Đây có thể xem là giọt nước tràn ly cho căng thẳng trong quan hệ giữa Lý gia chủ với Bắc Kinh cũng như Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ngược dòng thời gian, hơn 31 năm trước, vào tháng 1.1993, vị Bí thư Thành ủy Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) khi ấy 39 tuổi là Tập Cận Bình đã đi thăm Hồng Kông rồi gặp gỡ giới doanh nghiệp tại đây để kêu gọi đầu tư về Đại lục.
Khi đó, chỉ 4 năm sau sự biến Thiên An Môn, Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn vì các lệnh trừng phạt.
Chuyến đi tưởng chừng đã thất bại. Nhưng tháng 8.1993, tỉ phú Lý Gia Thành đến Phúc Châu để nối tiếp lời mời gọi từ vị lãnh đạo trẻ Tập Cận Bình.
Khi đó, danh tiếng, tiền bạc và quan hệ sẵn có của Lý gia chủ khiến chuyến đi của ông đến Phúc Châu được mô tả như “một vị Phật đến thị trấn để xây dựng một ngôi chùa”.
Quan chức chính quyền Phúc Châu kỳ vọng ông Lý sẽ giúp Phúc Châu tạo nên kỳ tích. Quan hệ của Lý gia chủ và nhà lãnh đạo trẻ Tập cũng khơi nguồn từ đó.

Thực tế, năm 1978, Lý gia chủ đã lần đầu tiên quay về Đại lục sau 38 năm rời đi.
Sau một thời gian chờ xem xét tình hình của Đại lục khi đó vốn chỉ mới kết thúc triều đại Mao Trạch Đông, Lý gia chủ về sau đã hợp tác với Đại lục dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Tiếp đến, Lý gia chủ cũng có quan hệ tốt với chính quyền Trung Quốc dưới thời Giang Trạch Dân.
Ông Lý đã đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa Bắc Kinh với Hồng Kông qua quá trình vùng đất Cảng thơm được Anh trao trả cho Trung Quốc.
Tỉ phú Lý Gia Thành còn thuộc nhóm đầu cho kế hoạch Hongkong Connection của Bắc Kinh. Quan hệ vẫn tốt đẹp cả sau khi ông Tập Cận Bình kế vị ông Hồ Cẩm Đào.
Dưới thời ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đẩy mạnh kiểm soát Hồng Kông.
Không biết có phải vì lý do này hay không, nhưng từ năm 2014-2015 thì Lý gia chủ bắt đầu thành lập các công ty ở hải ngoại, đặc biệt ở các khu vực như Cayman. Quan hệ hai bên bắt đầu đi xuống.
Năm 2019, phong trào biểu tình ở Hồng Kông bắt đầu lan rộng để phản đối luật an ninh mới. Năm đó, Lý gia chủ cùng một số đại phú hộ Hồng Kông đã dùng các câu từ nhẹ nhàng để nói đỡ cho các bạn trẻ tham gia biểu tình. Điều này khiến cho bất đồng giữa Lý gia và Bắc Kinh ngày càng lớn. Quan hệ cứ thế bất đồng ngày càng sâu sắc.
Giờ đây, dưới áp lực từ Mỹ, Lý gia chủ quyết định rút khỏi kênh đào Panama. Động thái này ảnh hưởng không nhỏ đến sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc. Cứ thế, giọt nước đã tràn ly.
Theo Tri M. Ngo