Huawei trở lại đỉnh cao doanh thu

David Kirton 14:11 29/03/2025
Huawei (Trung Quốc) dự kiến công bố kết quả kinh doanh thường niên sắp tới với doanh thu ấn tượng, cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ bất chấp các lệnh trừng phạt kéo dài của Mỹ. Thành công này được củng cố bởi việc hãng đẩy mạnh phát triển phần mềm, đạt tiến bộ trong công nghệ chip bán dẫn và sự bùng nổ của mảng kinh doanh lái xe thông minh.

Theo dự kiến, công ty sẽ xác nhận doanh thu năm 2024 đạt 860 tỷ nhân dân tệ (118 tỷ USD). Con số này chỉ thấp hơn một chút so với mức đỉnh 891 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020 - thời điểm trước khi kho dự trữ chip cạn kiệt và các hạn chế từ Mỹ khiến doanh thu mảng tiêu dùng sụt giảm một nửa. Thông tin về doanh thu 2024 đã được Chủ tịch Huawei tiết lộ vào tháng 2 năm 2025. Tập đoàn cũng sẽ công bố lợi nhuận cả năm trong báo cáo tới đây. (Trước đó, vào tháng 10 năm 2024, công ty ghi nhận lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm giảm 13,7%).

Các lãnh đạo Huawei từng thừa nhận rằng các động thái từ Washington đã đẩy công ty vào "chế độ sinh tồn", buộc họ phải khai phá những lĩnh vực kinh doanh mới. Trọng tâm là tạo ra các sản phẩm thay thế công nghệ phương Tây và tăng cường hợp tác với chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Huawei đã thể hiện sự tự tin rõ rệt. Hồi tháng 5 năm 2024, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi báo cáo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng những lo ngại về việc thiếu hụt chip và hệ điều hành nội địa đã phần nào được giải tỏa.

Dù chưa công bố chi tiết các động lực tăng trưởng, Huawei cho biết mảng kinh doanh tiêu dùng đã khởi sắc trở lại và việc thâm nhập vào lĩnh vực ô tô đang có những bước tiến nhanh chóng.

Công ty tư vấn Isaiah Research ước tính, Huawei có thể đã xuất xưởng hơn 45 triệu điện thoại trong năm 2024, tăng ít nhất 25% so với năm trước, dù hiệu suất sản xuất chip vẫn còn là một thách thức.

Paul Triolo, đối tác tại DGA-Albright Stonebridge Group, nhận định: "Huawei đã chứng tỏ sức chống chịu đáng kinh ngạc trước áp lực từ Mỹ. Chính quá trình này cũng đã thúc đẩy các công ty công nghệ thông tin Trung Quốc trở nên sáng tạo và hợp tác chặt chẽ hơn."

Huawei đã từ chối bình luận về các thông tin trên.

Đối mặt với lệnh trừng phạt, Huawei đã nhanh chóng chuyển hướng sang các lĩnh vực mới như xây dựng hạ tầng 5G cho khu mỏ hay cung cấp hệ thống lưu trữ năng lượng cho trung tâm dữ liệu.

Khi bị cắt đứt khỏi Android (Google) và Oracle, hãng tự phát triển hệ điều hành HarmonyOS (Hồng Mông) – hiện được cho là chạy trên hơn một tỷ thiết bị – cùng hệ thống quản lý phần mềm nội bộ 'MetaERP'.

Bị cấm vận công nghệ bán dẫn Mỹ, Huawei tự chủ sản xuất các chip tiên tiến, bao gồm cả những dòng chip cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm từ Nvidia, nhà sản xuất chip AI hàng đầu.

Huawei cũng nổi lên như một nhà cung cấp công nghệ lái xe tự hành tiên tiến hàng đầu, bắt tay với các hãng xe quốc doanh Trung Quốc, giúp họ chuyển đổi và nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện.

Điển hình là sự hợp tác với Seres (do Dongfeng Motor hậu thuẫn) qua thương hiệu xe Aito, với doanh số tăng gấp ba lần vào năm ngoái. Các mẫu xe ăn khách như M7 và M9, trang bị hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến của Huawei, được trưng bày và bán tại showroom Huawei toàn quốc. Các dự án tương tự cũng đang được triển khai với Chery, BAIC, JAC Group và SAIC Group.

Trong tương lai, Huawei đặt mục tiêu tích hợp trí tuệ nhân tạo vào dịch vụ truyền thông công nghiệp và mở rộng hệ sinh thái phần mềm trên các thiết bị kết nối.

Hãng cũng cho thấy tham vọng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường smartphone quốc tế, minh chứng bằng sự kiện ra mắt hoành tráng mẫu điện thoại gập Mate XT tại Malaysia vào tháng 2 năm 2025.

Tuy vậy, ông Triolo lưu ý rằng việc không thể truy cập đầy đủ hệ sinh thái Android sẽ khiến Huawei khó lấy lại vị thế thống trị trước đây tại thị trường tiêu dùng phương Tây. Dù vậy, sự hiện diện của hãng trong lĩnh vực hạ tầng dữ liệu đang gia tăng ở các khu vực như Trung Đông.

"Sự hiện diện quốc tế của Huawei có thể sẽ không đồng đều, nhưng trong một số mảng nhất định, như nền tảng AI thay thế, họ hoàn toàn có khả năng thống trị các thị trường trọng điểm trong tương lai."

David Kirton là biên tập viên của Reuters. Bài viết được đăng tải trên Reuters vào ngày 28/3/2025.

Reuters là một trong những hãng thông tấn quốc tế lớn và uy tín nhất thế giới, chuyên cung cấp tin tức, hình ảnh, video và dữ liệu tài chính cho các phương tiện truyền thông, tổ chức tài chính và các chuyên gia trên toàn cầu. Được thành lập vào năm 1851 tại London, Anh, bởi Paul Julius Reuter, Reuters hiện là một phần của tập đoàn Thomson Reuters, có trụ sở chính tại Toronto, Canada, và hoạt động tại hơn 200 địa điểm trên toàn thế giới.

Biên dịch: Như Ý