Cuộc chiến gia đình và câu chuyện của tỷ phú giàu nhất Châu Á Mukesh Ambani

Mumbai 11:29 04/03/2025
Tỷ phú giàu nhất châu Á, Mukesh Ambani, đã dành hai thập kỷ để tái định hình tập đoàn hóa dầu cũ kỹ mà ông thừa kế, biến nó thành một đế chế toàn cầu vươn xa từ viễn thông, bán lẻ, thể thao đến thời trang xa xỉ.

Anant, con trai út của tỷ phú Mukesh Ambani, kết hôn với người yêu thuở nhỏ Radhika Merchant trong một đám cưới xa hoa kéo dài ba ngày tại Mumbai, bắt đầu từ thứ Sáu. Đây không chỉ là một sự kiện trọng đại trong gia đình Ambani mà còn là dịp để ông khẳng định vị thế đỉnh cao trong giới doanh nghiệp Ấn Độ.

Trước lễ cưới, hàng loạt bữa tiệc xa xỉ đã được tổ chức với danh sách khách mời gồm những nhân vật quyền lực nhất thế giới từ chính trị, tài chính đến văn hóa. Những tên tuổi đình đám như Mark Zuckerberg, Bill Gates, Ivanka Trump đều góp mặt, bên cạnh các màn trình diễn đẳng cấp của Rihanna, Katy Perry và Justin Bieber.

Với khối tài sản ròng ước tính 123 tỷ USD theo Forbes, Mukesh Ambani không chỉ là người giàu nhất châu Á mà còn là biểu tượng cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Ấn Độ. Sinh năm 1957 tại Mumbai, ông là con trai của Dhirubhai Ambani – người sáng lập đế chế Reliance và được mệnh danh là "hoàng tử polyester" nhờ thành công trong ngành dệt may.

Khi con trai gia nhập công ty gia đình vào năm 1981, sau khi bỏ dở chương trình MBA tại Stanford, Reliance – tên gọi ngày nay của tập đoàn – đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ.

Dhirubhai Ambani đã giao cho Mukesh, khi đó mới 24 tuổi một nhiệm vụ đầy thách thức: Xây dựng nhà máy hóa dầu đầu tiên của công ty tại Ấn Độ. Ông thẳng thắn tuyên bố: “Tôi sẽ không cầm tay chỉ việc hay nuông chiều cậu. Nếu cậu làm được, rất tốt. Nếu không, chúng tôi sẽ tìm người khác.”

Mukesh sau này nhớ lại trong cuộc phỏng vấn năm 2002 với Simi Garewal: “Cha tôi thực sự đã mạo hiểm với tôi.”

Từ một người từng làm việc tại trạm xăng, Dhirubhai đã chuẩn bị cho cả Mukesh và em trai Anil tiếp quản đế chế tỷ đô mà ông gầy dựng từ hai bàn tay trắng. Nhưng năm 2002, ông đột ngột qua đời mà không để lại di chúc, mở ra một chương mới đầy sóng gió trong gia tộc Ambani.

Anh em đối đầu: Cuộc chiến tỷ đô và chiến thắng ngoạn mục của Mukesh Ambani

Cái chết của Dhirubhai Ambani không chỉ để lại một đế chế tỷ đô mà còn châm ngòi cho cuộc tranh chấp khốc liệt giữa hai người con trai. Trước tình thế căng thẳng, mẹ của họ, Kokilaben, buộc phải đứng ra dàn xếp, chia tách tập đoàn thành hai phần: Mukesh nắm quyền kiểm soát mảng dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu, trong khi Anil nhận các lĩnh vực điện, viễn thông và tài chính.

Vào thời điểm phân chia năm 2006, nhiều người tin rằng Anil – trẻ trung, am hiểu công nghệ và kết hôn với một cựu minh tinh Bollywood – đã có phần thắng. Trong khi đó, Mukesh, một người kín tiếng, kỷ luật và có lối sống truyền thống, được cho là chỉ giữ lại những ngành công nghiệp cũ kỹ.

Thế nhưng, thời gian đã chứng minh điều ngược lại. Đến năm 2019, Mukesh vươn lên trở thành người giàu nhất châu Á, còn đế chế của Anil sụp đổ thê thảm.

Bước ngoặt lớn nhất chính là lĩnh vực viễn thông. Năm 2016, Mukesh ra mắt Reliance Jio, khơi mào cuộc chiến giá cước khốc liệt bằng các chương trình miễn phí cuộc gọi trọn đời và dữ liệu giá rẻ. Chỉ trong bốn năm, Jio đã trở thành nhà mạng lớn nhất Ấn Độ, khiến Reliance Communications của Anil cùng nhiều đối thủ khác lao dốc.

Đến năm 2019, Anil buộc phải tuyên bố phá sản. Trớ trêu thay, chính Mukesh – người anh từng bị xem là "kém thế" trong thỏa thuận năm nào – lại là người ra tay cứu em trai khỏi nguy cơ ngồi tù vì nợ nần chồng chất.

"Maharaja thời hiện đại" – Đế chế không giới hạn của Mukesh Ambani

Tham vọng của Mukesh Ambani không dừng lại ở viễn thông. Sau khi xây dựng Jio thành mạng di động lớn nhất Ấn Độ, ông tiếp tục tận dụng lợi thế từ lượng người dùng khổng lồ để ra mắt nền tảng thương mại điện tử vào năm 2020, thách thức trực tiếp các ông lớn như Amazon và Walmart.

Không chỉ dừng ở công nghệ, Ambani còn mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ cao cấp, nắm trong tay mạng lưới phân phối của các thương hiệu xa xỉ như Burberry, Armani và Jimmy Choo. Đến tháng Hai năm nay, Reliance tiếp tục bắt tay với Walt Disney để hợp nhất các doanh nghiệp truyền thông Ấn Độ, tạo nên một tập đoàn trị giá 8,5 tỷ USD với 750 triệu khán giả.

Ông cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực thể thao khi sở hữu đội cricket Mumbai Indians – nhà vô địch 5 lần của Indian Premier League, giải đấu giàu sức hút nhất thế giới cricket.

Sự giàu có và quyền lực của Ambani ngày càng thể hiện rõ qua lối sống xa hoa. Tòa nhà 27 tầng trị giá hơn 1 tỷ USD của ông ở Mumbai được ví như cung điện của một "maharaja thời hiện đại". Đám cưới xa hoa của con gái ông, Isha, với sự góp mặt của Beyoncé cùng dàn sao Bollywood, cũng từng gây tranh cãi khi được cho là tiêu tốn đến 100 triệu USD.

Tuy nhiên, Ambani có quan điểm riêng về việc làm từ thiện. Ông chỉ trích mô hình từ thiện phương Tây, cho rằng đó là "công cụ làm suy yếu sức mạnh" khi tạo ra sự phụ thuộc thay vì khuyến khích sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp.

Biên dịch: Hà Linh