Ban đầu, nhiều cơ sở kinh doanh phải ngừng hoạt động vì lệnh giãn cách xã hội yêu cầu người dân ở yên trong nhà. Sau đó, sự phục hồi kinh tế ấn tượng nhờ các gói kích thích lại châm ngòi cho lạm phát phi mã, gây áp lực nặng nề lên ngân sách của người dân và làm thay đổi đáng kể thói quen chi tiêu.
Tác động kép từ đại dịch và lạm phát sau đó đã buộc nhiều cửa hàng phải ngừng kinh doanh, bao gồm cả một số chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất quốc gia.
Tuy nhiên, không chỉ các nhà bán lẻ phải hứng chịu tác động nặng nề từ sự thay đổi này.
Ngành ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ không kém. Hệ quả là nhiều ngân hàng cấp quốc gia và khu vực đã đứng trước những lựa chọn khó khăn: tiếp tục duy trì hay đóng cửa bớt các chi nhánh, phòng giao dịch của mình.
Ngân hàng thích ứng với sự thay đổi lớn trong hành vi khách hàng
Từ trước đại dịch COVID-19, công nghệ vốn đã bắt đầu làm thay đổi cách khách hàng tương tác với các dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, đại dịch chính là chất xúc tác đẩy nhanh những thay đổi này, khiến đông đảo khách hàng chuyển sang sử dụng ngân hàng trực tuyến và ngày càng ít lui tới hàng nghìn chi nhánh ngân hàng trên cả nước.
Việc khách hàng có thể gửi, rút tiền mà không cần giao dịch viên, thậm chí vay tiền và thanh toán lãi vay ngay trên website hay ứng dụng ngân hàng, đã khiến nhiều nhà băng phải đánh giá lại vai trò và mô hình hoạt động của các chi nhánh vật lý.
Nếu trước đây, hình ảnh quen thuộc tại các chi nhánh ngân hàng là những dãy quầy giao dịch viên dài và cảnh khách hàng phải chờ đợi rất lâu, đặc biệt vào những ngày nhận lương, thì ngày nay, bức tranh đã khác. Phần lớn các quầy giao dịch truyền thống đã được dỡ bỏ, thay vào đó là các "cụm giao dịch" (teller pod) nhỏ gọn hơn đặt tại sảnh chờ, chỉ cần một vài nhân viên phụ trách.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang tăng cường trang bị các ki-ốt tự phục vụ (self-service kiosks) và nhiều công nghệ khác ngay tại chi nhánh, giúp khách hàng dễ dàng truy cập và sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Đồng thời, họ cũng tận dụng lại phần không gian trước đây vốn dành cho các dãy quầy giao dịch để tập trung nhiều hơn vào hoạt động tư vấn tài chính chuyên sâu (như quản lý tài sản, các sản phẩm cho vay), thay vì chỉ thuần túy thực hiện các giao dịch cơ bản.
Điều này tất yếu dẫn đến việc các ngân hàng không còn cần mặt bằng quá lớn như trước. Họ có xu hướng chuyển sang các địa điểm chi nhánh nhỏ gọn hơn, và thậm chí trong một số trường hợp, đi đến quyết định đóng cửa hoàn toàn những chi nhánh hoạt động kém hiệu quả.
Những biến động kinh tế tác động đến ngành ngân hàng
Tình hình càng trở nên phức tạp đối với các ngân hàng do những thay đổi đáng kể trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Chính sách này đã ảnh hưởng đến giá trị các tài sản mà họ nắm giữ trên bảng cân đối kế toán, chẳng hạn như trái phiếu.
Năm 2022, Fed đã khởi động chính sách lãi suất "diều hâu" (thắt chặt) mạnh mẽ nhất kể từ thời Chủ tịch Fed Paul Volcker đè bẹp lạm phát vào đầu những năm 1980, nhằm mục đích kiềm chế đà tăng giá phi mã. Quyết định tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát (vốn đã vượt mức 8% vào tháng 6 năm 2022) đã khiến giá trị của trái phiếu Kho bạc Mỹ và các loại trái phiếu dài hạn khác sụt giảm mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.
Việc buộc phải định giá lại danh mục trái phiếu theo giá thị trường (mark-to-market) với mức định giá thấp hơn nhiều chính là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vào ngày 10 tháng 3 năm 2023. Theo Viện Brookings, sự kiện này xảy ra trong bối cảnh diễn ra làn sóng rút tiền gửi ồ ạt trong một ngày lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ.
