CEO Snapchat tiết lộ ông cố tình “gây khó dễ” nhân viên mới ngay ngày đầu đi làm
CEO Snapchat Evan Spiegel thừa nhận ông chủ đích tạo ra một ngày làm việc đầu tiên "kinh hoàng" cho nhân viên mới, nhằm nhấn mạnh rằng thất bại không bị đánh giá mà điều đó còn cần thiết để xây dựng nên một văn hóa đội ngũ sáng tạo hơn.
Đối với hầu hết người mới đi làm, việc bị yêu cầu chuẩn bị một bài thuyết trình ngay trong ngày đầu tiên chẳng khác nào một cơn ác mộng. Nhưng đó lại chính xác là cách nhà đồng sáng lập kiêm CEO Snapchat, Evan Spiegel, dùng để thử thách những tài năng vừa đến nhận việc ở công ty.

Thay vì bắt đầu một cách nhẹ nhàng bằng việc tham quan văn phòng hay giải quyết giấy tờ, các nhà thiết kế mới chỉ được cho vài phút ngắn ngủi để suy nghĩ (brainstorm) và trình bày (pitch) một ý tưởng hoàn toàn mới trước cả nhóm. Dĩ nhiên, họ có lẽ vô cùng sợ hãi viễn cảnh thất bại thảm hại – và đó chính xác là mục đích của Spiegel.
"Khi bạn hoàn toàn không biết công ty đang làm gì, không có chút manh mối nào về những gì đang diễn ra, thì làm thế quái nào bạn có thể nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời được chứ? Ý tôi là, điều đó gần như bất khả thi," Spiegel thừa nhận trên podcast "The Diary of a CEO".
Mặc dù các ý tưởng được đưa ra thường không đạt yêu cầu, mục tiêu chính của thử thách này là giúp nhân viên mới bỏ đi lớp bọc che đậy nỗi sợ thất bại và mở ra cánh cửa cho sự sáng tạo.
"99% ý tưởng là không tốt – nhưng 1% còn lại thì có," vị tỷ phú công nghệ chia sẻ. "Chúng tôi thực sự tâm niệm rằng cách tốt nhất để có một ý tưởng hay là phải có thật nhiều ý tưởng."
Tuy nhiên, việc chấp nhận thất bại có thể là một "liều thuốc đắng" đối với nhiều người thuộc thế hệ gen Z, những người đang bước vào thị trường lao động với mức độ lo âu cao chưa từng có. Hơn nữa, nhiều sếp của họ lại không có cùng quan điểm với Spiegel; các báo cáo cho thấy khoảng 6/10 nhà tuyển dụng đã sa thải nhân viên Gen Z, một phần vì những sai sót trong công việc như thiếu chủ động hoặc kỹ năng giao tiếp kém.
Tỷ phú Evan Spiegel tìm kiếm gì ở nhân viên: 3 giá trị hàng đầu, nhưng chỉ một yếu tố cần nhất
Chỉ ba giá trị đơn giản giúp phân biệt một ứng viên tốt với một ứng viên xuất sắc mà tỷ phú Evan Spiegel (CEO của Snap Inc.) muốn tuyển dụng — đó là người tử tế, thông minh và sáng tạo. Nhưng một trong những đặc điểm này thậm chí còn quan trọng hơn cả.
"Theo thời gian, chúng tôi nhận ra rằng, ồ, sự tử tế thực sự là yếu tố thiết yếu nếu bạn muốn có một văn hóa sáng tạo," ông chia sẻ trên một podcast.
Việc thể hiện sự tử tế sẽ tạo điều kiện cho một môi trường nơi những "ý tưởng sáng tạo” có thể phát triển mà không sợ bị chế nhạo hay coi thường. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, chỉ tỏ ra "dễ mến" (nice) không nhất thiết đồng nghĩa với việc bạn "tử tế" (kind). Ví dụ, nếu ai đó bị dính gì đó trên răng, một người “nice” sẽ lờ đi để tránh làm bạn khó xử. Ngược lại, một người "tử tế" sẽ chỉ ra điều đó vì để bạn không ngại và xấu hổ.
Nguyên tắc này cũng đúng trong môi trường công sở. Nếu một đồng nghiệp đang gặp khó khăn, sẽ có sự khác biệt rõ ràng trong cách hành xử/
Spiegel cảnh báo rằng việc tìm kiếm những cá nhân cân bằng được cả ba yếu tố: tử tế, thông minh và sáng tạo ngày càng trở nên khó khăn hơn, bởi xã hội hiện đại đang quá tập trung vào việc đo lường hiệu suất công việc.
"Sự sáng tạo vốn rất đánh giá, và vì vậy tôi nghĩ rằng rất khó để có thể tìm thấy sự tận tâm đầu tư vào việc phát triển sự sáng tạo khi kết quả của nó không hề chắc chắn," ông nói.
Việc nuôi dưỡng một môi trường sáng tạo, nơi mọi người cảm thấy được chào đón và an toàn để thể hiện ý tưởng, chính là một phần lý do giúp Snapchat tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ mạng xã hội lớn như Instagram và TikTok trong việc thu hút sự chú ý của thế hệ Z (Gen Z). Minh chứng là năm ngoái, lượng người dùng hoạt động hàng ngày của Snap đã tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt con số ấn tượng 453 triệu người.
Biên dịch: Như Ý
Preston Fore là biên tập viên của Fortune. Bài viết được đăng tải trên Fortune vào ngày 24/3/2025.
Fortune là một tạp chí kinh doanh toàn cầu nổi tiếng của Mỹ. Tạp chí này thường xuyên cung cấp các bài phân tích chuyên sâu về kinh doanh, tài chính, công nghệ, và quản lý, cũng như các bài phỏng vấn với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu. Với lịch sử lâu đời (thành lập năm 1929) và đội ngũ phóng viên, biên tập viên giàu kinh nghiệm, Fortune được xem là một trong những nguồn thông tin kinh doanh đáng tin cậy và có ảnh hưởng nhất trên thế giới.