Thiel nhấn mạnh sự khác biệt giữa những người này với những "tín đồ" Bitcoin thực thụ. Theo ông, những người ủng hộ Bitcoin nhiệt thành không bị ràng buộc bởi bất kỳ công ty hay hội đồng quản trị nào, khác hẳn với những "tay sai" của giới tài chính truyền thống.
"Chúng ta không biết Satoshi là ai," Thiel nói trước đám đông.
Ông đang nhắc đến Satoshi Nakamoto, người đã phát minh ra Bitcoin, và đã trở thành một "nhân vật bí ẩn, có thể tồn tại hoặc không," theo như Benjamin Wallace viết trong cuốn sách "Ngài Nakamoto Bí Ẩn: Hành trình 15 năm đi tìm thiên tài đứng sau tiền mã hóa" (Crown), được phát hành vào ngày 18 tháng 3.
Quay trở lại năm 2008, Nakamoto chỉ là "một lập trình viên vô danh của một loại tiền tệ thử nghiệm, thứ mà chủ yếu chỉ được quan tâm bởi một cộng đồng nhỏ," Wallace viết.
Khi lần đầu tiên giới thiệu Bitcoin, giá trị thị trường của nó chỉ là 0,00099 đô la, hay một phần mười của một xu.
Nhưng đến năm 2022, nó đã dao động quanh mức 42.000 đô la cho mỗi Bitcoin. Sáng tạo của Nakamoto đã trở thành "tài sản có giá trị thứ chín trên thế giới, chỉ đứng sau Tesla và trên Meta," Wallace viết.

Nhưng rồi vào mùa xuân năm 2011, Nakamoto biến mất. Ông ngừng liên lạc với thế giới bên ngoài.
Sở hữu hơn 1 triệu Bitcoin, tương đương giá trị 100 tỷ đô la (ít nhất là như vậy), người này nghiễm nhiên lọt vào top 20 người giàu nhất thế giới. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, danh tính của nhân vật này vẫn còn là một ẩn số.
Vì sao Nakamoto lại phải dày công che giấu thân phận đến vậy?
Wallace viết: "Lịch sử khoa học hiện đại chưa từng ghi nhận tiền lệ nào về một người sáng tạo ra công nghệ mang tính cách mạng, đưa nó vào đời thực mà không hề nhận lấy chút công trạng nào."
Đây là một bí ẩn đầy hấp dẫn trong một thế giới mà những điều bí mật đang dần biến mất. Chúng ta từ lâu đã biết danh tính của "Deep Throat" – nguồn tin mật của Bob Woodward, hay Joe Klein – tác giả "ẩn danh" của "Primary Colors," cuốn sách gây xôn xao về chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992 của Bill Clinton.
Thế nhưng, Nakamoto bằng cách nào đó đã trở thành "người sáng lập huyền thoại của một dự án có giá trị vốn hóa thị trường lên tới 1 nghìn tỷ đô la," Wallace viết, mặc dù không ai biết người này là ai hay dung mạo ra sao.
Bitcoin lần đầu tiên được giới thiệu vào dịp Halloween năm 2008, trong một bản cáo bạch dài chín trang với tiêu đề "Bitcoin: Hệ thống tiền điện tử ngang hàng," phác thảo thiết kế của Nakamoto không dựa trên cơ sở dữ liệu ghi nợ và ghi có của ngân hàng hay chính phủ. Ban đầu, nó chủ yếu được đón nhận bởi các lập trình viên, những người tin rằng tiền tệ truyền thống đang rất cần một sự đổi mới.
Bitcoin "miễn nhiễm với sự can thiệp của các thế lực trung ương," Wallace viết. "Không giống như vàng thỏi, Bitcoin không thể bị tịch thu. Không giống như tài khoản ngân hàng, nó không thể bị đóng băng. Không giống như tiền tệ quốc gia, nó không thể bị mất giá trị theo ý muốn của ngân hàng trung ương hay bị kiểm soát vốn bởi một nhà độc tài. Không giống như thẻ tín dụng và chuyển khoản ngân hàng, nó không đi kèm với phí giao dịch quá cao."
Khi thời gian trôi qua và Bitcoin dần được dòng chính chấp nhận, danh tiếng của Nakamoto cũng nổi lên không kém gì "đứa con tinh thần" của mình. Trong vài năm gần đây, rapper Ye (trước đây là Kanye West) đội chiếc mũ bóng chày có tên Nakamoto, một bức tượng đồng của Nakamoto được dựng lên ở Budapest, và MS Satoshi, một con tàu du lịch tiền điện tử, đã chiêu mộ những người định cư "cho xã hội có chủ quyền, vận hành bằng Bitcoin đầu tiên trên thế giới," Wallace viết. Một số nhà kinh tế và nhà công nghệ đã lập luận rằng Nakamoto, dù ẩn mình trong bí mật, xứng đáng nhận giải Nobel.
Thông tin chi tiết về Nakamoto rất mơ hồ. Ông tự nhận trong hồ sơ trực tuyến là người Nhật Bản, nhưng không ai trong số những người theo dõi ông tin điều đó. "Tiếng Anh của ông ấy hoàn hảo, với sự tự tin, trôi chảy của một người bản xứ," Wallace viết. "Giọng của ông ấy nghe giống người Anh, hoặc ít nhất là từ một quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung."
Nakamoto cũng đã nỗ lực hết sức để che giấu danh tính của mình, từ việc sử dụng một máy chủ email có thể thao túng ngày và giờ gửi email, cho đến việc né tránh các câu hỏi cá nhân, ngay cả từ những cộng tác viên thân cận nhất.
