Sau khi cà chua, rau xà lách, khoai tây và nhiều loại rau củ khác đã được trồng thành công ngoài vũ trụ, giới khoa học đang tiến thêm một bước mới: nuôi cá trong không gian. Một dự án mang tên Lunar Hatch đến từ Pháp hiện đang mở ra khả năng biến điều tưởng chừng chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng thành hiện thực.
Dẫn dắt bởi TS. Cyrille Przybyla – nhà nghiên cứu sinh học biển thuộc Viện Nghiên cứu Biển Quốc gia Pháp (Ifremer), dự án đặt mục tiêu xây dựng mô hình nuôi cá vược (sea bass) bền vững phục vụ cho các nhiệm vụ dài hạn trên Mặt Trăng và Sao Hỏa.
“Cá cung cấp nguồn protein dễ hấp thụ, giàu omega-3 và vitamin B – rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cơ bắp cho các phi hành gia trong điều kiện vi trọng lực,” TS. Przybyla chia sẻ.

Nuôi cá trong vũ trụ: Giấc mơ đang được thử nghiệm dưới mặt đất
Tại một cơ sở nghiên cứu ven biển thuộc miền Nam nước Pháp, những con cá vược khỏe mạnh đang được nuôi trong bể như một phần của chương trình Lunar Hatch. Kế hoạch là đưa trứng cá đã thụ tinh lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nơi chúng sẽ có đủ thời gian để nở thành cá con trong môi trường không trọng lực.
Sau khi nở, những “cá phi hành gia tí hon” này sẽ được theo dõi, sau đó đưa về Trái Đất để phân tích. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng không dừng lại ở các thí nghiệm: dự án kỳ vọng trong tương lai có thể thiết lập hệ thống trang trại cá ngay trên Mặt Trăng – phục vụ bữa ăn tươi sống cho các nhà du hành vũ trụ.
Nghe như mộng tưởng, nhưng thực tế cho thấy Lunar Hatch đang có những bước đi rất vững chắc. Trong nghiên cứu công bố năm 2023, nhóm của TS. Przybyla đã chứng minh trứng cá có thể sống sót trong môi trường không trọng lực – điều kiện tiên quyết để triển khai nuôi cá ngoài không gian.
Họ cũng tiến hành mô phỏng độ rung và va chấn của một vụ phóng tên lửa (dựa trên dữ liệu từ tên lửa Soyuz của Nga) và cho thấy phôi cá vẫn phát triển bình thường. Bên cạnh đó, nhóm còn nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ vũ trụ lên tế bào cá để đảm bảo an toàn sinh học trong suốt hành trình.

Tái sử dụng nước từ băng Mặt Trăng – hướng tới hệ thống khép kín
Một điểm độc đáo trong thiết kế của Lunar Hatch là hệ thống nuôi cá khép kín, với các khoang riêng biệt được bảo vệ khỏi bức xạ. Đặc biệt, nguồn nước nuôi cá sẽ được lấy từ băng ở cực Mặt Trăng, sau đó xử lý và tái sử dụng hoàn toàn – đảm bảo không lãng phí dù chỉ một giọt.
Dựa trên tính toán, để cung cấp hai bữa cá mỗi tuần cho 7 phi hành gia trong vòng 16 tuần, cần khoảng 200 con cá vược. Lunar Hatch dự định gửi 200 trứng cá vược thụ tinh lên vũ trụ, đồng thời nuôi một nhóm trứng tương đương tại Trái Đất để đối chiếu kết quả.
Không phải lần đầu cá “du hành vũ trụ”, nhưng là bước đi khác biệt
Đưa sinh vật thủy sinh lên không gian không phải là chuyện mới. Từ năm 1973, cá mummichog đã được đưa lên tàu Apollo. Sau đó, các loài như cá bảy màu, cá ngựa vằn cũng từng “du hành” đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hay trạm Tiangong của Trung Quốc – phục vụ nghiên cứu y sinh học trong môi trường không trọng lực.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của Lunar Hatch là hướng tới sản xuất thực phẩm lâu dài và bền vững cho con người ngoài Trái Đất – thay vì chỉ phục vụ thí nghiệm.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã hoàn tất phần lớn thử nghiệm mô phỏng trên Trái Đất và đang chờ đợi cơ hội hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Pháp (CNES) và NASA (Mỹ) để chính thức đưa những “cá vược không gian” đầu tiên vào quỹ đạo. Thời điểm phóng chính xác chưa được công bố, nhưng nhóm kỳ vọng có thể triển khai trong tương lai gần.
Dẫu biết điều kiện khắc nghiệt trên Mặt Trăng cùng hàng loạt rào cản kỹ thuật có thể khiến kế hoạch kéo dài nhiều năm, nhưng viễn cảnh các nhà du hành thưởng thức món cá tươi được nuôi ngay trên Mặt Trăng vẫn là giấc mơ hấp dẫn và đầy cảm hứng cho thế hệ tiếp theo của ngành thám hiểm không gian.
Mrigakshi Dixit là nhà báo của Interesting Engineering (IE). Bài viết được đăng trên IE vào ngày29/04/2025.
Interesting Engineering là trang tin tức công nghệ và khoa học, chuyên cập nhật những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Ra mắt năm 2011, nền tảng này cung cấp nội dung hấp dẫn về AI, năng lượng tái tạo, hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực đột phá khác.
Biên dịch: Thu Hoài