Trung Quốc sử dụng DeepSeek để phát triển tiêm kích tàng hình

Kapil Kajal 14:16 12/05/2025
Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa hàng không quân sự bằng trí tuệ nhân tạo khi tích hợp mô hình ngôn ngữ DeepSeek vào quá trình phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ mới như J-35 và J-50.

Một kỹ sư quốc phòng cấp cao của Trung Quốc mới đây xác nhận công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển các dòng máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, trong đó có J-35 và J-50 – hai dòng tiêm kích tàng hình được kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể năng lực tác chiến của quân đội nước này.

Thông tin được tiết lộ bởi ông Vương Dũng Thanh (Wang Yongqing), trưởng nhóm thiết kế tại Viện Thiết kế Máy bay Thẩm Dương, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC). Phát biểu với Chinanews, ông Vương cho biết nhóm kỹ sư của ông đã tích hợp một cách có hệ thống DeepSeek – mô hình ngôn ngữ lớn do Trung Quốc phát triển – vào quy trình thiết kế và thử nghiệm máy bay chiến đấu.

“Công nghệ này đang chứng minh giá trị vận hành rõ rệt, mang đến những phương pháp và hướng tiếp cận hoàn toàn mới cho nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ,” ông Vương chia sẻ.

AI không chỉ hỗ trợ, mà là "đồng đội thiết kế"

Theo ông Vương, DeepSeek không chỉ giúp tự động hóa các bước phân tích dữ liệu, mà còn đóng vai trò như một “đồng đội thiết kế” trong việc xử lý các bài toán tích hợp hệ thống và tối ưu hóa cấu trúc máy bay – những vấn đề đòi hỏi độ chính xác và phức tạp rất cao.

Việc ứng dụng AI cũng giúp giảm đáng kể thời gian dành cho các khâu kiểm định và rà soát kỹ thuật. Nhờ đó, đội ngũ kỹ sư có thể tập trung hơn vào các nhiệm vụ then chốt như kiến trúc hệ thống hay giải quyết những vấn đề kỹ thuật cấp cao.

“Đây không chỉ là bước tiến về kỹ thuật mà còn thể hiện chiến lược dài hạn của Trung Quốc trong đổi mới công nghệ hàng không quân sự,” ông Vương khẳng định.

J-35 và J-50 – tham vọng thu hẹp khoảng cách công nghệ

Ông Vương xác nhận dự án phát triển tiêm kích J-35 đang diễn ra theo đúng tiến độ và kế hoạch đặt ra. Dòng máy bay này được thiết kế để hoạt động đa nhiệm cả trên không và trên biển, nhằm phục vụ cho Không quân và Hải quân Trung Quốc trong tương lai.

J-35 được xem là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hẹp khoảng cách với các mẫu tiêm kích tàng hình tiên tiến của phương Tây như F-35 của Mỹ.

Bên cạnh đó, nhiều hình ảnh chưa được xác thực lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy quá trình thử nghiệm bay của các mẫu máy bay được cho là thuộc thế hệ thứ sáu – có thể mang tên J-36 và J-50 – cũng đang được tăng tốc. Các nguyên mẫu này sở hữu thiết kế khí động học tàng hình vượt trội, thậm chí có dấu hiệu tích hợp vũ khí năng lượng định hướng.

DeepSeek và hệ sinh thái AI nội địa Trung Quốc

DeepSeek là mô hình ngôn ngữ lớn do một phòng thí nghiệm tại Hàng Châu phát triển. Công cụ này thu hút sự chú ý quốc tế khi được đánh giá có khả năng cạnh tranh – thậm chí vượt trội – so với các sản phẩm từ Mỹ trong một số tiêu chí, theo báo South China Morning Post.

Sau khi ra mắt, DeepSeek đã nhanh chóng được triển khai rộng rãi tại các cơ quan nhà nước, trường đại học, bệnh viện và nay là các đơn vị quốc phòng chiến lược. Việc sử dụng một mô hình do chính Trung Quốc phát triển cũng giúp giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm.

Giới quan sát nhận định, việc Trung Quốc tích cực tích hợp AI vào phát triển vũ khí và khí tài là một phần trong xu thế cạnh tranh công nghệ toàn cầu, khi chiến tranh tương lai không chỉ là về hỏa lực mà còn là cuộc đua về thuật toán, khả năng tự động hóa và ưu thế hệ thống.

Kapil Kajal là nhà báo của Interesting Engineering (IE). Bài viết được đăng trên IE vào ngày 08/05/2025.

Interesting Engineering là trang tin tức công nghệ và khoa học, chuyên cập nhật những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Ra mắt năm 2011, nền tảng này cung cấp nội dung hấp dẫn về AI, năng lượng tái tạo, hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực đột phá khác.

Biên dịch: Thu Hoài