Xu hướng này, vốn đang nổi lên trên TikTok, cho thấy những người lao động trẻ tạm rời bỏ công việc của mình trong một thời gian dài, mặc dù họ còn rất xa tuổi nghỉ hưu truyền thống.
Theo các video được đăng tải trên ứng dụng, việc nghỉ hưu tạm thời cho phép họ tập trung vào bản thân, “tận dụng tối đa tuổi trẻ” và “tối ưu hóa sức khỏe tinh thần”.
“Về cơ bản, đó là việc bạn dành thời gian nghỉ ngơi trong suốt sự nghiệp của mình, thay vì chờ đợi và trì hoãn cho đến khi bạn lớn tuổi mới nghỉ hưu hoàn toàn”, người dùng TikTok @anaisfelt giải thích.
Khoảng thời gian này có thể kéo dài từ vài tuần đến cả năm, thậm chí lâu hơn. Mọi người tận dụng thời gian đó để đi du lịch, thực hiện các dự án cá nhân, hoặc đơn giản là để phục hồi sau những căng thẳng, mệt mỏi. Nhiều người hy vọng sau khi trở lại làm việc, họ sẽ cảm thấy sảng khoái và có thêm động lực.

Trong một video khác, nhà sáng tạo nội dung người Anh, Adama Lorna, chia sẻ với người theo dõi: “Ý tưởng ở đây là thay vì chờ đến 60 hay 70 tuổi mới đi du lịch khắp thế giới và theo đuổi sở thích, bạn hãy làm điều đó khi còn trẻ, còn khỏe, còn tràn đầy năng lượng – hãy biến chúng thành một phần trong cuộc sống thường nhật của bạn”
Cô nói thêm rằng những kỳ nghỉ hưu ngắn này giúp bạn giải phóng tâm trí để suy nghĩ về nhiều điều khác.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục bởi trào lưu này. Một số người cho rằng nó chẳng khác gì một kỳ nghỉ dài ngày.
Một người bình luận dưới video: “Thực ra bạn chỉ đang đi nghỉ thôi mà”. Một người khác thêm vào: “Ở các quốc gia khác, người ta chỉ đơn giản là đi nghỉ, và vẫn có chế độ nghỉ hưu sau này.
Những người khác lại băn khoăn về việc làm thế nào để hòa nhập lại với công việc sau một thời gian dài nghỉ ngơi như vậy. “Làm thế nào bạn có thể quay trở lại làm việc sau quãng nghỉ đó?”, một người dùng viết. Trong khi đó, một số người lại đặt câu hỏi về số tiền cần thiết để trang trải cho “kỳ nghỉ hưu non ngắn hạn này”.
"Thuật ngữ nghỉ hưu ngắn hạn lần đầu tiên được mô tả trong cuốn sách “Tuần Làm Việc 4 Giờ”, một cuốn sách tự lực và hướng nghiệp xuất bản năm 2007 bởi Tim Ferriss."
"Khi tuổi nghỉ hưu dự kiến sẽ tăng lên so với mức 66 hiện tại và ngày càng trở nên xa vời đối với Thế hệ Z, nhiều người đang lựa chọn những kỳ nghỉ ngắn này để không phải trì hoãn việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân và sự an yên."
"Tờ Metro đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ George Sik, một nhà tâm lý học và chuyên gia về nghề nghiệp tại eras, để tìm hiểu lý do tại sao xu hướng gần đây này lại khác biệt so với việc chỉ đơn giản là đi nghỉ.
Ông giải thích: “Nghỉ hưu ngắn hạn khác biệt khá nhiều so với một kỳ nghỉ thông thường hay thậm chí là một khoảng thời gian tạm dừng sự nghiệp. Một kỳ nghỉ thường là một sự thoát ly ngắn ngày, kéo dài vài tuần, và mặc dù nó mang lại sự nghỉ ngơi, nhưng nó không đủ để tái tạo lại năng lượng một cách sâu sắc, giúp bạn thực sự chống lại sự kiệt sức hoặc đánh giá lại các mục tiêu nghề nghiệp. Nhiều người trở về từ kỳ nghỉ vẫn cảm thấy căng thẳng trong công việc hoặc nhanh chóng rơi trở lại nhịp sống cũ.”.

"Tiến sĩ Sik cho rằng “nghỉ hưu ngắn hạn” có thể là một cách chủ động để chống lại tình trạng kiệt sức, bằng cách cho phép các cá nhân “sạc lại năng lượng hoàn toàn” – thay vì chỉ tìm cách đối phó với căng thẳng hàng ngày.
Ông nói thêm: “Không giống như kỳ nghỉ phép hàng năm, thường không đủ để thực sự ngắt kết nối, những khoảng nghỉ có chủ đích này tạo không gian cho việc nghỉ ngơi, phát triển bản thân hoặc du lịch.”
Một báo cáo năm 2025 từ Tổ chức Sức khỏe Tâm thần Vương quốc Anh cho thấy cứ năm người thì có một người cần nghỉ làm vì kiệt sức, làm nổi bật mối lo ngại ngày càng tăng trong lực lượng lao động ở Anh.
Các nhân viên trẻ cũng cho biết mức độ hài lòng với công việc thấp hơn, theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew từ năm ngoái.
Tiến sĩ Sik giải thích, nghỉ hưu ngắn hạn có thể giúp duy trì sự bền vững trong sự nghiệp về lâu dài.
Ông nói: “Thay vì cố gắng vượt qua sự kiệt sức cho đến khi một đợt kiệt sức nghiêm trọng buộc phải nghỉ làm, những kỳ nghỉ có kế hoạch có thể giúp duy trì sự gắn kết và năng suất ổn định.”
Dưới góc độ của nhà tuyển dụng, Tiến sĩ Sik cho biết thêm: “Các công ty đầu tư vào sức khỏe và tinh thần của nhân viên sẽ gặt hái được lợi ích về khả năng giữ chân nhân tài và năng suất làm việc.”
Lực lượng lao động ngày nay, đặc biệt là Thế hệ Z, phát triển mạnh mẽ trong môi trường coi trọng sức khỏe tinh thần và cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Khi nhân viên cảm thấy được trân trọng và hỗ trợ, họ có xu hướng gắn bó lâu dài với công ty và cống hiến hết mình.
Nghỉ hưu ngắn hạn chỉ là một trong nhiều cách mà người lao động trẻ đang thích ứng với những thách thức của môi trường làm việc hiện đại.
Một số người lựa chọn “làm việc thầm lặng” – tức là từ chối đảm nhận thêm trách nhiệm, tan làm đúng giờ và không tình nguyện làm thêm việc. Trong khi đó, một số khác lại từ bỏ công việc hành chính 9 giờ sáng - 5 giờ chiều truyền thống để theo đuổi các công việc tay trái và tìm kiếm sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.
Một cuộc khảo sát gần đây của Santander cho thấy ba phần tư Thế hệ Z không có ý định gắn bó với công việc hành chính 9-5 trong suốt sự nghiệp của họ.
Khoảng 77% số người được hỏi cũng bày tỏ sự tự tin vào khả năng khởi nghiệp và điều hành doanh nghiệp thành công, với 39% cho rằng tất cả những gì họ cần chỉ là một chiếc điện thoại thông minh.
Sự thay đổi trong tư duy này cũng đã khiến nhiều người tìm kiếm công việc từ xa hoặc linh hoạt, mà theo Tiến sĩ Sik giải thích, “cho phép mọi người tiếp tục kiếm tiền trong khi đi du lịch hoặc nghỉ ngơi'."
Biên dịch: Như Ý