Trong khi bệnh nhân u não thường phải chờ tới 8 tuần mới có kết quả xét nghiệm di truyền đầy đủ để xác định hướng điều trị, các nhà khoa học tại Đại học Nottingham (Anh) đã phát triển một phương pháp xét nghiệm mới có thể rút ngắn thời gian này xuống chỉ còn 2 giờ.
Phương pháp sử dụng công nghệ giải trình tự bằng lỗ nano (nanopore sequencing) để đọc nhanh DNA của khối u. Công nghệ hoạt động bằng cách đưa các sợi DNA qua một thiết bị siêu nhỏ chứa những lỗ nano, nơi vật liệu di truyền được tách ra và kéo qua từng sợi một cách tuần tự. Những thay đổi trong dòng điện khi DNA đi qua lỗ giúp xác định thứ tự các “khối xây dựng” của gene. Phần mềm chuyên dụng sau đó sẽ so sánh trình tự này với cơ sở dữ liệu về các loại u não đã được biết đến.

Kết quả cho thấy phương pháp mới không chỉ nhanh mà còn chính xác. Khi thử nghiệm trên 30 mẫu khối u cũ và 50 mẫu tươi lấy ngay trong phòng mổ, hệ thống xác định đúng 80% mẫu cũ và 90% mẫu mới, tương đương với độ chính xác của phương pháp truyền thống. Đặc biệt, trong số các mẫu mới, 76% được xác định rõ ràng chỉ trong vòng một giờ.
Giáo sư Matthew Loose, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Mục tiêu chính là cung cấp kết quả chẩn đoán kịp thời để phục vụ cho việc hội chẩn của đội ngũ y tế, thường là trong cùng tuần. Nhưng điều quan trọng hơn là có thể hỗ trợ bác sĩ ngay trong lúc mổ để đưa ra quyết định kịp thời”.
Thông thường, bác sĩ không thể đưa ra phương án điều trị cụ thể khi chưa biết rõ loại khối u. Với công nghệ mới, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể quyết định thực hiện phẫu thuật triệt để hơn, hoặc ngược lại, dừng sớm nếu phát hiện khối u khó can thiệp.
Theo nhóm nghiên cứu, mỗi xét nghiệm bằng công nghệ mới có chi phí khoảng 400 bảng Anh (gần tương đương chi phí các xét nghiệm di truyền hiện nay), nhưng thay thế được nhiều xét nghiệm đơn lẻ, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị.

Ngoài ra, việc chẩn đoán sớm còn giúp bệnh nhân có thể tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng phù hợp ngay từ đầu, rút ngắn hành trình tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến.
Giáo sư Loose kỳ vọng trong tương lai, công nghệ này có thể được ứng dụng rộng rãi để không chỉ hỗ trợ chẩn đoán mà còn mở ra khả năng điều trị ngay trong lúc phẫu thuật nếu có sẵn loại thuốc phù hợp với loại u được xác định.
Neetika Walter là một nhà báo của Interesting Engineering (IE). Bài viết được đăng trên IE vào ngày 21/05/2025.
Interesting Engineering là trang tin tức công nghệ và khoa học, chuyên cập nhật những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Ra mắt năm 2011, nền tảng này cung cấp nội dung hấp dẫn về AI, năng lượng tái tạo, hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực đột phá khác.
Biên dịch: Thu Hoài