Câu chuyện này lần đầu xuất hiện trên tạp chí Fortune số ra ngày 10 tháng 9 năm 1990, và sau đó được nhắc lại trong cuốn sách "Tap Dancing to Work" (tạm dịch: Vui Bước Đến Công Sở) xuất bản năm 2012, do Carol Loomis biên tập. Nhưng ngay cả nhiều thập kỷ sau, bài học vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc: việc bạn mang họ Buffett không có nghĩa bạn nghiễm nhiên được hưởng đặc quyền. Thậm chí là không hề.
Vào thời điểm phỏng vấn, Howard đang là một nông dân trồng ngô và đậu tương ở ngoại ô Omaha, đồng thời vừa được bầu làm ủy viên hội đồng hạt Douglas, Nebraska. Đó không hẳn là loại công việc mà hầu hết những người thừa kế của các tỷ phú mong muốn có được. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, Warren Buffett vốn không phải là một ông bố tỷ phú điển hình.

Với khối tài sản ròng liên tục đưa ông vào top 10 người giàu nhất thế giới, Warren Buffett điều hành Berkshire Hathaway, một tập đoàn nổi tiếng với danh mục đầu tư khổng lồ và tầm ảnh hưởng thậm chí còn lớn hơn thế. Thế nhưng, ông vẫn luôn cương quyết: các con của ông sẽ không được trao sẵn "chìa khóa vương quốc".
"Nếu đi xem phim, bạn chẳng bao giờ biết liệu cha có mua vé cho bạn hay không," Howard kể với tạp chí Fortune. "Quan điểm của ông là, ai cũng phải tự lực cánh sinh."
Điều đó bao gồm cả những công việc chân tay thực sự. Khi còn nhỏ, Howard đã dành những ngày cuối tuần để làm vườn và khơi thông máng xối bị tắc. Ông và vợ tin rằng trách nhiệm không phụ thuộc vào việc bạn giàu hay nghèo. Và Howard đã giữ vững quan điểm đó khi nuôi dạy chính con trai mình. Khi cậu bé Howie (con trai Howard) đòi ngồi cạnh huyền thoại Michael Jordan trong một chuyến thăm tới Omaha, vì nghĩ rằng cái họ của mình đi kèm với đặc quyền được ngồi hàng ghế đầu, Howard đã phải làm cho cậu bé vỡ lẽ: đặc quyền không đồng nghĩa với việc muốn gì cũng được.
Và dù về lý thuyết thì tiền bạc chẳng bao giờ thiếu, Warren Buffett luôn nói rõ đó không phải là tiền của các con. Ông từng có câu chuyện nổi tiếng là khuyên con gái mình ra ngân hàng vay tiền sửa bếp thay vì tự ông chi trả. Và khi ông giúp trang trải học phí đại học cho một trong những người cháu gái nuôi, cô nhớ lại đã hỏi xin một tấm nệm futon (kiểu Nhật) – nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ thư ký của ông: "Chỉ chi cho các khoản liên quan đến học tập mà thôi."
Về phần mình, Howard chưa bao giờ cố chơi chiêu bài "có biết bố tôi là ai không". Thực tế, ông còn cố tình né tránh việc đó. "Tôi cảm thấy nản lòng khi muốn thử sức," ông nói về việc bắt đầu những dự án riêng khi còn nhỏ. "Dường như chẳng có việc gì tôi làm có thể thành công bằng những gì cha tôi đã làm. Và những gì tôi làm lại có thể ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của ông ấy."
Dù vậy, Howard đã tạo dựng con đường riêng của mình – và cũng phải chịu đựng vô số những lời phán xét chủ quan trong suốt quá trình đó. "Một tối ở nhà hàng, tôi rút cuốn séc ra trả tiền, và một gã nào đó nói: ‘Trời ạ, ước gì tôi có cuốn séc đó!’ Tôi đã không đủ kiên nhẫn để nói với anh ta: ‘Không đâu anh bạn, thực sự là anh không muốn có nó đâu.’”
Và rồi có một câu nói hay nhất, kiểu câu nói bạn có thể trông đợi từ một người nhà Buffett được dạy dỗ để coi trọng sự tử tế hơn tiền bạc: "Có những kẻ khốn nạn nhiều tiền và cũng có những kẻ khốn nạn chẳng có xu nào."
Ngay cả khi đó, Howard vẫn thường xuyên bị "khủng bố" bởi tin nhắn thoại – hầu hết là từ những người cố gắng liên lạc với cha ông. Nhưng ông vẫn tiếp tục công việc nông trại, vẫn đều đặn tham dự các cuộc họp của hạt, và vẫn nuôi dạy con cái mình theo những giá trị tương tự.
Con trai ông, "Howie bé", từng nói với mẹ rằng cậu bé không nghĩ mình sẽ đủ tiền mua nổi một cổ phiếu của Berkshire Hathaway. Cậu sở hữu 10 cổ phiếu Coca-Cola mua bằng tiền tiết kiệm, nhưng ngay cả khi mới 6 tuổi, cậu đã biết: khi bạn mang họ Buffett, kỳ vọng đặt vào bạn là rất lớn – nhưng đừng mong chờ được cho không biếu không thứ gì cả.
Trong thời đại mà con cái của các tỷ phú thường dễ nổi đình nổi đám trên TikTok hơn là làm một công việc thực sự, câu chuyện của Howard Buffett là một trường hợp hiếm có. Ông không chỉ lớn lên trong nhung lụa – ông lớn lên và học được rằng tại sao tiền bạc không nên làm thay đổi bản chất con người bạn.
Jeannine Mancini là biên tập viên của Yahoo!Finance. Bài viết được đăng tải trên Yahoo!Finance vào ngày 26/3/2025.
Yahoo! Finance là một trong những nền tảng thông tin tài chính trực tuyến hàng đầu thế giới, cung cấp dữ liệu thị trường chứng khoán, tin tức kinh doanh, tài chính cá nhân, và các công cụ phân tích đa dạng. Ra đời từ năm 1997, thuộc sở hữu của Yahoo!, trang web này đã trở thành nguồn tham khảo quen thuộc cho hàng triệu nhà đầu tư cá nhân, chuyên gia tài chính, và các tổ chức trên toàn cầu.
Biên dịch: Như Ý