Thật khó tưởng tượng một thế giới thiếu vắng các sản phẩm Samsung, bởi chúng đã trở nên quá phổ biến và hiện diện trong cuộc sống của mọi người. Chúng ta đã từng sử dụng điện thoại Samsung, trải nghiệm máy tính bảng Samsung Galaxy Tab, và xem phim bằng hệ thống rạp hát tại Samsung. Chúng ta là những người dùng quen thuộc của các sản phẩm này, nhưng thực sự chúng ta biết bao nhiêu về gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc?
Dưới đây là 7 điều bạn có thể chưa biết về gã khổng lồ này. Từ khởi đầu khiêm tốn là một cửa hàng cá khô cho đến sự thống trị toàn cầu.
Samsung ban đầu là cửa hàng tạp hóa
Ngày nay, khi nhắc đến Samsung, người ta chỉ nghĩ đến một tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi trở thành một công ty đa quốc gia hùng mạnh, Samsung đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Năm 1938, khi Lee Byung-Chul thành lập Samsung, công ty ban đầu là một cửa hàng chuyên buôn bán và xuất khẩu hàng hóa. Các mặt hàng bao gồm cá khô, bột mì, rau củ và thậm chí là mì do Samsung tự sản xuất để xuất khẩu.

Trong những năm tiếp theo, Samsung thử sức mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như nhà máy đường, dệt may và bán lẻ. Mãi đến năm 1969, Samsung mới bước chân vào ngành điện tử, sản xuất các thiết bị gia dụng như TV, tủ lạnh và máy điều hòa không khí. Bước tiến này nhanh chóng phát triển, dẫn đến việc sản xuất các thiết bị di động và điện thoại thông minh, hình thành nên Samsung Electronics mà chúng ta biết đến ngày nay.
Samsung nghĩa là “3 ngôi sao” trong tiếng Hàn
Trong tiếng Hàn, "Samsung" có nghĩa là "ba ngôi sao".
Ngay từ đầu, nhà sáng lập Lee Byung-chul đã tin tưởng công ty của mình sẽ vươn tới tầm vóc lớn lao trong tương lai. Ông đặt tên công ty là Samsung, trong Hán tự có nghĩa là "ba ngôi sao", thể hiện khát vọng tạo ra một thứ gì đó mạnh mẽ và vĩnh cửu như những vì sao trên bầu trời.
Điều thú vị là, hình ảnh "ba ngôi sao" này xuất hiện trong tất cả các logo đầu tiên của Samsung, cho đến khi thương hiệu quyết định chọn logo tối giản mà chúng ta quen thuộc ngày nay vào năm 1993: một hình bầu dục màu xanh lam với tên thương hiệu bằng chữ trắng. Với hình bầu dục màu xanh lam tượng trưng cho hình dạng vũ trụ, logo không còn ngôi sao này vẫn mang theo khát vọng vươn tới sự vĩ đại trong mọi nỗ lực của Samsung, như những ngôi sao trên bầu trời.
Samsung lớn hơn những gì bạn nghĩ
Chúng ta thường biết đến Samsung như nhà sản xuất điện thoại thông minh và TV hàng đầu thế giới, nhưng nếu chỉ tập trung vào mảng điện tử, chúng ta đang đánh giá thấp quy mô của thương hiệu này. Ngay từ những ngày đầu thành lập, sự đa dạng hóa của Samsung đã thúc đẩy công ty tham gia vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ xây dựng đến truyền thông.
Ngoài Samsung Electronics, tập đoàn Samsung Group còn bao gồm hơn 60 công ty con và các thương vụ mua lại. Một số công ty con đáng chú ý bao gồm Samsung Heavy Industries (đóng tàu), Samsung C&T Corporation (xây dựng và thương mại), Samsung Securities (dịch vụ đầu tư) và Trung tâm Y tế Samsung (dịch vụ y tế). Samsung Everland thậm chí còn quản lý khu nghỉ dưỡng Everland, một công viên giải trí nổi tiếng ở Hàn Quốc.
Samsung hiện diện khắp nơi - ngay cả trong chiếc iPhone của bạn.
Có lẽ bạn đã nghe nhiều về độ phủ sóng của Samsung, nhưng thương hiệu này gắn liền với vô số sản phẩm và dịch vụ, đến mức bạn hoàn toàn có thể sống trọn vẹn cuộc đời tại Hàn Quốc chỉ với Samsung. Bạn có thể chào đời tại Trung tâm Y tế Samsung, sinh sống trong khu căn hộ Samsung Tower Palace, học tập tại Đại học Sungkyunkwan do Samsung sở hữu, và sử dụng độc quyền các thiết bị gia dụng và điện tử Samsung.
Không chỉ ở Hàn Quốc, Samsung còn là một "gương mặt" quen thuộc và hiện diện ở khắp mọi nơi, ngay cả những nơi bạn không ngờ tới. Ví dụ như tòa nhà Burj Khalifa - cao nhất thế giới - được xây dựng bởi Tập đoàn Samsung C&T. Hay vô số các đội thể thao và giải đấu được Samsung Sports tài trợ.
Samsung thậm chí còn có mặt trong chiếc iPhone và các thiết bị di động khác của bạn. Nhiều linh kiện quan trọng của điện thoại, như chip xử lý, RAM và màn hình OLED, được các công ty điện thoại thông minh khác nhập từ nhà sản xuất hàng đầu Samsung. Vì vậy, dù bạn sở hữu điện thoại thông minh của thương hiệu nào, bạn luôn mang theo một phần nhỏ của Samsung trên tay.
Samsung đã có cơ hội mua hệ điều hành Android trước Google, nhưng họ đã từ chối
Trước khi được Google mua lại vào năm 2005, Android là một công ty khởi nghiệp đang tìm kiếm nguồn tài trợ từ các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu và một trong những công ty mà họ nhắm tới là Samsung.
Kỹ sư Andy Rubin và nhóm của ông đã bay tới Seoul để giới thiệu phần mềm của họ với gã khổng lồ Hàn Quốc, nhưng điều họ không ngờ tới là chỉ nhận được sự im lặng từ ban quản lý Samsung và một câu trả lời "không" dứt khoát.
Sự từ chối này chỉ diễn ra hai tuần trước khi Android được Google mua lại với giá khổng lồ 50 triệu đô la. Hiện tại, Android là hệ điều hành bán chạy nhất cho điện thoại thông minh trên toàn thế giới, với Samsung là đơn vị thống trị với 65% thị phần trong số tất cả các thiết bị Android.
Bài viết được đăng trên trang web của Samsung vào ngày 24/06/2020.
Biên dịch: Như Ý