đạt 1.1 trên 5, nhưng sinh viên lại cho điểm cao hơn đáng kể ở mức 2.3.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sinh viên có thể thấy các video từ những người bình thường chia sẻ kinh nghiệm ADHD trên TikTok dễ tiếp cận hơn so với những cuộc thảo luận chuyên môn từ các bác sĩ tâm lý, ngay cả khi các câu chuyện đó không hoàn toàn chính xác.
“Người trẻ có thể đánh giá cao sự dễ tiếp cận, tính chân thật và sự dễ bị tổn thương khi chia sẻ trải nghiệm cá nhân hơn là nền tảng học thuật của một người tạo nội dung,” các nhà nghiên cứu viết. “Nội dung TikTok dễ tiếp cận có thể tạo sự tương phản với các thông tin từ bài báo nghiên cứu và các chuyên gia tâm lý khó tiếp cận hơn.”
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cần chuẩn bị đối phó với những người tìm kiếm chẩn đoán ADHD dựa trên thông tin sai lệch từ TikTok, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.
“Chuyên gia cần lắng nghe trải nghiệm của bệnh nhân về thông tin ADHD trên mạng xã hội và hiểu được những gì bệnh nhân thấy có giá trị từ những thông tin này,” các nhà nghiên cứu kết luận.
Dennis Thompson là biên tập viên tại MedicineNet. Bài viết được đăng tải trên MedicineNet ngày 20/03/2025.
MedicineNet là một trang web cung cấp thông tin y tế và sức khỏe, bao gồm từ điển y khoa và các thông tin về bệnh tật, tình trạng sức khỏe, thuốc men và các vấn đề sức khỏe chung.
Biên dịch: Hà Linh