Đã có rất nhiều giả thuyết. Một số người nghi ngờ Nakamoto thực chất là Neal Stephenson, tiểu thuyết gia có cuốn "Cryptonomicon" đã dự đoán trước về tiền kỹ thuật số. Hoặc Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks người Úc. Hoặc thậm chí là Elon Musk, người mà một thực tập sinh của SpaceX đã lập luận rằng chắc chắn phải là người tạo ra Bitcoin vì cả hai đều "nói về lý luận 'cấp độ lớn' và sử dụng từ 'bloody' (chết tiệt)."
Nhà phát triển Bitcoin, Gavin Andresen, nói rằng "anh ấy thậm chí không nghĩ Nakamoto có nền tảng về khoa học máy tính," Wallace viết. "Điều đó khiến anh ấy nghĩ rằng Nakamoto có thể là một giáo sư." Gwern Branwen, một nhà nghiên cứu bảo mật và nhà phân tích web đen, đã viết rằng Nakamoto "có thể là bất cứ ai."
Vì Bitcoin thực chất chỉ là sự kết hợp khéo léo các công nghệ hiện có, nên theo Branwen, "Satoshi không cần phải là một chuyên gia mật mã, hay bất cứ ai khác ngoài một lập trình viên tự học."
Vậy tại sao Nakamoto lại phải ẩn mình? Cộng đồng Bitcoin tự hỏi liệu ông có biến mất để tránh bị truy tố vì tội trốn thuế, hay để tránh những tên tội phạm muốn đánh cắp khối tài sản Bitcoin khổng lồ của mình. "Quan điểm phổ biến là ông đã hành động một cách vị tha," Wallace viết. "Những người hâm mộ Bitcoin cuồng nhiệt nhất coi việc tìm hiểu về Nakamoto là một dạng báng bổ, giống như những người theo đạo Scientology bị hỏi về Xenu vậy."
Cũng có khả năng Nakamoto là một nhóm người. Xét cho cùng, bản cáo bạch về Bitcoin đã sử dụng "chúng tôi" thay vì "tôi". Một số người còn nhận thấy rằng cái tên Nakamoto có thể là sự kết hợp của các tên công ty công nghệ lớn: SAmsung, TOSHIba, NAKAmichi, MOTOrola. Wallace viết: "Vậy nên, có thể một âm mưu của các tập đoàn đứng đằng sau nó."
Wallace đã truy tìm nhiều nghi phạm lớn nhất, và tất cả đều phủ nhận mình là thiên tài ẩn dật này. Từ nhà mật mã học nghiệp dư Wei Dai ("Satoshi không phải là tôi," Dai khẳng định với tác giả) đến người tạo ra Bit Gold, Nick Szabo (" [Nakamoto] đã có một đóng góp to lớn cho thế giới và để đáp lại, tôi muốn tôn trọng quyền riêng tư của anh ấy," Szabo nói) cho đến Hal Finney, một cypherpunk được chẩn đoán mắc bệnh ALS ("Tôi ước mình đã tạo ra một thứ gì đó có tiềm năng thay đổi thế giới như Bitcoin," ông nói. "Trong hoàn cảnh hiện tại của tôi, đối mặt với tuổi thọ hữu hạn, tôi sẽ chẳng mất gì nhiều khi từ bỏ ẩn danh. Nhưng đó không phải là tôi.")
Nhưng nhiều người trong cộng đồng Bitcoin lại cảm thấy ổn với bí ẩn này. Trên thực tế, họ còn thích thú với nó. Tại hội nghị Bitcoin đầu tiên ở New York vào năm 2011, món hàng "hot" nhất là chiếc áo phông in dòng chữ "TÔI LÀ SATOSHI". Câu hỏi về danh tính và tung tích của người tạo ra Bitcoin "bao trùm cả hội nghị," Wallace viết. "Liệu ông ấy có thể đang ở đây, giữa chúng ta không?"
Sự ẩn danh của Nakamoto phần lớn được xem là "một tính năng chứ không phải một lỗi," Wallace viết. "Để thực sự phi tập trung, Bitcoin cần phải có một sự ra đời nguyên sơ. Việc tước đi một người đại diện – một cá nhân không hoàn hảo với một danh tính cụ thể có thể được nhóm này chấp nhận nhưng nhóm khác thì không – đã mang lại cho nó cơ hội tốt nhất để được tiếp nhận theo cách riêng và được chấp nhận rộng rãi."
Cho đến ngày nay, Nakamoto thực sự vẫn chưa lộ diện. Và đó có lẽ là cách duy nhất chúng ta có thể biết được sự thật. Không có kho báu nào để khám phá bằng cách ghép các manh mối lại với nhau.
Wallace viết: "Về mặt lý thuyết, người khác có thể tiến gần nhất đến việc tìm ra sự thật là khi Nakamoto mắc sai lầm hoặc tâm sự với ai đó. "Nhưng năm tháng trôi qua, dấu vết, nếu có, ngày càng mờ nhạt."
Đó có thể chính xác là điều Nakamoto muốn. Có lẽ, Wallace viết, ông đã khiến việc tìm ra mình trở nên bất khả thi "bằng cách vứt bỏ máy móc, khóa riêng và mật khẩu tài khoản email của mình, và không bao giờ tiết lộ bí mật của mình cho bất kỳ ai."
Eric Spitznagel là biên tập viên của New York Post. Bài viết được đăng tải trên New York Post vào ngày 22/3/2025.
New York Post là một trong những tờ nhật báo lâu đời và có lượng phát hành lớn tại Hoa Kỳ, đặc biệt nổi tiếng ở khu vực thành phố New York. Thành lập vào năm 1801 bởi Alexander Hamilton, New York Post đã trải qua hơn hai thế kỷ phát triển, được cho là tờ báo hàng ngày được xuất bản liên tục lâu đời nhất của quốc gia.
Biên dịch: Như Ý