Thông điệp Tập Cận Bình gửi đến doanh nghiệp tư nhân

James Palmer 12:24 22/02/2025
Cuộc gặp với các CEO hàng đầu đánh dấu tầm quan trọng của giới doanh nhân đối với nền kinh tế – miễn là họ vẫn chịu tỏ ra “thần phục” Tập.

Tập tổ chức cuộc gặp mặt các CEO của khu vực tư nhân

Trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc gặp mặt được truyền thông rộng rãi với các CEO hàng đầu đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Cuộc gặp nhằm phát đi tín hiệu rằng chính phủ đang chấm dứt các biện pháp kiểm soát vốn đã làm cho các ngành như công nghệ hay giáo dục rơi vào bất ổn và khiến nền kinh tế thêm phần trì trệ.

Bài phát biểu của Tập tại sự kiện cam kết rằng những thách thức của khu vực tư nhân chỉ mang tính “cục bộ, không phải toàn cục; tạm thời, không kéo dài; và có thể vượt qua, không phải không thể giải quyết”. Ông cũng khẳng định mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp cần phải “hài hoà và minh bạch”. Dưới thời Tập trước đây, Trung Quốc từng đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế nhà nước bằng cái giá phải trả là hy sinh khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, thông điệp từ cuộc gặp này lại mang tính hai mặt. Một mặt, Tập công nhận vai trò của giới doanh nhân đối với nền kinh tế, nhưng mặt khác, ông cũng khiến họ phải tỏ ra “thần phục” mình. Mọi sự chú ý vẫn hướng về nhà lãnh đạo: Tập ngồi ở vị trí trung tâm, trong khi các doanh nhân được sắp xếp ngồi thành nhiều vòng xung quanh theo thứ tự mức độ quan trọng.

Một trong những CEO ngồi ở vòng trong là Jack Ma của Alibaba. Jack Ma hiếm khi xuất hiện trước công chúng trong giai đoạn 2020 – 2023, sau khi mảng công nghệ tài chính (fintech) của công ty ông trở thành một trong những mục tiêu chính của đợt siết chặt kiểm soát công nghệ và khiến đợt phát hành cổ phiếu lần đầu định giá 34 tỷ USD của ông bị huỷ. Từng là một trong những vị tỷ phú bộc trực nhất Trung Quốc, nhưng khi lên tiếng chỉ trích các cơ quan quản lý, Jack Ma đã đi quá giới hạn.

Vào năm 2023, Ma phần nào được “phục chức” sau khi Ant Group của ông nộp một khoản phạt khổng lồ. Tuy nhiên, cuộc gặp tuần này – cùng với cái bắt tay của Tập dành cho Jack Ma – cho thấy Jack Ma chính thức được tái nhập với tư cách là một nhân vật được Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp thuận, dù với một hình ảnh có phần trầm lặng hơn. Dẫu vậy, Ma vẫn phải ngồi ở cuối bàn họp cách xa Tập, giống chỗ ngồi của Lương Văn Phong, nhà sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo DeepSeek.

Theo nhà kinh tế học kiêm cây viết cộng tác của tờ FP Lizzi C.Lee, sơ đồ chỗ ngồi của cuộc gặp phản ánh thứ tự ưu tiên của Tập. Những nhân vật ngồi gần Tập nhất – trong đó có Lưu Vĩnh Hảo (Liu Yonghao), chủ tịch tập đoàn nông nghiệp New Hope – cho thấy chính quyền đang giảm bớt chú trọng vào nền kinh tế nền tảng, thay vào đó tập trung hơn vào các mảng phần cứng, sản xuất, năng lượng mặt trời và công nghệ trong nông nghiệp.

Cả hai gã khổng lồ trong lĩnh vực internet là Baidu và JD.com đều không có tên trong cuộc gặp. Vị trí danh dự – và là người đầu tiên phát biểu sau khi Tập phát biểu xong – thuộc về CEO Huawei Nhậm Chính Phi, người có liên hệ mật thiết với nhà nước Trung Quốc và từng là mục tiêu của chính quyền Mỹ.

Ảnh hưởng thực tế của một cuộc gặp như cuộc gặp tuần này sẽ được thể hiện qua khắp các bộ máy Đảng – nhà nước, trong đó khả năng cao các quan chức địa phương sẽ dựa theo hướng chỉ đạo của Tập mà đối xử với các doanh nghiệp tư nhân. Việc này giúp các doanh nhân, từ tỷ phú cho đến người giàu ở các địa phương, bớt bị tổn hại hơn bởi những trò “làm tiền” vốn đã là một phần quen thuộc khi kinh doanh tại Trung Quốc. Họ cũng sẽ ít bị lép vế hơn khi phải đấu thầu cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước.

Sự thay đổi này có thể còn hiệu quả hơn so với việc điều chỉnh các chính sách thuế hay chính sách lao động, bởi lẽ trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc hoạt động trong một “vùng xám” mà ở đó, doanh nhân dựa vào mối quan hệ mang tính chất thoả thuận với bộ máy quan liêu.

Số lượng công ty khởi nghiệp giảm mạnh trong thời kỳ các biện pháp kiểm soát được siết chặt, từ 50.000 vào năm 2018 xuống còn chưa đến 1.000 vào năm ngoái. Sự ổn định về mặt chính sách được phát đi thông qua thái độ chấp thuận của Tập có thể giúp trấn an các nhà đầu tư rằng tiền của họ sẽ không tự nhiên mà mất. Nhưng đó chỉ là một mộng tưởng: Tập có thể dễ dàng đảo ngược cách tiếp cận dễ chịu với các doanh nghiệp tư nhân nếu xét thấy lợi ích của ĐCSTQ đòi hỏi điều đó.

Các tỷ phú ngồi với Tập trong buổi gặp đều hiểu rõ điều trên, vì thế họ sẽ tiếp tục tìm mọi cách thể hiện lòng trung thành của mình.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ là liệu những người lao động bình thường có đi theo định hướng của Tập hay không. Trong năm năm qua, tình hình bất ổn trong khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, đã củng cố quan niệm rằng chỉ có công việc liên quan đến nhà nước mới là an toàn, hay thường được gọi là “bát cơm sắt”. Số lượng người đăng ký thi công chức tăng vọt hàng năm dù dân số trẻ đang giảm.

Trong khi đó, khát khao khởi nghiệp – dù chỉ ở quy mô nhỏ – đã suy giảm đáng kể ở thế hệ trẻ vỡ mộng sau đại dịch COVID-19. Để vực dậy khí thế của Trung Quốc, có lẽ sẽ cần nhiều hơn là những cái bắt tay hay những bài phát biểu trên truyền hình.

Tác giả James Palmer - Phó tổng biên tập Tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy).

Biên dịch: Tạ Kiều Trang