Chỉ hai ngày sau, Ngân hàng Signature cũng sụp đổ vì những lý do tương tự. Tiếp đó là sự thất bại của Ngân hàng First Republic vào ngày 1 tháng 5 năm 2023, ngân hàng này sau đó đã được JP Morgan Chase mua lại.
Mặc dù các ngân hàng sau đó đã điều chỉnh lại các rủi ro trên bảng cân đối kế toán, họ vẫn phải đối mặt với những thách thức mới.
Lạm phát tuy đã giảm xuống dưới 3%, nhưng mặt bằng giá cả và lãi suất duy trì ở mức cao đã làm sụt giảm hoạt động cho vay thế chấp và mua ô tô. Đồng thời, tỷ lệ nợ quá hạn và vỡ nợ thẻ tín dụng cũng gia tăng trong bối cảnh người đi vay ngày càng khó khăn về tài chính.
Ngân hàng Flagstar thông báo đóng cửa hàng loạt chi nhánh
Ngay cả các ngân hàng quốc gia lớn cũng không tránh khỏi những biến động của ngành ngân hàng, dẫn đến việc các tên tuổi lớn phải đóng cửa nhiều chi nhánh gây chú ý, và gần đây nhất là Ngân hàng Flagstar.
Flagstar Financial được xếp hạng trong số 30 ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ, với tổng tài sản khoảng 100 tỷ USD. Ngân hàng này có sự hiện diện mạnh mẽ ở vùng Đông Bắc và Trung Tây, đồng thời cũng có mặt tại vùng Đông Nam và Bờ Tây nước Mỹ.
Ngân hàng này được hình thành sau khi New York Community Bank (NYCB) mua lại Ngân hàng Flagstar vào tháng 12 năm 2022. Tiếp nối thương vụ sáp nhập vào tháng 10 năm 2024, NYCB đã chính thức đổi tên thành Flagstar Financial (mã chứng khoán NYSE: FLG).
Kể từ khi thương vụ hoàn tất, ngân hàng hợp nhất này đã tích cực tiến hành tái cấu trúc nhằm xây dựng nền tảng tài chính vững chắc hơn và quay trở lại đà tăng trưởng lợi nhuận.
Minh chứng là vào mùa thu năm ngoái, Flagstar Financial đã bán một phần đáng kể trong mảng kinh doanh thế chấp của mình cho Tập đoàn Mr. Cooper (COOP) với giá 1,3 tỷ USD. Động thái này được thực hiện nhằm giải phóng nguồn vốn và củng cố sức khỏe tài chính cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, Flagstar Financial cũng đã có những bước đi quyết liệt để cắt giảm chi phí thông qua việc sa thải nhân viên và đóng cửa các chi nhánh.
Vào tháng 1 vừa qua, Flagstar Financial công bố kế hoạch đóng cửa 60 chi nhánh và 20 văn phòng phục vụ khách hàng cá nhân cao cấp trong năm 2025. Hành động này sẽ giúp giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng, nhân sự, bảo trì và các tiện ích khác.
Sau khi ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 845 triệu USD trong năm 2024, những biện pháp tái cấu trúc này được kỳ vọng sẽ giúp công ty có lãi trở lại vào cuối năm nay.
"Chúng tôi dự kiến sẽ có lãi trở lại vào quý 4 năm nay," CEO Joseph Otting phát biểu trong buổi họp báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 của công ty. "Tôi tin rằng đây sẽ là bước ngoặt, đánh dấu sự trở lại con đường lợi nhuận bền vững của công ty."
Quá trình đóng cửa các chi nhánh ngân hàng đang được thực hiện theo ba giai đoạn và đã bắt đầu diễn ra. Theo hồ sơ nộp lên Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC), 28 địa điểm của Flagstar đã hoặc sẽ sớm ngừng hoạt động.
Vì kế hoạch tổng thể là đóng cửa 60 chi nhánh Flagstar trong năm nay, danh sách các địa điểm cụ thể còn lại sẽ tiếp tục được công bố chính thức trong thời gian tới.
Todd Campbell là biên tập viên của Yahoo!Finance. Bài viết trích dẫn từ TheStreet được đăng tải trên Yahoo!Finance vào ngày 26/3/2025.
Yahoo! Finance là một trong những nền tảng thông tin tài chính trực tuyến hàng đầu thế giới, cung cấp dữ liệu thị trường chứng khoán, tin tức kinh doanh, tài chính cá nhân, và các công cụ phân tích đa dạng. Ra đời từ năm 1997, thuộc sở hữu của Yahoo!, trang web này đã trở thành nguồn tham khảo quen thuộc cho hàng triệu nhà đầu tư cá nhân, chuyên gia tài chính, và các tổ chức trên toàn cầu.
Biên dịch: Như Ý