Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, việc không dành đủ thời gian cho hai giai đoạn giấc ngủ sâu – giấc ngủ sóng chậm và giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) – có thể làm gia tăng sự suy giảm các phần não bộ liên quan đến bệnh Alzheimer.
Theo nghiên cứu, sự thiếu hụt giấc ngủ sâu và REM có thể khiến các vùng não, vốn là dấu hiệu sớm của suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer, bị teo nhỏ.
Gawon Cho, tác giả chính của nghiên cứu và là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về y học nội khoa tại Trường Y Yale, New Haven, Connecticut, cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng, thể tích của vùng chẩm dưới trong não – một khu vực chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin cảm giác, bao gồm thông tin thị giác-vị trí – đã bị thu nhỏ ở những người có giấc ngủ sóng chậm và REM không đủ. Điều này giải thích tại sao khu vực này lại có dấu hiệu thoái hóa thần kinh ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.”

Bác sĩ Richard Issacson, chuyên gia phòng ngừa bệnh thần kinh và giám đốc nghiên cứu tại Viện Bệnh Thoái Hóa Thần Kinh ở Florida, cũng cho biết kinh nghiệm lâm sàng của ông trong việc điều trị bệnh nhân có nguy cơ mắc Alzheimer hoàn toàn đồng tình với kết quả nghiên cứu này. Ông cho hay: “Chúng tôi cũng nhận thấy rằng các chỉ số giấc ngủ sâu có thể dự đoán chức năng nhận thức, vì vậy việc kết hợp giữa dữ liệu giấc ngủ và thể tích não cho thấy kết luận này là hoàn toàn có cơ sở.”
Điều gì xảy ra trong não khi chúng ta ngủ sâu?
Trong suốt giấc ngủ sâu, não bộ thực hiện các quá trình quan trọng như loại bỏ độc tố, tiêu hủy tế bào chết và phục hồi cơ thể để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Đồng thời, trong giấc ngủ REM, não bộ tiếp tục xử lý cảm xúc, củng cố ký ức và tiếp nhận thông tin mới. Chính vì thế, việc có giấc ngủ sâu và REM chất lượng là điều cực kỳ quan trọng đối với khả năng hoạt động của cơ thể và trí óc chúng ta.

Người trưởng thành cần khoảng 7-8 giờ ngủ mỗi đêm để duy trì sức khỏe, trong khi thanh thiếu niên và trẻ em cần ngủ nhiều hơn. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hơn 1/3 người trưởng thành ở Mỹ không ngủ đủ giấc.
Các chuyên gia khuyến cáo, người trưởng thành nên dành từ 20%-25% thời gian ngủ cho giấc ngủ sâu và tương tự là cho giấc ngủ REM. Người cao tuổi cần ít hơn, trong khi trẻ sơ sinh cần nhiều hơn – có thể lên tới 50% thời gian ngủ trong giai đoạn REM. "Thật không may, các giai đoạn giấc ngủ sâu sẽ giảm dần khi chúng ta già đi", Cho chia sẻ thêm.

Làm thế nào để có thêm giấc ngủ sâu?
Giấc ngủ sâu thường xuất hiện ngay sau khi chúng ta bắt đầu ngủ, trong khi giấc ngủ REM lại xuất hiện muộn hơn, gần sáng. Do đó, nếu bạn đi ngủ quá muộn và thức dậy quá sớm, bạn sẽ giảm cơ hội dành đủ thời gian cho một hoặc cả hai giai đoạn giấc ngủ này.
“Theo quy luật, càng ngủ lâu, bạn càng có nhiều cơ hội để trải qua giấc ngủ sâu và REM,” bác sĩ Issacson nói. Tuy nhiên, chỉ nằm trên giường lâu hơn thôi là chưa đủ. Bạn cần đảm bảo rằng giấc ngủ của mình không bị gián đoạn và có chất lượng cao.
Một nghiên cứu vào tháng 2 năm 2023 chỉ ra rằng thói quen ngủ tốt có thể giúp kéo dài tuổi thọ thêm gần 5 năm đối với nam giới và gần 2,5 năm đối với phụ nữ. Tuy nhiên, để đạt được điều này, bạn cần ngủ xuyên đêm mà không thức giấc quá hai lần một tuần, thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy tỉnh táo ít nhất năm ngày trong tuần. Quan trọng nhất, bạn không nên sử dụng thuốc ngủ để hỗ trợ giấc ngủ.

Lời khuyên để cải thiện giấc ngủ
Tin vui là bạn hoàn toàn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình bằng cách áp dụng các nguyên tắc về “vệ sinh giấc ngủ”. Hãy cố gắng đi ngủ và thức dậy vào những giờ cố định, ngay cả vào cuối tuần hay ngày lễ. Đảm bảo môi trường ngủ của bạn tối và mát mẻ, hạn chế tiếng ồn hoặc thử sử dụng máy tạo âm thanh. Tránh uống rượu trước khi đi ngủ, vì dù rượu có thể khiến bạn cảm thấy dễ ngủ hơn, nhưng khi cơ thể chuyển hóa hết rượu vào giữa đêm, bạn sẽ thức giấc.
Bên cạnh đó, hãy thiết lập một thói quen ngủ lành mạnh bằng cách tránh ánh sáng xanh và các thiết bị điện tử ít nhất một giờ trước khi đi ngủ. Các hoạt động thư giãn như thiền, yoga, thái cực quyền, hay tắm nước ấm cũng giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ.
“Để cải thiện giấc ngủ, tôi nghĩ mỗi người cần phải tự chủ động trong việc tạo ra một môi trường ngủ tốt cho bản thân,” Cho nhấn mạnh. “Không có một loại thuốc nào có thể giúp cải thiện giấc ngủ một cách toàn diện.”
Sandee LaMotte là nhà báo của Cable News Network (CNN). Bài viết được đăng trên CNN vào ngày 03/04/2025.
CNN (Cable News Network) là một trong những mạng tin tức nổi bật và có ảnh hưởng nhất trên toàn cầu. Được thành lập vào năm 1980 bởi Ted Turner và Reese Schonfeld, CNN đã trở thành một trong những kênh truyền hình tin tức 24/7 đầu tiên trên thế giới, mở ra kỷ nguyên mới cho việc truyền tải tin tức trực tiếp và liên tục.
Biên dịch: Thu Hoài